/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

LÀNG VẺN THỜI LÊ CHÂN KHÔNG NẰM Ở VỊ TRÍ NỘI THÀNH HẢI PHÒNG NGÀY NAY?

Lịch sử thành phố Hải Phòng từ xa xưa tới thời cách mạng, được xâu chuỗi bằng những câu lục bát

LÀNG VẺN THỜI LÊ CHÂN KHÔNG NẰM Ở VỊ TRÍ NỘI THÀNH HẢI PHÒNG NGÀY NAY?
.

     Khi nghiên cứu sự ra đời về những vùng đất có người đến sinh cơ lập nghiệp từ hơn hai ngàn năm trước, ta có thể biết ngay được tại Hải Phòng có một số khu vực sau: Tràng Kênh (Thủy Nguyên), Núi Voi (An Lão) thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn hay Cái Bèo, Cát Bà (thuộc văn hóa Hạ Long) qua các kết quả khảo cổ học. Còn trang An Biên (âm Nôm là Vẻn, nghĩa là ven, rìa) tại Hải Phòng do Nữ tướng Lê Chân, quê ở ấp An Biên, Đông Triều đến khai hoang lập ấp và đặt tên cho vùng đất mới lập này nằm ở vị trí nào hiện nay thì cần phải xem xét kỹ lưỡng. Có người khảng định tại vùng đất cách nội thành khoảng ba chục cây số về phía thượng lưu sông Cấm, có người nói ở trên địa phận phường Quán Toan và có người đoán ở ba quận nội thành ngày nay,… vì lượng phù sa bồi lắng hàng năm tại cửa biển này rất lớn.

     Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải thì thủy lộ từ biển vào cảng Hải Phòng mỗi năm bị một triệu rưỡi đến ba triệu tấn mét khối trầm tích lấp đầy, nên muốn duy trì thuỷ lộ đủ để các tàu với trọng tải lớn có thể cập bến được. Vào đầu thế kỷ XXI nhà chức trách cảng muốn duy trì tầm sâu tối thiểu là năm mét rưỡi trên sông Cửa Cấm bằng cách nạo vét lòng sông này ba lần một năm mới đạt được tiêu chuẩn thông thương. Những con số trên phần nào phản ảnh tình trạng bồi lấp do thiên nhiên ban tặng cho những vùng đất cửa biển như Hải Phòng là quá lớn. Mong chính quyền thành phố và các nhà khoa học vào cuộc?

    Theo một nhóm nghiên cứu độc lập, thì trang An Biên thời Lê Chân sẽ cách xa nội thành Hải Phòng hiện nay về phía Bắc hàng chục cây số. Dựa theo quy luật bồi lắng phù sa tự nhiên thì ở các vùng cửa sông mỗi năm phần đất liền được nối dài thêm khoảng từ mười đến hai chục mét. Dựa theo tài liệu tại Viện Thông tin Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng thì Tuần kiểm ty Liễu Viên, huyện Giáp Sơn do nhà Minh đặt vào tháng 07 năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1410), điều này cho phép khảng định lúc ấy làng Liễu Viên thuộc huyện Giáp Sơn (khu Vật Cách Thượng nay là phường Quán Toan). Xét vị trí đặt Tuần ty thu thuế và kiểm soát đường sông, rất có thể Liễu Viên (柳 園) chính là Da (Gia) Viên (椰 園) vì chữ Liễu (柳) và chữ Da (椰) tiếng Hán gần giống nhau.

       Rồi cách đây một trăm ba mươi ba năm, thành phố Hải Phòng được thành lập, phần diện tích nội thành vẫn còn sình lầy, sú vẹt. Đình xã Gia Viên ở bên gốc đa ngay Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng ngày nay, mới được xây dựng từ đầu thời nhà Nguyễn, các sắc phong thần cho thành hoàng cũng chỉ có từ thời nhà Nguyễn. Hay đình An Dương có một sắc phong thần cuối thời Lê trung hưng, còn lại của thời nhà Nguyễn, hay chùa An Biên (Linh Quang tự) được xây dựng năm 1695… Và chưa có một chứng cứ khoa học nào để chứng minh mảnh đất ba quận nội thành Hải Phòng ngày nay có người đến sinh cơ lập nghiệp từ hai ngàn năm trước như bia đá, mộ thuyền, trống đồng, đình chùa, miếu mạo… Và, còn rất nhiều nhiều lý do khác nữa như phân tích về địa chất học… thì mảnh đất trung tâm nội thành Hải Phòng ngày nay chưa thể hình thành vào những năm đầu công nguyên, mà thời ấy vị trí nội thành Hải Phòng bây giờ còn là biển cả.

       Chẳng khác nào người dân trang An Biên, tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay thuộc xã Hưng Nhân huyện Vĩnh Bảo), họ luôn khăng khăng bảo vệ chân lý của mình là trang An Biên của họ có từ thời Lê Chân vì những tù binh được nghĩa quân Lê Chân đưa về đây để cải tạo, khai phá vùng đất mới, mà sử sách của huyện Vĩnh Bảo đã ghi.

       Nhóm nghiên cứu độc lập kia đã chứng minh được mảnh đất thôn An Biên, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo vào thời đầu công nguyên còn là bãi biển thì họ mới chịu. Còn trang An Biên (làng Vẻn) nội thành Hải Phòng hiện nay mới hình thành vào thời Lê sơ và làng Vẻn ở xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo là do nhóm cư dân từ nội thành về khai hoang lập ấp vào thời nhà Mạc, nhà Lê mạt mà thôi…

Có thể là hình ảnh về bản đồ

     
       Để giải đáp cho câu hỏi về lịch sử thành phố Hải Phòng, thì chúng ta phải tìm được thủ phủ của thành phố từ thời mới thành lập. Rất may cho vùng đất Cảng này là trong “cuộc phưu du” hơn một trăm ba mươi năm qua, thủ phủ của vùng đất này vẫn không thay đổi. Từ khi mới thành lập chính quyền cũ đã lấy cảng Ninh Hải (sau là cảng Hải Phòng) và sông Cấm làm trung tâm, bao gồm bốn xã bên bờ Tả sông Cấm và bên bờ Hữu gồm xã Da (Gia) Viên cùng một số xã ngoại vi như Hạ Lý, An Biên, Đông Khê, Hàng Kênh, mà trụ sở của cảng, nay là khu vực Ủy ban Nhân dân thành phố là lỵ sở. Cũng từ vị trí trung tâm này, chính quyền thành phố Hải Phòng xưa định hướng cho việc quy hoạch và xây dựng. Sau khi thành phố Hải Phòng ra đời thì con sông chính mang tên Tam Bạc (tên gốc Trạm Bạc) dài mười một ki-lô-mét, rộng trung bình tám mươi mét, sâu hơn ba mét bắt đầu từ thôn Trạm Bạc huyện An Dương đổ ra sông Cấm qua cửa Ninh Hải. Còn đoạn mới đào sau khi thành lập thành phố Hải Phòng từ ngã ba sông cầu Mới tới mom Thủy Đội theo phố Tam Bạc là sông đào Tam Bạc được khởi công nhằm cho các thuyền nhỏ vào buôn bán. Cũng từ đó chợ Sắt được thành lập, một nơi buôn bán sầm uất suốt gần một thế kỷ. Để mở rộng liên thông cảng Hải Phòng với bến Sáu Kho, vào năm 1925 chính quyền cũ cho lấp đoạn sông này từ cảng Hải Phòng đến khu vực hồ Tam Bạc ngày nay (dải vườn hoa trung tâm thành phố) và cái tên sông Lấp được ra đời từ ngày đó.

   Sang thời chính quyền cách mạng, không hiểu vì sao lại xây dựng cầu Lạc Long Quân (gọi tắt là Lạc Long) thấp lè tè làm các phương tiện vận tải thủy lúc triều cường không qua được, song gần đây lại làm thêm cay cầu Mới ngay khu vực ngã ba sông gần chợ Sắt bằng công nghệ cọc bê tông cắm chi chít xuống lòng sông Tam Bạc, chấm dứt các loại thuyền bè dù nhỏ nhất qua con sông thơ mộng này...

  Thông thường ở các làng xã người ta lấy đình làng làm trung tâm làng, ở các tỉnh thành người ta lấy Ủy ban Nhân dân tỉnh thành làm trung tâm, nhưng ở ba thành phố lớn là Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng, người ta lại lấy nhà hát lớn làm trung tâm. Ba nhà hát lớn này được xây dựng cùng một thời kỳ, cùng một kiểu kiến trúc Baroque (Ba Rốc) và không biết do vô tình hay hữu ý mà thời gian cũng lệch nhau theo quy mô diện tích cũng như dân số ngày nay: Nhà hát Lớn Sài Gòn xây dựng năm 1898 hoàn thành năm 1900, nhà hát Lớn Hà Nội xây dựng năm 1901 hoàn thành năm 1911, nhà hát Lớn Hải Phòng xây dựng năm 1904 hoàn thành năm 1912. Còn về độ hoành tráng và kinh phí xây dựng thì nhà hát Lớn Hà Nội đứng đầu.

   Quay lại bánh xe thời gian, lúc thành phố Hải Phòng được thành lập vào ngày 19 tháng 07 năm 1888, lỵ sở thành phố là giáp Trung của xã Gia (Da) Viên, tổng Gia (Da) Viên, huyện An Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương xưa. Minh chứng rõ nhất là ngôi đình làng Gia Viên bên cây đa ngay trong khuôn viên Ủy ban Nhân dân thành phố bây giờ. Vì vậy, lịch sử của thành phố Hải Phòng từ thời Đồng Khánh trở về trước sẽ gắn liền với lịch sử của tổng Gia (Da) Viên, huyện An Dương.

    Rồi từ đầu năm 1900 đốc lý Hải Phòng chia thành phố thành bốn hộ: Đệ nhất hộ, Đệ nhị hộ, Đệ tam hộ, Đệ tứ hộ. Đến tháng 11 năm 1931 đốc lý Hải Phòng ra công lệnh điều chỉnh địa giới nội thành Hải Phòng từ bốn hộ năm 1900 thành bảy hộ (mở rộng thêm). Sau năm 1945 chính quyền cách mạng chia nội thành làm mười ba tiểu khu theo số thứ tự từ một đến mười ba. Từ tháng 12/1946 đến 5/1955 chính quyền Pháp chia nội thành thành bảy khu, còn chính quyền cách mạng chia làm ba quận (Cửa Cấm, Lạch Tray và Bạch Đằng). Khi Hải Phòng giải phóng thì Ủy ban quân quản thành phố chia thành mười ba tiểu khu: Gia Viên, Lạc Viên, Máy Tơ, Cầu Đất, Máy Nước, Nhà Thương, Dư Hàng, An Dương, Thượng Lý, Hạ Lý, Chợ Sắt, Thủy Cơ, Lạch Tray. Đến năm 1961 nội thành Hải Phòng chia làm ba khu phố: Hồng Bàng, Lê Chân và Ngô Quyền. Từ 1981 thống nhất theo tên gọi cả nước, khu phố chuyển thành quận và tiểu khu thành phường. Các quận mới thành lập là: Kiến An (29/08/1994), Hải An (20/12/2002), Dương Kinh (12/09/2007) và Đồ Sơn (12/09/2007). Ngày 26 tháng 9 năm 1955, huyện Hải An của tỉnh Kiến An sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Ngày 5 tháng 6 năm 1956, thị xã Cát Bà và huyện Cát Hải của khu Hồng Quảng sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Cuối năm 1962 Hải Phòng và Kiến An hợp nhất, Vĩnh Bảo là thành viên muộn nhất vào ngôi nhà chung Hải Phòng. Lịch sử thành phố Hải Phòng từ xa xưa tới thời cách mạng, được xâu chuỗi bằng hai mươi tám câu lục bát sau:

HẢI PHÒNG - BƯỚC CHÂN ĐI DỌC THỜI GIAN

.

Bước chân đi dọc thời gian

Từ ngày khai khẩn bãi hoang xanh bờ

Thời Hán(1): Giao Chỉ xác xơ

Đinh - Tiền Lê(2) thật mộng mơ châu Hồng

Lý – Trần(3): Hồng Lộ trùng phùng

Cuối triều đều đổi thành cùng Hải Đông

Quý Cao(4) sóng vỗ mênh mông

Bóng xưa lỵ sở bềnh bồng xuyên đêm

Thời Minh(5) theo phủ Tân Yên

Lê sơ Đông Đạo(6) tơ duyên rối bời

Quang Thuận thập niên(7) ngời ngời

Hải Dương thay thế lên đời thừa tuyên

Hết thừa, xứ, trấn… triền miên

Tỉnh Đông(8) từ đó giữ nguyên tên mình

Thời Mạc Môn phủ(9) chung tình

Vào năm Tân Dậu (10) thình lình đổi tên

Nhớ năm Đinh Hợi(11) sao quên

Cùng An Biên xã lập lên cảng Phòng

Thu vàng(12) năm ấy ruổi rong

Tỉnh Phòng được tách sánh cùng xứ Đông

Cuối hè Mậu Tý thong dong(13)

Hải - Hà (14) dấu ấn ước mong diệu huyền…

Tỉnh Phòng Đinh Dậu(15) dịu hiền

Về anh Phù Liễn giữa miền hào hoa

Xênh xang Bính Ngọ(16) vỡ òa

Kiến An tưng hửng câu ca cuối mùa

Nhâm Dần(17) như bị bỏ bùa

Ai đem tơ dệt tình xưa mặn nồng. 

__________

Chú thích: (1) 206 TCN – 220; (2) 970 - 1009; (3) Lý: 1010 – 1225, Trần: 1226 – 1400; (4) Lỵ sở lộ Hồng một thời là trang Thanh Xuyên, thời Trần là trang Dậu Xuyên, nay là phố Quý Cao, h. Tứ Kỳ; (5) 1400 – 1427 thời kỳ nhà Minh đô hộ, thuộc phủ Tân Yên (An); (6) Từ 1428; (7) Năm 1469 thuộc phủ Kinh Môn, thừa tuyên Hải Dương; (8) Tỉnh Đông, xứ Đông là Hải Dương; (9) 1527 – 1592, h. An Dương thuộc phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương; (10) Năm 1741 h. An Dương thuộc đạo An Lão; (11) 19/07/1887 cắt xã Da Viên và xã An Biên h. An Dương và bốn xã h. Thủy Nguyên thành lập cảng Hải Phòng; (12) 11/09/1887 thành lập tỉnh Hải Phòng; (13) 19/07/1888 thành phố Hải Phòng và Hà Nội được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp Sadi Carnot; (14) Viết tắt của Hải Phòng, Hà Nội; (15) 31/01/1898 (10/12/Đinh Dậu) thành phố Hải Phòng tách ra từ tỉnh Hải Phòng và tỉnh Hải Phòng đổi thành tỉnh Phù Liễn; (16) Năm 1906 đổi thành tỉnh Kiến An; (17) Cuối năm 1962 thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An tái hợp;

NGỌC TÔ