/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

TRONG CÕI NGƯỜI RỘNG LỚN

Sau 5 tập thơ trình làng, “Trôi dạt cõi người” là tập bút ký của Tô Ngọc Thạch, ấn phẩm văn xuôi đầu tiên của nhà thơ vừa ra mắt bạn đọc
TRONG CÕI NGƯỜI RỘNG LỚN
(Đọc “Trôi dạt cõi người” – Tập bút ký của Tô Ngọc Thạch, NXB - Hội Nhà văn, 2012)
KIM CHUÔNG
 
       
        Sau 5 tập thơ trình làng, “Trôi dạt cõi người” là tập bút ký của Tô Ngọc Thạch, ấn phẩm văn xuôi  đầu tiên của nhà thơ vừa ra mắt bạn đọc. Với 13 bút ký, sách dày 360 trang, “Trôi dạt cõi người” thực sự làm nên giá trị phản ánh. Giá trị của những hiện thực phong phú, sinh động được khơi dậy từ thế giới của “đại giác”. Bằng nhiều cuộc đối thoại qua những chuyến đi tới nhiều vùng đất, nhiều xứ sở, châu lục, mười ba bút ký ở “Trôi dạt cõi người” là hồi ức, kỷ niệm của “người trong cuộc”. Nó có được từ hai chiều phát lộ, một  phía  đóng vai trò chủ thể nhà văn với một phía là khách thể rộng lớn.
      Lần theo dấu ấn trang viết, phải nói, Tô Ngọc Thạch là người đi nhiều, biết nhiều. Anh đã dẫn người đọc cùng hành trình khắp vòng quanh thế giới. Thế giới của những cuộc mô tả, tái tạo sau nhiều năm  xa dài mà người viết đằm từng mình trong những chuyến đi đủ cả năm châu: Á, Âu, Phi, Mỹ …
      Từ “Xibia – Vùng đất huyền thoại”, “Nước Nga, mùa thu vàng”, đến  “Một thoáng Paris”, hay “Phía đông Nam Châu Phi”. Rồi, “Kỳ thú Xứ Hàn”, “Nam Trung Hoa ký” hay “Xứ sở sương mù”. Rồi , “Nước Mỹ đi và nghĩ …” v.v…
       Ở mỗi bút ký, Tô Ngọc Thạch đã ý thức tạo dựng, từ cảnh quan kỳ thú được khắc hoạ ở những nét điển hình đến những sự kiện mới lạ, cuốn hút được xới lật. Với lượng thông tin giàu có được phản ánh ở nhiều mặt mang đặc điểm đặc thù của các quốc gia, châu lục. Từ diện tích, đất đai, dân số đến lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hoá, tập tục … “Trôi dạt cõi người” đã thực sự đem lại sự quan tâm cho nguời đọc, có thể làm thoả mãn những bức chân dung được phác thảo ở tầng nổi với những gợi mở được lắng chứa ở một phía chiều sâu.
       Dẫn người đọc cùng “du hành”quanh “thế-giới- rộng-lớn-bên-ngoài”, để cuối cùng, mỗi người tự trở về với “thế-giới-riêng-mình” trong cảm luận, suy ngẫm. Ở “Xibia – vùng đất huyền thoại”, đây là “dấu ấn đời người” của chính người viết từng sống, từng chứng kiến và trải nghiệm suốt một thời tuổi trẻ trên nước Nga Xô viết. Trang viết ở đây như sáng lên từ ký ức. Sức cảm, sức rung làm văn chương mát tươi hơn trong hoài niệm, suy tưởng.
      Ở bút ký “Uzbekistan ..”, “Hoa Kỳ ngày gặp lại”. Hay, “Quốc gia vạn đảo”… với lối kể mang nhiều chất ký sự báo chí, dẫu có lúc cứng khô, bề bộn trong khái niệm, khái quát cảnh và việc, nhưng Tô Ngọc Thạch đã tạo được những “điểm nhấn”, ở khả năng biết dừng lại khai thác những nét riêng có sức “quyến rũ” của nó. Ví như, từ nét riêng kỳ thú ở “Thành phố mặt trời” ở Uzbekistan), “Quốc gia có ba thủ đô song hành” ở Nam Phi, “Kinh đô Ánh sáng” ở Paris”, hay “Lâu đài và cung điện bậc nhất thế giới” ở Luân Đôn, “Đại lộ danh vọng” (Los Angeles - Mỹ). Rồi, lâu đài “Versaille - độc nhất vô nhị” ở Pháp, Xanh Petecbua ở Nga. Hay, “Đặc khu 260 hòn đảo”, Quảng Châu ở Trung Quốc v.v…
      Thật khó tránh khỏi cái dễ lặp lại ở giá trị thông tin bề mặt mà không thế không nhắc tới trên các lĩnh vực lịch sử vốn có với quá trình đấu tranh, đổi mới, hoà nhập rồi dựng xây, phát triển của quốc gia này, dân tộc nọ. Nhưng, cái quý, đáng lưu tâm hơn nữa ở “Trôi dạt cõi người” là giá trị khám phá. Có thể thấy, Tô Ngọc Thạch đã tinh tế, đúc rút trong so sánh, nhận xét, trong phẩm bình và đặt ra những vấn đề trước cái nhìn có ý nghĩa cho những bài học hữu ích đối với mỗi con người, mỗi quốc gia trong vai trò hoạt động và cải tạo thế giới.
      Người viết đặt ra câu hỏi để thấy được câu trả lời của nó trước hiện thực là gì ? Khi Wasinhton DC dân số hàng năm lại co hẹp, giảm đi. Thủ đô không còn tình trạng dồn về chật cứng, gây nhiều phức tạp cho đô thị trong sinh hoạt, giá cả, trong giao thông và các tệ nạn xã hội khác.
      Rồi Môdămbich (Châu Phi), người viết nhìn rõ, có thể xứ sở này còn nghèo so với Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới, nhưng tầm nhìn nào để có được quy hoạch hiện đại cho thành phố, cho giao thông đang được mở ra?  Rồi, những tình tiết nhỏ nhưng không kém lý thú trong cảm nhận, nghĩ suy như “Cái đẹp, cái văn minh ở nhiều nước không có kinh tế mặt đường”. Rồi, Tashkent, miền đất từng có “chợ nô lệ”, giờ là “chợ lao động”, nơi có phong tục bảo thủ và tham nhũng vào nhóm nhất thế giới. Rồi, Los Angeles, Jakata để tránh lãng phí, người ta không cho phép xe hơi khi chạy trên đường cao tốc lại chỉ có một người …
Ánh sáng nằm phía sau trang ký là những khám phá của người viết.                        
Là nhà thơ, lại là nhà nghiên cứu, quản lý và điều hành đơn vị sản xuất, Tô Ngọc Thạch có dịp đi nhiều. Từ những năm tháng tuổi trẻ được học tập, tu nghiệp tại nước Nga Xô viết. Kế sau đó là liên tục những chuyến đi trong các đoàn của Chính phủ, Nhà nước, nghiên cứu, trao đổi, ký kết, mở rộng hợp tác kinh tế… Lợi thế này đã đem lại cho bút ký “Trôi dạt cõi người” của anh một sức chứa thuộc về bề rộng, cái thế giới mới lạ. Nó có đủ trăm màu nghìn sắc. Có đủ sức mở đa chiều từ những trực giác sinh động mà không người viết nào “có thể đem tâm hồn mình thay thế được cái thế giới kỳ diệu ấy”. 
     Với cách vận động nhằm thông tin nhanh, chắt lọc nhưng sinh động và giàu có sự kiện. Với lối tự sự, có khi cả “nghệ thuật thống kê” khi dồn nén. Với lối nhận xét, so sánh, bình phẩm và rút ra những nhận biết ở những bài học quý trước hiện thực trải nghiệm,  Ở “Trôi dạt cõi người”, Tô Ngọc Thạch đã ý thức điều ấy ở sự đan cài, ở kết cấu tổng thể hay chi tiết trong từng bài viết. Khi là sự điểm xuyết, thoáng qua. Hoặc khi là sự dừng lại tô đậm, nhằm gây được ấn tượng mạnh.
       Với nhiều tác giả khác, có không ít bút ký thật hay, thật hấp dẫn của họ mà người đọc chỉ gặp ở đó phần dội vang là tâm tình cảm xúc, là suy tư, cảm luận. Là hiện thực có đấy, mà chìm mờ. “Trôi dạt cõi người”, bút ký của Tô Ngọc Thạch làm nên thành công từ một phía đi khác. Nhà văn mở nguồn từ những sự kiện bề bộn của “thế-giới-rộng-lớn-ngoài-ta”.
                                                       
                                             Hải Phòng, ngày giáp Tết Nhâm Thìn, 2012.
                                                                 K.C