/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

Đọc tập thơ “Đi dọc thời gian” của nhà thơ Tô Ngọc Thạch

nhà thơ Tô Ngọc Thạch thành công gieo nhiều câu thơ từ hồn mình, ươm lên những mảnh vườn ngát xanh, những ngôi nhà đầy tình quê trong lòng người đọc.

Đọc tập thơ “Đi dọc thời gian” của nhà thơ Tô Ngọc Thạch

Trúc Lâm

       Tập thơ “Đi dọc thời gian”là cả hành trình sáng tác của nhà thơ Tô Ngọc Thạch. Đó là cả một đời xuôi ngược gieo trồng “cây thơ xanh tươi”trên mảnh đất quê Vĩnh Bảo để góp thêm bóng mát trên thi đàn đất Cảng.

       Đúng như chiêm nghiệm của nhà thơ Phạm Ngà, mỗi người sáng tác cần có một mảnh đất để thương nhớ, giận hờn. Miền đất của Tô Ngọc Thạch chính là “vùng quê nơi sinh ra anh, nơi có lũy tre, gốc đa, con sông, buồng cau, ngồng cải, tiếng võng đến cỏ may, cánh bướm... Những chi tiết khiến câu thơ lay động”. Ngay từ đầu tập thơ, đọc bài thơ “Cầu Thùm” thấy hiện lên hình ảnh một trò chơi dân gian Bắc bộ gợi bao ký ức miên man trong lòng người đọc. Nhất là được viết bởi một tâm tình sâu nặng với quê hương của nhà thơ đất Trạng: “Cầu Thùm đi nhớ về thương/Chênh vênh tre gộc vấn vương tơ lòng/ Ao đình em thả bồng bềnh/ Ta đem vó cất ước mong nổi chìm/ Lạt tình khéo buộc con tim/ Nửa đời xuôi ngược vẫn tìm về nhau/ Thuyền em chưa đẩy ao sâu/ Làm ta chếch choáng trên cầu bông bênh”. Tả  trò chơi “cầu chùm” với tre gộc, ao đình, vó, lạt, thuyền, cầu... nhưng dường như nhà thơ muốn dùng những hình ảnh của trò chơi dân gian này để trao gửi nỗi nhớ nhung trong suốt “nửa đời xuôi ngược” của mình. Mỗi hình ảnh là một ký ức, tâm tư của người xa quê.

       Có lẽ, nhà thơ Tô Ngọc Thạch ủ ngọn lửa văn chương trong con tim say đắm của mình tới mấy chục năm để rồi từ cuộc sống giàu có tâm tình và thi vị từ làng Nội Tạ, nơi nhà thơ đi hết tháng ngày thiếu thời với mưa nắng khổ nghèo, những câu thơ ào ạt chảy trên trang giấy: “Tôi phất hồn thành cánh diều mùa xuân thả vào bầu trời thơ ấu/ Hương lúa thơm lừng lựng góc trời quê/ Hạt thóc đớn đau cõng bao mưa nắng tái tê/ Mẹ tãi nhọc nhằn ra phơi trong những ngày giông gió/ Lật tìm bóng mình dưới sá cày sấp ngửa” (Cánh diều mùa xuân). Nhà thơ gói hồn mình gửi vào ký ức tươi non, trong trẻo nhất để tìm lại những dấu yêu xưa, trong hương lúa thơm, hạt thóc nhọc nhằn, những sá cày sấp ngửa, đến phù sa bờ bãi, cánh đồng lúa mênh mang neo giữ mưa nắng vất vả của người nông dân sương gió… Quê hương không chỉ là cánh đồng lúa xanh vươn trên đầm bãi phù sa, là cánh diều, là chiều cầu thùm gieo thương gợi nhớ mà còn chất chứa cả những ký ức một thủa thiếu thời. Quê hương chân thật và sống động với tấm lòng quê được ghi lại trong thơ Tô Ngọc Thạch: “Bác giờ ngót nghét bách niên/ Một mình một bóng giữa miền trong veo/ Tuềnh toàng mái lá mốc meo/ Tháng năm bạc phếch trôi theo phận buồn/ Cuộc đời nắng lửa mưa tuôn/ Cánh cò cõng nắng qua vườn đất hoang/ Người từng chèo lái đò sang/ Trên dòng sông chữ ngổn ngang thác ghềnh” (Bác giờ ngót nghét bách niên). Thơ của Tô Ngọc Thạch ghi lại hình ảnh người thầy giáo quê cả đời dạy học cuộc sống thanh bạch tuềnh toàng mái lá, Người nông dân nghèo gặp vất vả, khó khăn “Số chưa đi hết gánh nghèo/ Phận còn lận đận gieo neo trong hồn/ Chú lành như cát trên cồn... Con còn thơ dại trong ngần/ Nhà đang định sửa lần khần lại thôi” (Đường trường hết nắng lại mưa)... Mới thấy tâm hồn thơ của Tô Ngọc Thạch chạm tới những số phận lênh đênh, chìm nổi.

      Ai cũng có những ký ức tuổi thơ thân thuộc. Thế nên, không cần chải chuốt, làm sang, những câu thơ về tuổi thơ dung dị, giàu cảm xúc giăng mắc níu giữ lòng người. Tập thơ “Đi dọc thời gian” chọn lựa những bài thơ tiêu biểu trong từng giai đoạn sáng tác. Những bài thơ trong suốt hành trình“phiêu bạt” từ đất Thượng Hải (bài thơ “Đâu là bến mơ”), Nước Mỹ (bài thơ “Cởi ác mộng ra”, “Thuyền tình lạc giữa bến duyên”) đặc biệt là khoảng thời gian trên đất nước Nga (bài thơ “Chiêm Bao”, “Tuyết đầu”, “”Vũ điệu SamBa” lạc nhịp”, một thuở nước Nga”…) đến những bài thơ viết về mảnh đất quê nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Thêm hai phần: phần 2 “Những câu thơ của nhà thơ Tô Ngọc Thạch được bạn đọc yêu thích”, phần 3 “Tô Ngọc Thạch qua lăng kính của các nhà văn và bầu bạn”- những “chú giải” để người đọc có thể cảm nhận rõ phong cách thơ Tô Ngọc Thạch. Cùng với 8 tập thơ ra mắt trước đó, nhà thơ Tô Ngọc Thạch thành công gieo nhiều câu thơ từ hồn mình, ươm lên những mảnh vườn ngát xanh, những ngôi nhà đầy tình quê trong lòng người đọc.
Trúc Lâm