/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

VĂN MIẾU XUÂN LA HUYỆN NGHI DƯƠNG

Văn miếu Xuân La đã được “Xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố” từ năm 2010.
VĂN MIẾU XUÂN LA HUYỆN NGHI DƯƠNG
.
Xênh xang một cõi trời thu
Hải Phòng còn cặp Văn từ Hàng - Xuân*
Nổi trôi năm tháng phong trần
Bao đền Văn** biến giữa bâng khuâng đời
Chỗ thì làm chốn ăn chơi
Chỗ chia đất ở cho người hàng quan
Chỗ thì xây quán bán hàng
Chỗ thành trụ sở nghênh ngang nhất vùng...
Bao hồn văn sỹ não nùng
Lùi dần xa tít... tận cùng đớn đau?
__________
* Hàng Kênh (nay thuộc quận Lê Chân) và Xuân La (nay thuộc xã Thanh Sơn) và là hai Văn từ (miếu) còn sót lại của huyện An Dương và huyện Nghi Dương (Kiến Thụy)
** Hàng trăm Văn từ (miếu) và Văn chỉ cổ bị tàn phá.
.
Có thể là hình ảnh về ngoài trời

     Có nhiều bài báo giới thiệu về Văn miếu (từ) Xuân La, nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng là Văn miếu của phủ Kinh Môn hay nó được xây dựng từ thời đầu Lê sơ.v.v.? Nhưng thực tế vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) thì huyện Nghi Dương được tách ra từ huyện An Lão, cũng như huyện Tiên Lãng được tách ra từ huyện Bình Hà lấy sông Mía làm ranh giới, hay huyện An Dương được tách ra từ huyện Cổ Phí, phần trên lấy tên là Kim Thành còn phía dưới mang tên là An Dương đều thuộc thừa tuyên Hải Dương.
     Từ lúc được thành lập, huyện lỵ Nghi Dương ở xã (làng) Nghi Dương, tổng Nghi Dương, nay thuộc xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy. Vì làng này có giáp (xóm) chính mang tên Mõ, nên còn có tên gọi khác là Mõ, song một số sách đã xuất bản tại Hải Phòng, trong đó có “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi: “Tên Nôm xã Nghi Dương là Mõ” là chưa chính xác, vì Nghi Dương là từ Hán hay cũng giống như Da Viên là từ Hán, không có liên quan gì tên Nôm là Cấm cả. Tôi lấy một thí dụ cho bạn đọc hiểu rõ thêm: Tên của của Tổng thống Mỹ là Trăm, trong chữ Hán không có từ này vì chỉ có từ Bách (白 tức 100), nên từ Trăm là âm Nôm... Sau này huyện lỵ mới chuyển về làng Xuân La, tổng Trà Hương và Văn miếu của huyện Nghi Dương được đặt tại đây.
     Cũng giống như huyện An Dương, huyện lỵ lúc đầu ở làng An Dương, tổng An Dương, nay là phường An Dương, quận Lê Chân, rồi đến thời Lê trung hưng chuyển về xã Hàng Kênh, tổng Đông Khê, nên Văn miếu được xây dựng tại làng Hàng Kênh vào năm Chính Hóa thứ 21 (1700). Từ đây ta có thể suy ra Văn miếu của mấy huyện duyên hải thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay có thời gian thành lập tương đương nhau. Còn cụ thể Văn miếu Xuân La được xây dựng chính thức năm nào thì cần phải xác minh bằng các tư liệu chính thống.
     Nơi đây là quê hương của nhà khoa bảng Bùi Tổ Trứ, người làng Xuân La, tổng Trà Hương (đời Thành Thái đổi thành tổng Trà Phương), huyện Nghi Dương nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538), đời vua Mạc Thái Tông (tức Mạc Đăng Doanh). Làm quan nhà Mạc tới chức Thừa chính sứ. Và nhà khoa bảng Ngô Thái Cẩn, người làng Hương La (từ đời Thành Thái đổi thành Cẩm La), tổng Trà Hương (đời Thành Thái đổi thành tổng Trà Phương), huyện Nghi Dương nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550), đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan nhà Mạc tới chức Giám sát ngự sử. (Xuân La và Hương La, thời nhà Mạc cùng một làng)
     Theo tương truyền thì Văn miếu Xuân La với quy mô khá khang trang, có 5 tượng đá xanh cao bằng người thật là Khổng Tử và bốn học trò (Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư và Mạnh Tử). Tòa tiền tế 5 gian, gỗ lim, chạm khắc cầu kỳ, mỹ thuật. Phía bên trái là tòa nhà cho Hội Từ văn, còn bên phải là Nhà bia Tiến sỹ. Mỗi một Tiến sỹ được thờ có một bài vị, ghi năm thi, cập đệ và chức tước vua ban cũng như quê quán... Trước cửa Văn miếu có hồ bán nguyệt, xung quanh trồng nhiều cây xanh ăn quả và một số công trình phụ trợ khác.
     Văn miếu này được trùng tu lớn nhất vào năm Gia Long thứ 7 (1809) và làm bia ghi tên 14 Tiến sỹ Nho học của huyện Nghi Dương (qua điều tra chúng tôi thấy thực tế có 13, nhà khoa bảng Hoàng Ngạn Chương, đỗ Tiến sỹ Nho học năm 1487, người quê xã Mỹ Dương, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chứ không phải người huyện Nghi Dương. Bia tại Văn miếu Hà Nội cũng nghi quê huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang). Sau đó đến năm minh Mạng nguyên niên (1820) Văn miếu này được trùng tu lần nữa và có sựng thêm bia đá “Hà Nam tam tổng văn hội bi ký“ (Hội Tư văn ba tổng phía Nam của sông), mặt sau có ghi một bài minh.
     Theo thời gian, tất cả những di tích văn hóa cổ bị mất, bị đập phá và còn sót lại mấy tấm bia. Đến năm 1977, Sở Văn hóa thành phố Hải Phòng chủ trương sưu tầm nghiên cứu lịch sử văn hóa cổ và sau đó hai tấm bia cổ tại Văn miếu Xuân La được trưng dụng về Bảo tàng Hải Phòng. Ông Ngô Xuân Khoát, cán bộ Ban quản lý nói với tôi rằng:
- Văn miếu Xuân La được khôi phục hơn hai chục năm, nhưng chưa biết cách nào có thể xin hai tấm bia kia về đúng vị trí của nó.
- Thế quê anh có ai làm lãnh đạo trên Hà Nội hay ở Hải Phòng không? Tôi nói.
- Không?
- Các anh phải làm công văn và qua UBND huyện Kiến Thụy để lấy lại.
- Họ không trả. Ông Khoát nói!
- Thế thì chỉ có đưa ra Tòa án thôi. Tôi đùa vậy?
     Nhìn khu di tích văn hóa này đã đầu tư khá nhiều công sức và sự đóng góp đất đai của người dân nơi đây với diện tích tổng thể gần 2.000 mét-vuông. Văn miếu Xuân La xứng đáng được vinh danh và các hoạt động của nó mang đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc như: Khuyến học, khuyến tài, khen thưởng học sinh, sinh viên giỏi, tôn vinh người tài đức, hoạt động văn thơ và các tiêu chí văn hóa khác. Văn miếu Xuân La đã được “Xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố” từ năm 2010.
NGỌC TÔ
.