VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
DANH SÁCH CÁC NHÀ KHOA BẢNG QUÊ HUYỆN AN DƯƠNG
Đến đây ta có thể khảng định nhà khoa bảng Phùng Bá Kỳ không phải là người huyện An Hải, Hải Phòng.DANH SÁCH CÁC NHÀ KHOA BẢNG QUÊ HUYỆN AN DƯƠNG
.
Đợt thi Đại khoa cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam vào năm Khải Định thứ 9 (1924), nhưng người đỗ Đại khoa cuối cùng của huyện An Dương là Nho sinh Phạm Đình Trọng. Người quê xã Khinh Dao, tổng Vụ Nông, huyện Giáp Sơn (từ năm 1901 xã này được cắt về huyện An Dương) đỗ Đại khoa năm Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông.
Sau đây là danh sách 18 nhà khoa bảng quê huyện An Dương, thành phố Hải Phòng:
1- Nguyễn Doãn Truân, sinh năm 1439, người xã Trung Lực Hành, huyện Cổ Phí, phủ Kinh Môn, thừa tuyên Nam Sách, từ 1469 trở đi là xã Trung Lực Hành thuộc huyện An Dương. Lúc đi thi gia đình đã di dời về xã Hà Nội, huyện Cổ Phí (sau 1469 là Kim Thành), sau này là thôn Hà Nhuận, xã An Hòa, huyện An Dương, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tham chính.
Khoa thi này có 1.100 Nho sinh tham gia, triều đình nhà Lê sơ đã chọn ra 27 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 9 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 18 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 4 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) là Nguyễn Doãn Truân, người xã Trung Lực Hành, huyện An Dương do Đông các Hiệu thư, Tiến sỹ Đàm Văn Lễ soạn lời. Cẩn sự lang Trung thư giám chính tự Nguyễn Tủng viết chữ và Mậu lâm lang Kim Quang môn đãi chiếu bề tôi Tô Ngại khắc chữ. Bia được dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
Lúc Nguyễn Doãn Truân đỗ Đại khoa (1466) thì xã Trung Lực Hành thuộc huyện Cổ Phí, nhưng vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) thì huyện An Dương được thành lập. Vì vậy tại bia Tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám dựng năm Hồng Đức thứ 15 (1484) ghi xã Trung Lực Hành, huyện An Dương là chính xác. Trong đó, tất cả các sách khác đều ghi ông người Trung Hành, huyện An Dương, vì thời Lê sơ thì chỉ có xã Trung Lực Hành và sau này mới tách làm hai xã là Trung Hành và Lực Hành. Kể cả “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” ghi ông người xã Trung Hành, quê gốc Mộ Trạch, huyện Đường An (Hải Dương). Có lẽ xã Trung Hành thời phong kiến nổi tiếng là nơi chuộng học hành, nhiều quan lại có tài. Tác giả Phan Huy Chú (1782 – 1840) trong cuốn “Hoàng Việt địa chí” ca ngợi trí thức làng Trung Hành, đã dẫn câu ngạn ngữ “An Dương – Trung Hành. Kim Thành – Quỳnh Khê”.
2- Vũ Mẫn Trí (? - ?), người làng Khuê Chương, tổng Phí Gia, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, nay thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đoán sự.
Khoa thi này có 3.000 Nho sinh tham gia, triều đình nhà Lê sơ đã chọn ra 43 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 3 Đệ nhất giáp, 13 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 27 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 5 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Đông các Hiệu thư mẫn sự Tả lang Lê Ngạn Tuấn soạn lời. Cẩn sự lang Trung thư giám chính tự Thái Thúc Liêm viết chữ và Mậu lâm lang kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại khắc chữ. Bia được dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
3- Nguyễn Hiếu Trung (? - ?), người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.
Khoa thi này triều đình nhà Lê sơ đã chọn ra 62 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 3 Đệ nhất giáp, 9 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 50 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 6 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), do Hiển cung Đại phu Hàn lâm viện Thị thư kiêm Tú lâm cục Tư huấn Nguyễn Đôn Phục soạn lời. Cẩn sự lang Trung thư giám chính tự Thái Thúc Liêm viết chữ và Mậu lâm lang kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại khắc chữ. Bia được dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484). Làng Khinh Giao, tổng Vụ Nông có 4 Tiến sỹ Nho học là Nguyễn Hiếu Trung (đỗ năm 1478), Lê Công Truyền (đỗ năm 1481), Nguyễn Đôn (đỗ năm 1541), Phạm Đình Trọng (đỗ năm 1739).
4- Ngô Kim Húc (? - ?), người làng Hàng Kinh (Kênh), huyện An Dương, phủ Kinh Môn, nay là phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung khoa Lại.
Khoa thi này triều đình nhà Lê sơ đã chọn ra 62 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 3 Đệ nhất giáp, 9 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 50 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 6 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Hiển cung Đại phu Hàn lâm viện Thị thư kiêm Tú lâm cục Tư huấn Nguyễn Đôn Phục soạn lời. Cẩn sự lang Trung thư giám chính tự Thái Thúc Liêm viết chữ và Mậu lâm lang Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại khắc chữ. Bia được dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
5- Lê Công Truyền (? - ?) còn LHĐK ghi chưa chính xác là Nguyễn Công Truyền, người làng Khinh Giao (tên gọi khác là Kinh Dao), huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.
Khoa thi này có 2.000 Nho sinh tham gia, triều đình nhà Lê sơ đã chọn ra 40 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 3 Đệ nhất giáp, 8 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 29 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 7 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Hiển cung Đại phu Hàn lâm viện Thị thư, kiêm Tú lâm cục Tư huấn Nguyễn Trọng Ý soạn lời. Mậu lâm Tả lang Trung thư Giám điển thư Phan Trung viết chữ và Mậu lâm lang Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại khắc chữ. Bia được dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484). Làng Khinh Giao, tổng Vụ Nông có 4 Tiến sỹ Nho học là Nguyễn Hiếu Trung (đỗ năm 1478), Lê Công Truyền (đỗ năm 1481), Nguyễn Đôn (đỗ năm 1541), Phạm Đình Trọng (đỗ năm 1739).
6- Lê Đức Liêu (? - ?), người làng Quỳnh Hoàng, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Nam Sơn, huyện An Dương, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Các tài liệu của trung ương và tỉnh Hải Dương ghi ông là Lê Đức Liêu. Trong đó, sách “Những ông Nghè đất Cảng” do NXB Hải Phòng năm 1994 ghi là Nguyễn Đức Liêu?
7- Vũ Phất (1464 - ?), người làng An Chân, huyện An Dương, nay thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo.
Khoa thi này triều đình nhà Lê sơ đã chọn ra 60 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 3 Đệ nhất giáp, 30 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 27 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 8 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), do Phụng trực Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sỹ Thư chính Thượng khanh Thân Nhân Trung soạn lời. Mậu lâm Tá lang Trung thư Giám điển thư Nguyễn Cận viết chữ và Cẩn sự lang Kim quang môn đãi chiếu Nguyễn Nhân Huệ khắc chữ. Bia được dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
8- Đỗ Bảo Chân (1456 – mất 6/3 năm...?) có thể là Trực vì chữ Chân (眞) và chữ Trực (値) tự dạng khá gần nhau, người làng Minh Kha, tổng Văn Cú, huyện An Dương, nay là thị trấn An Dương. Năm 38 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời vua Lê Thánh Tông. Khoa thi này triều đình Lê sơ chọn ra 58 vị đỗ Đại khoa, Trạng nguyên là Vũ Dương (người thôn Man Nhuế, huyện Thanh Lâm, xứ Hải Dương). Đỗ Bảo Chân khi mất được phong Phúc thần và thờ cùng hai vị Thành hoàng nữa là Nam Hải và Hoàng Đăng Bảo ở đình Minh Kha. Tương truyền, trước đây ông có khu đất bên sông Rế, trước năm 1945 khu đất này được làm huyện lỵ, trạm và chợ huyện An Dương. Trước năm 1938 xã Minh Kha còn giữ được Thần sắc năm Khải Định thứ 9 (1924) cho thần “Đỗ Bảo Chân”.
Các tài liệu của trung ương và của tỉnh Hải Dương ghi Đỗ Bảo Chân quê huyện An Dương. Trong đó, trang 18 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” và sách “Những ông Nghè đất Cảng” do NXB Hải Phòng ấn hành 1994 ghi “ông quê xã An Dương, huyện An Dương, nay thuộc phường An Dương và một phần phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân”. Chúng tôi đã đến tận nơi, điều tra điền dã khá kỹ, nhưng phường An Dương, quận Lê Chân và làng An Dương, xã An Đồng không thấy Văn chỉ nào và chẳng có một nhà khoa bảng nào ở khu vực này.
9- Vũ Nhất Chi (? - ?), người làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, nay thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505) đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu thảo.
Khoa thi này được triều đình nhà Lê sơ (vua Lê Uy Mục) chọn lấy 55 vị đỗ Đại khoa, trong đó 3 Đệ nhất giáp, Trạng nguyên Lê Nại, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Bảng nhãn Bùi Nguyên, Thám hoa Trần Phỉ và 16 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) cùng với 36 Đệ tam giáp (Tiến sỹ).
10- Nguyễn Cảnh Quynh (? - ?), nhiều sách viết Nguyễn Cảnh Quýnh (阮景絅) là chưa có sức thuyết phục, người làng Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Đại Bản, huyện An Dương, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Kiểm thảo.
Khoa thi này có 5.700 Nho sinh tham gia, triều đình nhà Lê sơ đã chọn ra 43 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 3 Đệ nhất giáp, 20 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 20 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông là Nguyễn Cảnh Quynh (阮景駉) được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 12 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Trinh ý công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu Thiếu bảo Thượng thư bộ Lại, Đông các Đại học sỹ, Nhập thị Kinh diên Chính trị Thượng khanh Vũ Duệ soạn lời. Trung trinh Đại phu Trung thư Giám điển thư Khuông mỹ Thiếu doãn Chu Đình Bảo viết chữ và Thông chương Đại phu Kim quang môn Đãi chiếu Tư chính khanh Phạm Đức Nhi khắc chữ. Bia được dựng ngày 17 tháng 4 năm Quang Thiệu thứ 6 (1521).
11- Vũ Nghi (? - ?), người làng Ngọ Dương, huyện Kim Thành, nay thuộc xã An Hòa, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520) đời vua Lê Chiêu Tông. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung khoa Lại.
12- Nguyễn Đôn (? - ?), người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Thị lang, tước Tùng Lĩnh hầu. Làng Khinh Giao, tổng Vụ Nông có 4 Tiến sỹ Nho học là Nguyễn Hiếu Trung (đỗ năm 1478), Lê Công Truyền (đỗ năm 1481), Nguyễn Đôn (đỗ năm 1541), Phạm Đình Trọng (đỗ năm 1739).
13- Vũ Khắc Kế (1524 - ?), người làng Tràng Duệ, huyện An Dương, nay thuộc xã Lê Lợi, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 6 (1553) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan đến chức Thượng thư, về trí sỹ.
14- Đặng Đức Thi (1564 - ?), người làng Dư Hàng, huyện An Dương, nay thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị thứ 2 (1589) đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan tới chức Hàn lâm.
15- Vũ Kiều (1695 - ?), người làng Ngọ Dương, huyện Kim Thành, nay thuộc xã An Hòa, huyện An Dương đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) đời vua Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Thừa chính sứ. Sau mất được thăng chức Hữu Thị lang bộ Hình.
Khoa thi này có 3.000 Nho sinh dự thi, triều đình nhà Lê trung hưng đã chọn ra 25 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 1 Đệ nhất giáp, 3 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 21 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 62 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Hoằng tín Đại phu Hàn lâm viện Thị độc Tri thị nội thư Tả hộ phiên Đoàn Bá Dung soạn lời. Hiển cung Đại phu Đông các Đại học sỹ Hồng Hạo viết thêm (nhuận). Bia được dựng ngày 22 tháng 10 năm Bảo Thái thứ 5 (1724).
16- Phạm Đình Trọng (1714 - 1754), người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương. Ông là con trai thứ hai của đại quan Phạm Huy Ánh. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông. Từng giữ chức Phó đô Ngự sử, Bồi tụng, tước Dao Lĩnh hầu. Hiệp trấn 3 đạo Đông, Nam, Bắc, làm Thống lĩnh quân của triều đình đi dẹp Nguyễn Hữu Cầu (Quận He), trận nào cũng thắng. Cuối cùng Nguyễn Hữu Cầu bị bắt và bị đóng cũi đem về Thăng Long hành hình. Đại Tướng quân Phạm Đình Trọng được thăng Thượng thư bộ Binh, hàm Thái tuế, Thái phó, tước Hải Quận công (1750). Mất tại quân doanh, được phong tên thần là Đại vương (Phúc thần).
Khoa thi này có 3.000 Nho sinh dự thi, triều đình nhà Lê trung hưng đã chọn ra 8 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 1 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 7 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 68 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Trung hiến Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Bạch Phấn Ưng soạn lời. Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu suy Trung dực vận công thần Tham tụng Thượng thư bộ Lễ, kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái viết thêm (nhuận). Bia được dựng ngày 4 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744). Làng Khinh Giao, tổng Vụ Nông có 4 Tiến sỹ Nho học là Nguyễn Hiếu Trung (đỗ năm 1478), Lê Công Truyền (đỗ năm 1481), Nguyễn Đôn (đỗ năm 1541), Phạm Đình Trọng (đỗ năm 1739).
Ông được vinh danh là Thành hoàng làng Khinh Giao, tổng Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương. Và xã Lâm Động, tổng Hoàng Pha, huyện Thủy Đường, nay thuộc xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên. Và thôn Ngọc Mai, xã Hạ Khuông, tổng Phúc Cầu, huyện Đường An, nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Theo bản khai Thần tích - Thần sắc năm 1938 của giáp (thôn) Ngọc Mai, xã Hòa Khuâng, thì ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đăng trật ứng gia phong đức Phạm Đình Trọng. Ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái thứ nhất (1889) gia phong. Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) đăng trật hợp phong Đức Đoàn Thượng và Đức Phạm Đình Trọng. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), tứ tuần đại khánh tiết, gia phong Đức Phạm Đình Trọng 1 đạo. Và còn nhiều nơi khác nữa vinh danh ông là Thành hoàng. Đền thờ Phạm Thượng thư (tức Phạm Đình Trọng) ở làng Khinh Dao được xếp hạng vào thời Đồng Khánh (nguồn theo trang 159 Đồng Khánh dư địa chí).
Trong đó, trang 285 “Lịch sử Hải Phòng” tập II Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật năm 2021 ghi: “Ngày nay, có nhiều nơi thờ Nguyễn Hữu Cầu như tại thôn Cựu Điện, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có đền thờ Nguyễn Hữu Cầu rất lớn…”. Đây là nhân vật đối nghịch với triều đình nhà Lê – Trịnh và Đại vương Phạm Đình Trọng.
Chúng tôi đã nhiều lần tới làng Cựu Điện, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, gặp gỡ lãnh đạo thôn và các thành viên Ban khánh tiết Khu di tích đền thờ thần An Trấn Đại Vương, được biết tại địa phương này cũng như toàn bộ khu vực huyện Vĩnh Bảo không thấy đền thờ Nguyễn Hữu Cầu nào. Không biết những người viết sử cho Hải Phòng lấy từ nguồn nào?
Trải qua gần một ngàn năm các cuộc thi Đại khoa, thành phố Hải Phòng chỉ có 5 nhà khoa bảng có công lớn với quốc gia, được phong tước công, đó là các vị: Nguyễn Bỉnh Khiêm, người huyện Vĩnh Bảo với tước Trình Quốc công; Phạm Gia Mô, người huyện Kiến Thụy với tước Hải Quốc công; Lê Đình Tú, người huyện Thủy Nguyên với tước Đường Quận công; Phạm Bá, người huyện Tiên Lãng với tước Xuyên Quận công và Phạm Đình Trọng với tước Hải Quận công và sau khi mất, ông được truy tặng tên thần là Đại vương (tức được phong Phúc thần).
17- Bùi Xuân Hổ (? - ?), người ấp Đào Yêu, huyện Phí Gia thuộc Trà Hương, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, nay là xã Hồng Thái, huyện An Dương, đỗ khoa thi Thái học sinh (Tiến sỹ) thời nhà Trần. Làm quan trong triều, rồi cho chị gái là Bùi Thị Thục về xây dựng đền chùa ở làng. Sau này được nhà vua phong Phúc thần. Đến năm 1938 địa phương còn giữ được một đạo Sắc phong Tôn thần thuộc niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917). Nguồn theo thần tích của đình và miếu xã Đào Yêu, tổng Kiều Đông, huyện An Dương.
18- Bùi Xuân Hùng (? - ?), anh em với Bùi Xuân Hổ, người làng Đào Yêu, huyện Phí Gia thuộc Trà Hương, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, nay là xã Hồng Thái, huyện An Dương, đỗ khoa thi Thái học sinh (Tiến sỹ) thời nhà Trần. Làm quan trong triều, rồi cho chị gái là Bùi Thị Thục về xây dựng đền chùa ở làng. Sau này được nhà vua phong Phúc thần. Đến năm 1938 địa phương còn giữ được một đạo Sắc phong thần thuộc niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917). Nguồn theo thần tích của đình và miếu xã Đào Yêu, tổng Kiều Đông, huyện An Dương.
Trong đó trang 166 sách “Lịch sử Hải Phòng” Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật năm 2021 lại ghi quê của “anh em Thái học sinh Bùi Xuân Hổ, Bùi Xuân Hoài ở Đông Khê – An Dương (Ngô Quyền)”. Hai Tiến sỹ Nho học Bùi Xuân Hùng và Bùi Xuân Hổ chưa nằm trong danh sách 2894 nhà khoa bảng ở sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam, 1075 – 1919” do PGS. TS. Ngô Đức Thọ làm chủ biên, xuất bản năm 2006.
Nếu xét ở góc độ cấp bậc học vị, chức vụ, tước ban hay sự cống hiến của các nhà khoa bảng quê ở huyện An Dương đều xứng đáng được vinh danh tại các công trình văn hóa của huyện An Dương, của thành phố Hải Phòng và của quốc gia theo thứ tự là: Thái phó, Đại vương Phạm Đình Trọng; Tùng Lĩnh hầu, Thị lang Nguyễn Đôn; Thượng thư Vũ Khắc Kế; Hữu Thị lang Vũ Kiều; Phúc thần - Tiến sỹ Đỗ Bảo Chân.v.v.
Còn một trường hợp nhà khoa bảng khác, mà trang 477 “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi chưa có sức thuyết phục là: “Làng cũ Vĩnh Mỗ, nay chưa rõ ở xã nào ở huyện An Hải, có thể nằm trong xã Lê Thiện. Được xem là quê của nhà khoa bảng Phùng Bá Kỳ (1694 - ?), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1715, làm quan tới chức Đãi chế Viện Hàn lâm”.
Bắt buộc chúng tôi phải kiểm tra lại theo các sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” và bản đồ thời nhà Nguyễn huyện An Dương, phủ Kinh Môn và huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, cũng như sách “Đồng Khánh địa dư chí”, thì thấy có duy nhất xã Vĩnh Mỗ thuộc tổng Đông Lỗ, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hay lúc tiếp cận với Bia đá Tiến sỹ số 60 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), dựng ngày 2 tháng 3 năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) có ghi: “Phùng Bá Kỳ, xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc”. Không biết vì lý do gì, những người làm sách đã nhầm Yên (An) Lạc (安樂) của Sơn Tây thành An Dương (安陽), sau này là An Hải của Hải Dương (từ 1887 là Hải Phòng). Đến đây ta có thể khảng định nhà khoa bảng Phùng Bá Kỳ không phải là người huyện An Hải, Hải Phòng.
.NGỌC TÔ
Các tin khác
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
-
PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
-
QUÁ TRÌNH THI CÔNG SÔNG CHANH DƯƠNG - VĨNH BẢO
-
VĨNH BẢO ĐÒ ƠI!
-
CÁI TÊN A SÀO – THÁI BÌNH CÓ TỪ BAO GIỜ
-
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG VỚI CÁCH ĐẶT TÊN THẬT KỲ LẠ
-
NHỮNG SỸ TỬ CAO TUỔI NHẤT TRONG LỊCH SỬ KHOA BẢNG THỜI PHONG KIẾN VIỆT NAM
-
THƯỢNG THƯ – HẢI QUẬN CÔNG – TS. PHẠM ĐÌNH TRỌNG
-
NGUỒN GỐC SÔNG ĐA ĐỘ Ở HẢI PHÒNG
-
CÁT BI - HẢI PHÒNG CÓ TỪ BAO GIỜ?