VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
Các địa danh được ghi trong sách đều là những cái tên khá nổi tiếng theo thứ tự từ bến đò Cấm tới bến Song...ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
.
Đò dọc rồi lại đò ngang
Có đi anh đợi có sang anh chờ
(Ca dao)
Ngoài ra theo quốc sử thời Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí”, thì từ nội đô thành phố Hải Phòng tới khu vực xã Hữu bằng, huyện Kiến Thụy thời nay còn bến đò dọc là Cấm (huyện An Dương cũ), nay là bến Bính – Song (huyện Nghi Dương cũ). Các con sông cổ bao bọc huyện Nghi Dương, làm ranh giới với các huyện An Dương, huyện Tân Minh, từ 1885 tới nay là Tiên Lãng. Con sông từ ngã ba Trạm Bạc, tổng Văn Cú (trước 1945 thuộc tổng Kiều Đông), huyện An Dương theo hữu ngạn sông hướng Đông Nam tới hết làng Cựu Viên, tổng Văn Đẩu, huyện An Lão là ranh giới giữa huyện huyện An Lão và huyện An Dương cổ. Còn đoạn tiếp theo xuôi xuống hạ lưu tới cửa biển là ranh giới giữa huyện An Dương và huyện Nghi Dương.
Con sông làm ranh giới ba huyện này bắt nguồn từ sông Hổ mang (từ 1890 là Văn Úc) theo hướng Đông Bắc, được lấy tên theo địa danh phía thượng lưu sông là Nại Xuyên (奈川), tức sông Nại, nghĩa đen là “sông tự nhiên”. Còn làng Nại Xuyên (tên Nôm là Nái) thuộc tổng Nại Xuyên, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, từ năm 1837 thuộc phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương. Đến thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX) thì tên sông ngòi không làm theo cách đặt truyền thống nữa, mà đặt theo chiều ngược lại, tức lấy địa danh phía hạ nguồn làm tên cho sông. Ở phía hạ nguồn sông này có một con lạch mang tên Trai, tên Nôm là Tray thuộc làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, nay thuộc khu vực cầu An Dương II, xã An Đồng, huyện An Dương. Tục truyền con lạch này có khá nhiều động vật thân mềm với hai mảnh vỏ là trai, song vì từ trai trong tiếng Việt còn nghĩa khác nữa là con trai, vì vậy con lạch này mang tên Lạch Tray là vậy.
Còn con sông phía Nam của huyện Nghi Dương, làm ranh giới giữa huyện Tân Minh (từ 1885 trở lại nay là Tiên Lãng) và huyện Nghi Dương (từ 1926 là phủ Kiến Thụy và từ sau 1945 là huyện Kiến Thụy) gồm cả sông Để và sông Úc. Thời cổ thì làng chài Úc ở phía trên của làng Dương Áo thời nay. Theo “Bia đá thuật lại việc Tư Văn huyện Tân Minh tạo đền Tiên Hiền” dựng ngày 25 tháng 02 năm Sùng Khang thứ 9 (1574) tại Văn Miếu huyện Tân Minh, nay là Tiên Lãng, thì tổng này mang tên Xuân Úc hay Xuân Uất (春郁). Đến đầu thời Nguyễn (1802 – 1945) là tổng Dương Úc hay Dương Áo (陽燠) gồm 9 làng, trong đó có 4 làng Úc là Dương Úc (陽燠), Kỳ Úc (淇燠), Văn Úc (文郁) và Xuân Úc (春郁). Đến thời Đồng Khánh (1886) tên tổng không thay đổi, nhưng cách gọi khác là tổng Dương Áo (陽燠), trong đó vẫn có 4 làng Úc là Dương Úc, Kỳ Úc, Văn Úc, Xuân Úc, còn làng Vân Đô thì người dịch sai trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” là Vân Úc, vì chữ Úc (郁) cũng la lá như chữ Đô (都). Hay trang 105 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” phần Hán tự chữ Áo ghi sai (袄), nghĩa là áo ngắn hay áo bông, mà phải viết là chữ Áo (燠), còn đọc là Úc, Ốc, Ủ, Ứ, nghĩa là ấm áp.
Theo cách đặt tên truyền thống, lấy làng xã phía thượng lưu sông làm tên và thời cổ làng chài Úc ở bên hữu ngạn sông phía trên, nên tên sông là Úc xuyên (郁川), tức sông Úc. Còn đoạn nối tiếp sông Úc lên phía trên hết ranh giới huyện Tiên Lãng là Để xuyên (底川), tức sông Để. Từ thời Pháp thuộc (1890), thì cách đặt tên sông ngược với cách đặt truyền thống, nên sông Úc, hay Văn Úc được gọi cho cả đoạn sông dài từ cửa Văn Úc tới sông Hổ Mang là Văn Úc giang (文郁江). Trang 88 sách “Đại Nam nhất thống chí” xuất bản đầu thế kỷ XX ghi: “Tả đồn Văn Úc ở xã Dương Áo, huyện Tiên Minh, còn hữu đồn Văn Úc ở xã Đa Ngư, huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy”.
Từ khi con sông này mang tên Văn Úc (文郁江), gọi tắt là Úc giang (郁江), mà từ Úc (郁) có thể đọc là Uất, nên sông này còn gọi là Uất Giang. Nếu từ năm 1890 trở về trước, thì Uất giang chỉ có từ xã Tiên Thắng huyện Tiên Lãng hắt xuống phía cửa biển với chiều dài vài cây số, còn từ năm 1890 trở về sau thì sông Văn Úc ngày nay với chiều dài gần 57 cây số có thể gọi là Uất Giang. Giống như sông Cấm trước năm 1890 chỉ tính từ giáp Cấm làng Da Viên, tổng Da Viên, tức khu vực phà Bính ngày nay hắt xuống phía biển với chiều dài dăm cây số. Còn sông Cấm từ năm 1890 trở lại nay gồm sông Cấm cổ và sông Kiền Bái cổ với chiều dài 35 cây số tính từ ngã ba Nông (cực Tây của xã Đại Bản) giáp với huyện Kinh Môn.
Sau đây là một số bến đò dọc được ghi trong sách “Đại Nam nhất thống chí” với những cái tên khá nổi tiếng theo thứ tự từ bến đò Cấm tới bến Song như sau:
a- Bến đò Cấm, bên hữu ngạn là khu vực giáp Cấm, làng Da Viên, tổng Da Viên (khu vực phà Bính ngày nay), nay thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng. Còn bên tả ngạn sông là bến Bính Động, tổng Lâm Động (sau này là Hoàng Pha), nay là thôn Bính Động, xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên. Nếu từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, thì đò dọc từ bến này chạy theo hướng Đông qua bến Thượng Đoạn rồi ra cửa Nam Triệu, sau đó dẽ phải theo sông Do (hay sông Định Vũ, gọi chệch là Đình Vũ vì kiêng tên vua Khải Định). Còn sách “Đại nam nhất thống chí” thời Nguyễn ghi sai là sông Lò (sông bị lấp vào năm 80 thế kỷ XX, nay thuộc khu công nghiệp Đình Vũ) tới cửa Nại Hải (từ 1890 là Lạch Tray) và tiếp tục theo sông Hiên (Riêng) về sông Câu Thượng (từ 1890 là Đa Độ).
b- Bến đò Thượng, đây là một bến đò dọc bên hữu ngạn sông Cấm thuộc thực địa làng Thượng Đoàn, tổng Hạ Đoàn, huyện An Dương cũ, sau này gọi là Thượng Đoạn, nay thuộc phường Đông Hải I, quận Hải An, Hải Phòng. Bên tả ngạn sông là làng Vũ Yên, tổng Hạ Đoàn, huyện An Dương cổ, nay thuộc đảo Vũ Yên, thành phố Hải Phòng. Tại địa phương này còn câu ca cổ được lưu truyền là “Ông Thượng còn ngượng với ông Cấm”, đây có nghĩa là đò Thượng này ít khách đi lại so với đò Cấm.
c- Bến đò Đạt, bên hữu ngạn sông Niệm (Lạch Tray) thuộc tổng Đống Khê, huyện Nghi Dương (sau 1925 là phủ Kiến Thụy, sau 1945 là huyện Kiến Thụy), nay thuộc phường Lãm Hà, quận Kiến An. Còn bên tả ngạn thuộc làng Niệm Nghĩa (từ 1886 về trước thuộc làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương), tổng Đông Khê, nay thuộc phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân. Vào năm 1934 cầu Niệm bằng bê tông được xây dựng và vào năm 1952 làm lại bằng sắt rộng dài hơn, thì đò Đạt này hết vai trò hoạt động và sau đó được dịch chuyển về phía hạ lưu chừng vài cây số thuộc thực địa làng Đôn Nghĩa (từ 1886 về trước thuộc làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương), tổng Đông Khê, nay thuộc khu vực gần cầu Võ Nguyên Giáp, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Còn bến bên hữu ngạn thuộc tổng Tiểu Trà, huyện Nghi Dương, nay thuộc phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh. Tiếp tục xuôi xuống phía hạ lưu ta gặp:
d- Bến đò Rào. Theo bản đồ hành chính tỉnh Hải Phòng năm 1890 do người Pháp in, thì từ tỉnh lỵ (khu vực UBND thành phố ngày nay) tới cánh đồng làng Lực Hành (nay thuộc khu vực gần bến xe cầu Rào), tổng Trung Hành, huyện An Dương và tên Nôm làng Lực Hành là Rào, nên gọi là làng Rào. Đặc biệt huyện lỵ An Dương lúc này đóng tại làng Rào, nên huyện An Dương còn gọi là huyện Rào. Từ bến đò Rào trên sông Lạch Tray nối tiếp một quốc lộ chạy về phủ Kiến Thụy ở khu vực Bắc núi Đối, rồi tiếp tục chạy ra tới Đồ Sơn. Bến đò Rào bên tả ngạn sông Lạch Tray thuộc thực địa làng Lực Hành, tổng Trung Hành, huyện An Dương, cách bến xe cầu Rào ngày nay một đoạn về phía thượng lưu sông. Còn bến bên hữu ngạn sông thuộc tổng Tiểu Trà, huyện Nghi Dương, nay thuộc phường Anh Dũng, quận Dương Kinh.
.
Cầu Rào thời xưa
.
Còn theo bản đồ hành chính tỉnh Kiến An năm 1909 do người Pháp in, thì người Pháp đã làm đường bộ từ bến đò Rào tới Đồ Sơn. Vào thời điểm này (1909), thì sông Rào (Lạch Tray) chưa có cầu và qua sông He cũng chưa cầu, còn qua sông Hiên (Riêng) đã có cống. Theo bản đồ tỉnh Kiến An năm 1930, thì cầu Rào vẫn chưa được xây dựng. Theo một tài liệu khác, thì cầu Rào được xây dựng cùng với sân bay Cát Bi vào thời gian cuộc chiến tranh thế giới lần II (1938 – 1945). Lúc đầu được làm bằng sắt, sàn ván gỗ. Năm 1946 thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cầu Rào (Hải An, tỉnh Kiến An) cũng như cầu Nghìn (Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương)… bị Việt Minh phá bỏ một số thanh giằng và lột hết ván sàn. Năm 1947 được người Pháp sửa lại và hai bên đặt lô cốt (bốt) canh. Thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần 1 (1965 – 1969) bị máy bay Mỹ thả bom làm sập. Năm 1976 được xây dựng lại, năm 1987 cầu tự rơi mất một nhịp vì trình độ làm cầu bằng bê tông của Hải Phòng thời ấy còn kém. Năm 1989 cầu được khánh thành làm bằng sắt. Và năm 2021 cầu Rào được làm lại mới như hiện nay. Trong thời gian cầu này bị hư hại thì các phương tiện và người qua lại bằng đò, phà và cầu phao. Tiếp tục di chuyển tới cửa Lạch Tray và dẽ vào sông Hiên, hay còn gọi là sông Riêng (nay thuộc Hòa Nghĩa) và về sông Đa Độ, rồi ngược lên phía thượng lưu ta gặp:
đ- Đò Đức Phong (gọi tắt là Đức). Theo bản đồ thời Đồng Khánh (1886) phủ Kiến Thụy và huyện An Dương, thì từ bến Đạt của sông Nại (từ 1890 là Lạch Tray) có quốc lộ từ Đồn Hải Phòng (nay là khu vực phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) theo hướng Nam về gần huyện lỵ An Dương ở tổng Trung Hành và vòng lên phía Tây tới làng Niệm Nghĩa, huyện An Dương qua bến đò Đạt sang tổng Đống Khê, huyện Nghi Dương. Con lộ này tiếp tục nối dài theo hướng Đông Nam qua phía Tây núi Dương (khu vực núi Kha Lâm gần quán Trữ ngày nay) và cắt qua con đường bộ phía Đông núi Dương (núi Kha Lâm) tới phía Tây của tổng Đại Trà, huyện Nghi Dương. Tiếp tục quốc lộ này qua bến Đức Phong (gọi tắt là Đức) sang bên hữu ngạn sông Câu Thượng, rồi qua khu vực gần phủ Kiến Thụy và ngược theo hướng Tây Nam tới tổng Cao Mật, huyện An Lão và ra bến đò Cẩm La (phía trên của bến Sáu Mươi) ở sông Văn Úc.
Tại bên tả ngạn bến đò Đức này, ngày nay là thôn Đức Phong, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, còn bên hữu ngạn, nay là thôn Tam Kiệt, xã Hữu bằng, huyện Kiến Thụy. Đây đồng thời là bến đò dọc “xép” của huyện Nghi Dương thời phong kiến để tới hay đi từ phủ thành Kiến Thụy. Vào những năm 20 thế kỷ XX, thì hệ thống giao thông đường bộ của huyện Nghi Dương thay đổi, lối vào phủ Kiến Thụy không theo con đường phía Tây núi Đối nữa và chuyển về phía Đông núi Đối. Do vậy đò Đức tạm ngừng hoạt động. Tiếp tục ngược lên phía thượng nguồn ta gặp:
e- Đò Song (雙渡). Theo bản đồ thời Đồng Khánh (1886) phủ Kiến Thụy, thì có quốc lộ từ khu vực bến Rào đi qua phía Đông núi Dương (khu vực núi Kha Lâm gần quán Trữ ngày nay), rồi qua phía Tây tổng Phúc Hải kéo qua sông Câu Thượng (từ 1890 là Đa Độ). Phía bên tả ngạn sông này là giáp Song, tổng Phúc Hải, huyện Nghi Dương. Còn bên hữu ngạn sông là tổng Văn Hòa, huyện Nghi Dương. Khi qua bến đò Song con đường bộ này tiếp tục chạy qua gần phủ thành Kiến Thụy và ra sông Úc ở bến Sáu Mươi thuộc tổng Nghi Dương.
Từ đầu thế kỷ XX, thì hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Kiến An được thay đổi và bến đò Song được dịch chuyển xuống phía hạ lưu sông Đa Độ chừng ba dặm thuộc làng Lãng Côn, tổng Đại Trà, nay là thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy. Còn bên tả ngạn sông là làng Kim Đới (tên cũ là Ngô Xá, tên Nôm là Ngò, Vẹm), tổng Văn Hòa, tới thời Đồng Khánh (1886) vẫn thuộc huyện An Lão, sau được cắt về huyện Nghi Dương, nay thuộc xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy. Vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX, thì đò Song tạm dừng hoạt động. Bến này là bến cuối cùng đò dọc của huyện Nghi Dương.
(Còn nữa)
NGỌC TÔ
Các tin khác
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
-
PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
-
QUÁ TRÌNH THI CÔNG SÔNG CHANH DƯƠNG - VĨNH BẢO
-
VĨNH BẢO ĐÒ ƠI!
-
CÁI TÊN A SÀO – THÁI BÌNH CÓ TỪ BAO GIỜ