/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG VỚI CÁCH ĐẶT TÊN THẬT KỲ LẠ

Bài viết này có từ mấy năm trước, nhưng nó cũng rất bổ ích cho việc đặt tên thới nay. Mong rằng những nhà cải cách đừng phá hỏng tên các địa phương cổ. Trước đây cha ông ta đặt tên làng nào đó, thì cả huyện không được trùng tên. Bây giờ xã nào cũng có thôn 1 đến thôn 15, thì dễ gây phiền muộn cho dân, cho những người muốn tìm lại quê mình???

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG VỚI CÁCH ĐẶT TÊN THẬT KỲ LẠ

.

     Mấy năm trước, tôi đã có bài viết cập nhật tới vấn đề quy chế đặt tên đường phố, hay cách quảng cáo ở các bảng hiệu như: “Phòng khám phụ khoa Hai Bà Trưng”, “Phòng nhổ răng Lý Thường Kiệt”... Hay cùng một quốc gia, nhưng miền Bắc gọi là phố, còn trong Nam gọi là đường. Hoặc trong cùng một nội đô ở cùng một quận huyện cũng có cách đặt tên khác nhau, chỗ đặt là phố, chỗ đặt là đường? Hay nhiều động thực vật, vật dụng mà ở các địa phương gọi theo tên khác nhau, như ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) gọi cua đồng là con rốc, còn ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) gọi là con cẫu. Hay mớ cá con ở Hà Tây, hay Hưng Yên gọi là mớ tép, còn con tép được gọi là con tôm… Hay cái bát ăn cơm, trong Nam gọi là cái chén, còn cái chén uống nước thì gọi là cái ly…

      Tất cả những từ ở thủ đô Hà Nội sử dụng như: Làng, phố, ngõ, ngách, cua đồng, mớ cá con, tép, bát, chén…, thì nhiều tỉnh thành khác được gọi là bản, đường, hẻm, xẹc hay xược, rốc, cẫu, mớ tép, tôm, chén, ly… gọi là tiếng địa phương. Tiếng địa phương chỉ áp dụng cho văn nói, còn các văn bản (văn viết) theo luật bắt buộc phải lấy tiếng thủ đô làm chuẩn.

       Thời phong kiến Việt Nam, cha ông ta đặt tên địa danh phần lớn đều mang một ngữ nghĩa gì đó. Ví dụ như: Hải Dương, nghĩa là “ánh sáng mặt trời phía biển”; Hay tên Hải Phòng, nghĩa là “nơi đóng quân canh phòng cửa biển”; Hay tên Tạ Xá, có nghĩa là ấp Tạ; Nghĩa Xá là ấp Nghĩa; Hạ Lý nghĩa là thôn Hạ (nơi ở phía Nam của 25 hộ dân); Thượng Lý nghĩa là thôn Thượng; Hay Quý Xuyên, nghĩa là sông Quý; Hay Tam Bạc, nghĩa là “bến ngã 3 sông”; Hay tên Da Viên, nghĩa là “vườn dừa”; Hay tên Đông Khê, nghĩa là “lạch phía Đông”; Hay tên Dư Hàng Kênh, nghĩa là làng “thêm của Hàng Kênh”; Hay tên Nhân Mễ, từ Mễ nghĩa là Gạo, nên dân gian gọi là thôn Gạo; Hay tên An Biên, nghĩa từ Biên là bìa, rìa, ven sông hoặc ven cửa biển, tên Nôm là Vẻn, nên dân gian gọi là ấp Vẻn.v.v.

Và có điều đặc biệt để cho đỡ nhầm lẫn trong cùng một huyện, sẽ không có địa danh trùng tên nhau. Nếu có một làng nào đó chuyển từ huyện hay tỉnh kế bên sang bị trùng tên với làng của huyện này, thì bắt buộc một trong hai làng trùng tên nhau phải đổi.

       Sang thời cách mạng (1945), thì người ta mong địa phương mình khấm khá, vẻ vang, hạnh phúc hơn, nên các tên như Quyết Tiến, Tiền Phong, Chiến Thắng, Đại Thắng, Đắc Thắng, Tân Tiến, Hùng Thắng, Vinh Quang, Tân Hưng, Vĩnh Tiến, Việt Tiến, Hưng Thịnh, Hạnh Phúc… được ra đời.  

.

  

       Thế rồi sang thời kinh tế thị trường, thấy ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada hay Liên bang Đức… người ta đặt tên địa danh đường phố, quận huyện theo số thứ tự, ta cũng bắt chước theo. Nhưng ở các quốc gia trên, khi biết được địa chỉ đường số mấy, quận số mấy là người dân có thể hình dung được nó nằm ở vị trí nào, để tới địa điểm đó với quãng đường ngắn nhất. Giống như ta biết được số nhà ở một phố nào đó trong nội Thành, thì người ta có thể đoán được ở đầu phố hay cuối phố.

      Tất cả việc đặt số phố, số phường hay số quận đều theo một nguyên tắc nhất định. Tức từ nhỏ tới lớn, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, bên trái là số lẻ, bên phải là số chẵn. Chứ không phải như ở nước ta hiện nay, có xã đặt thôn theo nguyên tắc từ Bắc xuống Nam, có xã làm ngược lại, có khi không theo bất kỳ một quy tắc nào. Nếu sự phát triển số lượng của thôn quá lớn, ta có thể vẫn đặt theo tên cũ, nhưng kèm theo số thứ tự. Ví dụ làng Trịnh Xá, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Thời bao cấp duy nhất có một thôn, nay phát triển thành 6 thôn, thì ta có thể đặt từ Bắc xuống Nam là Trịnh Xá 1, Trịnh Xá 2,… tới Trịnh Xá 6.

      Hay thời nay tại khu vực nội đô, nhiều khi cán bộ địa chính phường đi cấp biển số nhà cho cư dân theo số thứ tự từ nhỏ tới lớn. Đặc biệt với những số nhà mới phát sinh ở các khu phố, nhưng những nhân viên của phường chỉ biết cấp theo số thứ tự từ nhỏ tới lớn với lý do phường không có số khác thay. Ví như, trong ngõ 18A Lạch Tray, phường Lạch Tray phát sinh thêm hai căn hộ vì số nhà số 1 nay thành 3 hộ gia đình. Đáng ra phải cấp số nhà 1A, 1B, 1C, thì chẳng phải nói làm gì. Đằng này nhân viên phường lại cấp nhà số 2 cũ thành nhà số 4, nhà số 3 cũ thành nhà số 5… Họ tưởng số nhà do phường cấp là mọi người phải tuân theo, thực tế đây chỉ là việc làm “hành dân” mà thôi. Vì nhà số 2, số 3 cũ kia, mọi giấy tờ về đất đai, nhà cửa, giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân,…của các thành viên trong gia đình đã ghi theo số nhà cũ rồi, nay đổi làm sao được. Vì vậy việc cấp số nhà cho cư dân cần phải có quy trình và nguyên tắc nhất định, không nên “hành dân là chính”?

      Tôi không phải là chuyên gia về việc đặt tên theo số thứ tự, nhưng làm thử việc đặt tên 30 xã và thị trấn cho huyện Vĩnh Bảo. Trước hết lấy quốc lộ 37 dọc sông Chanh Dương làm mốc, theo nguyên tắc từ Bắc xuống Nam, thì bên trái là số lẻ, bên phải là số chẵn. Do vậy xã số 1 sẽ là Thắng Thủy ngày nay, xã số 2 sẽ là Vĩnh Long ngày nay và cứ thế kéo xuống xã số 25 là Lý Học còn xã 26 là Cao Minh chẳng hạn. Nếu người từ địa phương khác muốn tới xã số 26, hay số 27 thì chắc chắn phải đi xuống phía Nam cuối huyện, còn hỏi xã số 3, số 4 thì phải tới xã phía Bắc đầu huyện.  

       Hay tại thành phố Hồ Chí Minh việc đặt tên quận theo số thứ tự cũng chẳng theo một quy ước nào. Hình như những người đặt tên quận theo số thứ tự, chỉ quan niệm là các số 1, 2, 3, 4, 5,…11, 12,… thay các tên danh nhân thôi. Nếu các quận (1, 2, 3,  4,…12) được đặt theo đúng quy luật, thì những người chưa một lần đặt chân tới thành phố này có thể hình dung ra vị trí các quận trên nằm ở đâu. Rất thuận lợi cho việc nhận biết vị trí và di chuyển từ tỉnh ngoài vào hoặc trong nội đô giữa các quận huyện với nhau.v.v.    

       Hay một số làng xã với những cái tên đi vào lịch sử văn hóa, ca dao dân ca cho cả một vùng quê Bắc Bộ như “Thập bát trang Am, sang Nam mất một”. Đây là những cái tên, mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt cách nay gần 500 năm, song giờ đây một số tên Am đã chuyển sang tên khác như: Thôn 1, thôn 2, thôn 3... hay tên mới khác. Những tên Am kia gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời gian gần đây thành phố Hải Phòng đã đầu tư không biết bao tiền của xây dựng khu Di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thật đáng buồn, trong đó người dân địa phương toàn huyện Vĩnh Bảo không giữ nổi một tấm bia đá của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoặc một tấm bia đá mà ông soạn lời, hay một thanh cầu đá do ông bỏ tiền ra đầu tư, hay một tấm bia đá của bất kỳ công trình nào thời Mạc. Trong đó ở Thái Bình người ta còn giữ được 3 tấm bia đá do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn lời…

      Gần hai chục năm nghiên cứu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những địa danh liên quan, chúng tôi mới tìm được đủ 17 Am ở Vĩnh Bảo và một Am ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và một Am ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Trong đó Hậu Am ở xã Liên Am ngày nay đã bị mất tên cách nay hơn 100 năm. Đứng giữa mảnh đất Hậu Am xưa, tôi hỏi một cán bộ ở xã Liên Am (Vĩnh Bảo) ngày nay là làng Hậu Am ở đâu, thì anh ta chỉ sang làng Hội Am, xã Cao Minh kế bên. Còn khi xuống xã Vĩnh Tiến, thì Tiên Am và Bào Am, nay đã chuyển thành thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 5,…mất rồi. Khi trở lại làng Trung Am, đứng trước khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tôi bao cảm xúc trào dâng và mấy vần lục bát ra đời:

Tôi đi tãi gió heo may

Thân cò lặn lội đêm ngày tìm tên

Làng Am mười bảy kết duyên

Thế rồi tên gọi liên miên theo chồng

Làng Am mười tám bềnh bồng

Dạt về mảnh đất Nam Phong quê người

Ngược tìm nốt nửa phần đời

Gỡ dây tơ rối xa vời vợi xưa

Tên Am cụ Trạng đặt cho

Cớ sao lại bỏ… ai ngờ Vĩnh ơi?

       Rồi có một dòng sông lịch sử mang tên Bạch Đằng, mỗi khi nhắc tới địa danh này là kẻ thù phương Bắc đều khiếp sợ. Đây là niềm tự hào dân tộc, mà mọi người dân khi nghe tên đều biết. Sau này, vào “Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều đình nhà Nguyễn đúc Cửu Đỉnh khắc hình tượng vào Nghị Đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) liệt vào hàng sông lớn ghi vào điển thờ…” được đặt ở cố đô Huế. Sau đó nó còn được gọi với các tên khác là sông Vân Cừ, sông Thành Triền (Dền), rồi thời Pháp thuộc là sông Đá Bạc (Bạch). Còn dòng sông lịch sử Bạch Đằng kia được tịnh tiến xuống phía dưới hạ lưu, tức từ khu vực cầu Bến Rừng ngày nay tới cửa biển. Thời nay, không biết cơ quan nào của quốc gia cấp phép cho đơn vị làm bản đồ trên internet lại bỏ tên Bạch Đằng và thay vào tên khác là sông Đá Bạch? Và còn bao địa danh nổi tiếng khác cũng bị “số phận bi thảm” như sông Bạch Đằng?

Dòng sông lịch sử Bạch Đằng

Đi vào huyền thoại xa xăm muôn đời

Những nhà quản lý đương thời

Đổi thành Đá Bạch bên trời đớn đau

Nếu không chỉnh sửa mau mau

Thì hồn dân tộc nát nhàu như dưa?

        Ngược dòng thời gian!

       Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, chúng tôi được cấp trên cử đi Liên Xô du học. Thời ấy phương tiện giao thông thuận tiện nhất với du học sinh là xe buýt. Tôi không bao giờ quên, cứ lên xe số 18 là đến bến cuối cùng gần ký túc xá chúng tôi sinh sống. Hơn chục năm trước anh em tôi mới có dịp quay lại trường cũ và cũng nhảy lên xe buýt số 18, dẫu rằng xe thời nay đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng cũng chạy theo tuyến cũ. Khi xuống xe ở bến cuối cùng để về khu ký túc xá ngày xưa, mà có thời gắn bó, tôi mới hỏi một cụ già người bản địa:

       - Làm ơn! Ông nói giùm, xe buýt số 18 này có từ bao giờ?

       - Có từ khi mới thành lập chính quyền Xô Viết, mà cũng có thể trước đó nữa, vì ông nội tôi kể với tôi là bố ông ấy cứ lên số 18 là về được nhà. Người bản địa trả lời.

       - Tại sao vậy hở ông? Tôi hỏi.

       - Vì ở Nga là xứ sở lạnh, người ta không muốn thay đổi số xe hay địa danh đã được ông cha chúng tôi đặt tên.

        Tôi thầm cảm ơn người đàn ông tốt bụng và thấy cách quản lý của bạn đáng để chúng ta học tập, không riêng gì số xe, số nhà hay các địa danh đường phố, làng xã. Ngoại trừ trường hợp bị thiên tai địch họa, còn tất cả những gì thế hệ trước xây dựng, đặt tên... thì thế hệ sau cần bảo vệ giữ gìn. Đây là bài học cho các cơ quan quản lý của Việt Nam thời cơ chế thị trường...?

        Bây giờ ta quay lại việc đặt tên đường phố, phường quận tại thị trấn, thị xã hay thành phố... Trong cùng một đô thị đã có phố Trạng Trình, lại có phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, có đường Nguyễn Huệ lại có đường Quang Trung, hay có tới hai phố Trần Hưng Đạo.v.v. Thú vị hơn là những cái tên đầy đủ của các danh nhân bị cắt còn hai từ để đặt tên cho các đường phố, làng xã, cầu cống... Ví như: Quốc Tổ Lạc Long Quân thì bị cắt chữ Quân thành Lạc Long (cầu ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng); Thần Quý Minh Đại Vương thì bị cắt đi chỉ còn Quý Minh; Vị tướng thời Tiền Lý là Triệu Quang Phục bị cắt họ đi thành Quang Phục; Đức thánh Trần tên thật là Trần Quốc Tuấn bị cắt họ đi thành Quốc Tuấn; Hưng Đạo Đại Vương thì cũng bị cắt chữ Đại Vương thành Hưng Đạo; Tướng quân Phạm Ngũ Lão bị cắt họ thành Ngũ Lão; Tướng quân Trần Quang Khải bị cắt họ đi còn Quang Khải... ở rất nhiều tỉnh, thành. Nguyễn Thị Minh Khai bị cắt họ cùng tên đệm thành Minh Khai; Võ Nguyên Giáp bị cắt họ đi còn Nguyên Giáp; Hồ Chí Minh bị cắt họ đi còn Chí Minh (ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương).v.v.

      Tại bia đá thần tích của Nữ Thánh Chân tại “đền Nghè” ghi: “…Thánh Chân liền tập hợp quân lính để yết kiến với Trưng Vương. Trưng Vương vui mừng khôn xiết, rồi ban cho Thánh Chân làm Công chúa và cùng với Trưng Nhị nắm binh quyền tiến đánh quân Tô Định…”. Trong đó phố Hai Bà Trưng thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, Hải Phòng ngày nay. Thời Pháp thuộc là Avenue D, Odendhal (phố Cát Dài), tên Hán Việt là Trường Sa, còn tên Nôm là Tràng Cát hay Cát Dài, sau cách mạng năm 1945 là phố Hoàng Văn Thụ và sau năm 1954 là đại lộ (phố) Hai Bà Trưng. Như vậy Công chúa được đặt tên cho quận, còn Vua thì được đặt cho phố.

       Rồi phố Dư Hàng (quận Lê Chân), hay phố Trần Thành Ngọ (quận Kiến An), hay đoạn cuối bên phải của phố Bạch Đằng, phường Thượng Lý (khu Vinhome)…, thì đánh số nhà ngược với quy định, tức đánh số nhà từ Nam lên Bắc, từ Tây sang Đông. Theo khảo sát của chúng tôi, thì thành phố (nội đô) Hải Phòng đã có một số tuyến phố từ 3 đến 4 lần mang tên khác nhau, riêng thời cách mạng đã có từ 2 đến 3 lần mang tên mới. Ví dụ như phố Lạch Tray ngày nay, thời Pháp thuộc là đường Đồ Sơn (Route de Doson), sau năm 1945 là phố Trưng Trắc, trước năm 1968 là phố Trần Quốc Toản. Hay phố Cầu Đất ngày nay, thời Pháp thuộc là Route de Doson, rồi Boulevard Paul Doumer, sau năm 1945 là đại lộ Hồ Chí Minh, năm 1968 là đại lộ Quang Trung.v.v

       Hay từ năm 1968 tới nay đã có rất nhiều phố bị đổi tên như: Phố Ga đổi thành phố  Lương Khánh Thiện. Hay phố Lương Khánh Thiện đổi thành phố Võ Thị Sáu ngày nay. Hay phố Cao Miên (đoạn từ ngã 6 đến ngã 5) đổi thành phố Đà Nẵng ngày nay. Hay phố Lạc Long Quân (đoạn từ ngã 5 đến hết phố Đà Nẵng ngày nay) đổi thành phố Đà Nẵng ngày nay. Đại lộ Ngô Quyền đổi thành phố Nguyễn Tri Phương và phố Hoàng Diệu ngày nay. Hay phố Ai Lao đổi thành phố Trần Khánh Dư ngày nay. Hay phố Tô Hiệu đổi thành phố Phạm Minh Đức ngày nay. Hay đại lộ Hồng Bàng thành phố Bạch Đằng ngày nay.v.v và v.v. Chúng tôi đưa ra một số ví dụ trên để minh chứng cho việc thay đổi tên phố… thực sự còn chưa khoa học của chính quyền thành phố thời cách mạng.

       Đặc biệt sang thời cơ chế thị trường thì người ta đặt tên cho các khu đô thị mới nghe có vẻ “Tây” hơn, bởi ghép mấy chữ tiếng Anh vào cho nó oai như NOVALAND, TOHOKURA, VINHOME,... Nếu người không biết tiếng Anh, gọi theo tiếng Việt thì nghe khá buồn cười là “Nô va lôn”, “Tô hô cu ra”, “Vịn hom”,… Rồi họ bắt chước một vài nước phương Tây bỏ số 13, đổi thành số 12A, số dãy cũng đặt theo số thứ tự từ 1 đến 20, 30… nhưng không theo bất cứ một quy luật nào. Hay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, một số tòa nhà đặt số phòng cũng không theo bất kỳ một quy luật nào. Ví như nhà C, tầng 4 thì số phòng từ 301 đến 327…, tầng 5 thì số phòng từ 401 đến số cuối và tương tự như vậy tầng 6 thì số phòng từ 501 đến số cuối cùng. Cái hay chả thấy đâu, chỉ “hành” dân là chính, vì hàng ngày có tới hàng trăm người vào thăm nom, chăm sóc bệnh nhân. Việc đặt tên này là do mấy anh chị của đơn vị xây dựng, hay phòng hành chính của bệnh viện tự nghĩ ra.

       Hay một số đại biểu trên diễn đàn Quốc hội đề nghị bỏ biển số xe có số đuôi là 49 và 53. Vào thời phong kiến nhà Nguyễn, thì ngạn ngữ có câu: “49 chưa qua, 53 đã tới”. Câu nói ám chỉ tuổi hạn của mỗi người theo nhiều cách giải thích về âm dương khác nhau. Tuổi thọ trung bình của con người thời phong kiến là rất thấp, tới thời Nguyễn được nâng lên 40 - 45 tuổi, nên tục 50 tuổi được mừng lên lão vẫn còn áp dụng ở một số vùng nông thôn ngày nay. Còn xét về mặt khoa học, thì khi con người bước vào “tuổi sang chiều”, sức khỏe không còn sung mãn như trước nữa. Chính vì vậy, lúc này dễ bị ốm đau bệnh tật dẫn đến tử vong.

        Còn thực tế, những người đề nghị trên cũng chẳng hiểu thế nào là số xấu, số đẹp, bởi nước ta bị ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc từ khá xa xưa. Theo quan niệm của phái duy tâm ở Trung Quốc, thì số 4 (tử), số 7 (thất), hay 78 (thất bát) là số xấu, nhưng 04, hay 07, hay 078 lại là số đẹp vì nó có nghĩa là “không tử”, “không thất”, “không thất bát”… Hay số 6 (lục) đối với người Trung Quốc là số đẹp, còn từ lộc (祿), được gọi là lục (từ đồng âm), nhưng tiếng Anh số 6 (six) lại là “gày còm ốm yếu”. Tương tự như vậy số 2 (nhị) cũng liệt vào số xấu vì có tới 3 từ đồng âm không ngon nghẻ. Từ nhị (刵) là xéo tai, một hình phạt ngày xưa, hay từ nhị (劓) là cắt mũi, một hình phạt ngày xưa, hay từ nhị (渳) là tắm rửa cho người chết trước khi khâm liệm, nhưng 02 thì lại là số đẹp.v.v.

        Tất cả những việc bỏ số 13, hay số 49, hay 53, hay số 7, số 4, số 2… hay đấu giá các dãy số 8888, 9999, 6868… chỉ là việc tuyên truyền “mê tín dị đoan” và làm giàu cho một số cá nhân tin vào bói toán thôi. Nếu vào thời bao cấp, thì những người đề xuất thực hiện hay bỏ các số 13, 49, 53… trên chắc chắn bị “ngồi nhà đá”.

       Đặc biệt là việc đặt các dãy (lô) hay số nhà cũng rất tùy tiện, không theo bất kỳ một quy luật nào. Hay việc quy định gọi ngược ở các khu đô thị mới ngày nay theo thời phong kiến là từ trên xuống dưới, mà từ thời Pháp thuộc trở lại nay đã quy định gọi từ nhỏ tới lớn, từ dưới lên trên, tức từ số nhà, tới ngõ, tới phố, tới quận, đến tỉnh thành, quốc gia... Ví như tại khu đô thị Vinhome, số nhà 6 dãy 18 thì “Ban quản lý dự án” đặt là 18 - 6. Cái hay không thấy đâu, chỉ khổ khách đến chơi, hay khi mua hàng, hay thư từ… đều chuyển tới số nhà 18 dãy 6 thôi.

       Còn việc đặt cái tên khu đô thị với cái tên dài dằng dặc cho nó oai, chứ thực tế chỉ “hành dân” là chính, vì thẻ căn cước công dân, bằng lái xe, thẻ sinh viên, thẻ ATM… thì cơ quan Nhà nước biết ghi làm sao cho đầy đủ địa chỉ. Tôi có thể đưa ra một vài dẫn chứng để độc giả hiểu thêm về các tên dài dằng dặc là tên của “người âm phủ”. Ví như thủ đô của Thái Lan với tên đầy đủ là Krung Thep Maha Nakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayutthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udom Ratchaniwet Mahasathan Amon Phiman Awatan Sathit Sakkathattiya Witsanu Kamprasit (กรุงเทพมหานคร อมรรัตนโกสินทร์ มหินทรายุธยามหาดิลก ภพนพรัตน์ ราชธานีบุรีรมย์ อุดมราชนิเวศน์ มหาสถาน อมรพิมาน อวตารสถิต สักกะทัตติยะ วิษณุกรรมประสิทธิ์).

Dịch nghĩa là:

       “Thành phố của các Thánh thần, thành phố vỹ đại của những vị thần bất tử, thành phố châu báu tráng lệ của thần Indra, chiếc ngai vàng của đức vua Ayutthaya, thành phố của đền đài tráng lệ, thành phố của cung điện và lãnh địa hoành tráng nhất của Hoàng gia, ngôi nhà của thần Vishnu và tất cả các vị thần”, được gọi tắt là Băng Cốc

Hay tại Việt Nam có Nữ tướng Phương Dung thời đầu Công nguyên được nhà Lê – Trịnh phong thần với tên là An Lạc Phương Dung Trinh Thục Từ Thuận Đoan Trang Nghiêm Ôn Hậu Uyên Mục Ý Đức Khoan Hòa Mỹ Hạnh Chính Ngôn Cần Đức Từ Ái Tĩnh Nhất Công Chúa. Hay Tướng công Đào Kỳ được nhà Lê – Trịnh phong thần với tên là Trình Đô Hộ Quốc Phù Vận Tế Thế Trạch Dân Tuy Lộc Phổ Hóa Cương Nghị Chí Nhan Dũng Lược Vỹ Tích Phong Công Tá Trị Hoành Hưu Tuy Lộc Tán Trị Định Lan Tế Thế Hậu Đức Phổ Ân Phù Tác Thùy Lộc Ninh Dân Phụ Tài Tổng Phúc Diên Khánh Phù Cách Đại Vương.v.v. (nguồn theo Sắc phong thần ở đình Thanh Am, quận Long Biên, Hà Nội). Hay tại khu di tích đền Mõ huyện Kiến Thụy, Hải Phòng có A Nương Quỳnh Trân với tên thần là: A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân Phúc Huệ Nhu Hòa Tuyên Mỹ Chương Đức Trinh Thục Trang Túc Chất Ý Quảng Trạch Hồng Từ Thuần Nhất Tuệ Sảng Gia Hạnh Túy Tinh Đại Vương thời nhà Trần (nguồn theo sắc hợp phong cho 5 làng Nghi Dương, Du Lễ, Tú Đôi, Xuân Dương và Mai Dương).

       Thế rồi sang thời cơ chế thị trường, việc đặt tên cho con cái với cái tên dài dằng dặc như Nguyễn Thị Tĩnh Dung Như Trang Thục Nương Anh, hay Lê Văn Hữu Hiếu Nam Đình Ngọc Thư Tâm Nhân...Nếu hỏi tên đầy đủ của con cái họ là gì, chắc người đặt tên (bố mẹ) cũng khó lòng trả lời được. Còn khi gọi tên con cái, thì biết gọi làm sao… Nói tóm lại những cái tên người và tên địa danh dài dằng dặc, hay tên nước ngoài trên chỉ phục vụ trong “thế giới người âm” thôi. Nếu Nhà nước không có quy định chặt chẽ, thì các bộ phận làm căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ tín dụng,…ghi làm sao cho đủ dữ liệu.

       Tất cả việc so sánh với các quốc gia khác, thời đại khác… đều là khập khiễng. Dù sao chăng nữa, Nhà nước cần sớm có bộ quy chuẩn về cách đặt tên đường phố, thôn xã, tên người, cũng như tên gọi tất cả các công trình khác để các địa phương trên toàn quốc thống nhất thực hiện? Bao cảm xúc trong tôi trào dâng và mấy vần lục bát mang tên “Đặt tên” được ra đời:

Cạn đông gió bấc dội về

Niềm thương phiêu bạt tái tê lạ thường

Ngẩn ngơ con phố cung đường

Rạ rơm làng xã còn vương vương nồng

Nỗi đau nhoi nhói phập phồng

Dửng dưng ai thả não nùng vào xanh

Buồn sao hào kiệt, tài danh

Cắt đầu chặt đít hồn dềnh về đâu…

Bơ vơ trong cõi âu sầu

Thánh nhân tay vái, cúi đầu lạy: Nay?

NGỌC TÔ

.