/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

CÁI TÊN A SÀO – THÁI BÌNH CÓ TỪ BAO GIỜ

Tôi đã từng tới thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình khá nhiều lần.

CÁI TÊN A SÀO – THÁI BÌNH CÓ TỪ BAO GIỜ

.

       Tôi đã từng tới thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình khá nhiều lần. Đặc biệt vào xuân năm 2011, tôi cùng cố nhà văn Cao Năm và nhà thơ Hoài Khánh tới dự Lễ khánh thành Khu di tích A Sào, có cả Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng về cắt băng. Thế rồi, nay viết về đò dọc đò  ngang của toàn bộ huyện Vĩnh Bảo, một lần nữa tôi được tiếp cận với khu di tích này. Có một điều thật khó hiểu là sau hơn chục năm khu di tích A Sào được công nhận là Di tích cấp quốc gia, nhưng chưa có một tài liệu nào ghi thôn A Sào thời nay có từ bao giờ và thời Nguyễn nó thuộc xã tổng nào, thời Trần nó thuộc trấn lộ nào? Đây là câu hỏi không dễ gì trả lời trong ngày một ngày hai.     

       Từ đò Nội - Tạ Xá quê tôi ngược lên phía thượng lưu sông Hóa một đoạn là đò Giông. Thuở ấu thơ tôi thường bám váy bà nội qua đò Giông này sang bến An Hiệp (nay là A Sào) bên kia sông và cuốc bộ tới làng Nghi Phú (tổng Đồng Chân xưa), nay thuộc xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ Thái Bình để mua đường phèn làm thủ công bằng mía về dùng. Thời ấy, mỗi lần một người chỉ dám mua chừng ba ki-lô-gam thôi, chứ mang nhiều bị thuế vụ hỏi thăm thì có mà toi đời. Ngoắt một cái đã chừng sáu chục năm trôi qua, nay mới có dịp quay lại bến đò này để tìm lại ký ức tuổi thơ. Gặp “người lái đò” thời nay là Đào Văn Ninh với dáng quắc thước, da ngăm ngăm, tóc đã bạc, song giọng nói còn sang sảng. Ngồi một lúc, tôi mới nhận ra Ninh là bạn học thời phổ thông và đồng thời là em họ xa tôi quê ở Giông.

       Cả đời Ninh gắn bó với con đò trên dòng Hóa giang này. Bên thôn Giông được giao ba ngày, sau đó lại bàn giao cho bên thôn A Sào làm ba ngày tiếp, tạo thành một chu trình khép kín, chẳng khác nào kiểu nuôi trâu thời hợp tác xã. Vừa nhâm nhi tách trà Ninh vừa kể đủ thứ trên đời tại bến sông đã gắn bó tren năm mươi năm với mình. Ta có thể hiểu thời phong kiến xa xưa bến đây là Oai Nỗ độ (威弩渡), tức đò Oai Nỗ. Vì tên Nôm của xã Oai Nỗ là Nả, nên thường gọi là đò Nả, thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, từ cuối thế kỷ XIX thuộc tổng Oai Nỗ, huyện Vĩnh Bảo, nay thuộc thực địa xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Có lẽ làng Oai Nỗ này vào loại tốp đầu của Hải Phòng có năm giáp mang tên Nôm là Nả (thôn Oai Nỗ), Giông (thôn Đa Phong), Gạo (thôn An Bảo), Bi (thôn Lê Lợi) và Mòi (thôn Đại Nỗ) được trải dài trên một diện tích khá rộng. Từ sau thời Đồng Khánh (1886 – 1888), thì các giáp trên lần lượt tách ra trở thành đơn vị hành chính cấp xã (làng). Ví như những thửa ruộng trũng của làng Mòi ở tận mãi khu vực Phú Voi giáp với đò Giông nơi đây, hay ở tận khu đồng Mây sát với thôn Áng Ngoại, xã Trung Lập, hay ở tận khu vực đống Hóp (Trúc Hiệp)… khá xa xôi, mà thời ấy làm gì có xe cộ, phương tiện như bây giờ. Vì vậy ta có thể hiểu thôn dân làng Mòi vất vả như thế nào để kiếm được hạt thóc củ khoai. Tại địa phương này tới nay vẫn còn câu ca về sự gian truân của thôn dân giáp Mòi:

Lên Giông xuống Nả, chớ ngả về Mòi

Lượm ba bó bẩy gánh nòi xương hom?

        Bên triền tả sông Hóa là đò Giông, còn bên hữu ngạn sông là An Hiệp độ (安叶), tức đò An Hiệp thuộc trại An Hiệp, tổng Đào Xá, huyện Phụ Dực, phân phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định, nay thuộc thực địa thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vào thời cách mạng (sau 1949) thì địa phương nơi đây đặt tên thôn này là A Sào theo tích truyện Tam Quốc. Lúc đầu Ô Sào là nơi chứa lương thực của quân đội Viên Thiệu và bị Tào Tháo đốt phá hoàn toàn, nay thuộc Đông Nam miền Duyên Tân, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Sau đó vào những năm 238 – 251, nhà Hán có niên hiệu Xích Ô, nên Ô Sào được đổi thành A Sào.

.

Bản đồ huyện Phụ Dực thời Đồng Khánh (1886)

Bản đồ tỉnh Thái Bình năm 1947 - 1949

.

.

Khu di tích A Sào thời nay

       Còn địa danh nơi đây là khu hậu cứ của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần vào thế kỷ XIII rất nổi tiếng. Như vậy phần lớn thực địa thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thuộc làng xã nào thời phong kiến, buộc chúng tôi phải tìm ra lời giải đáp. Qua sách “Đồng Khánh địa dư chí”, thì toàn bộ huyện Phụ Dực, phân phủ Thái Bình chỉ có một miếu thờ Trần Hưng Đạo duy nhất tại xã An Bài, tổng Địa Linh, huyện Phụ Dực, nay thuộc khu vực đường Mười từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng sang. Còn những di tích liên quan tới cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược đều không thấy ghi ở quốc sử thời Nguyễn và bản đồ huyện Phụ Dực thời Đồng Khánh (1886 – 1888).

       Hiện trong tay tôi có mấy tập sách sử viết về thời Trần tại A Sào và Lịch sử Đảng bộ xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, nhưng cũng chỉ thấy ghi: Tên cổ của A Sào (阿巢) là A Cảo (阿稾). Theo chúng tôi, từ A Sào có nghĩa là nơi tập kết lương thảo, còn A cảo là nơi tập kết thảo mộc cho voi ngựa ăn. Hai cái tên này về nghĩa cũng na ná nhau.

        Bới tìm mãi, cuối cùng tôi cũng có được bản đồ huyện Phụ Dực (phân phủ Thái Bình) thời Đồng Khánh (1886) và phải tốn khá nhiều công sức mới đọc được hết 36 xã của 6 tổng huyện này. Chạy đua với thời gian tôi cố tìm thêm các bản đồ thời Pháp thuộc. Thời nay thế giới tương đối mở, nên chúng tôi cũng tìm được bản đồ tỉnh Thái Bình in năm 1909 và bản đồ phân định các thôn, xã, tổng, huyện của tỉnh Thái Bình năm 1947 – 1949 do người Pháp in. Nếu như không có hai bản đồ do Pháp in, thì thật khó biết được A Sào ngày nay nằm ở vị trí làng xã nào thời phong kiến. Qua các tài liệu về địa chí cổ, cũng như ba bản đồ trên, ta thấy cái tên A Cảo hay A Sào chưa xuất hiện từ 1949 trở về trước. Liền đó, tôi có hỏi một số bậc cao tuổi tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ đều trả lời là sau năm 1954 mới có tên A Sào. Qua đối chiếu và so sánh cũng như tới thực địa xã An Thái, chúng tôi thấy thôn A Sào ngày nay là phần đất của hai tổng thời nhà Nguyễn là Đào Xá và Lương Xá, huyện Phụ Dực, phân phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định. Cụ thể khu vực phía Bắc A Sào giáp với sông Hóa (trước năm 1891 là Tranh) là khu vực bến Tượng, trước năm 1949 thuộc trại An Hiệp, tổng Đào Xá, huyện Phụ Dực. Tục truyền, đây là nơi voi chiến của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bị sa lầy không lên được và lúc chia tay người bạn thủy chung, Tướng quân đã chỉ gươm xuống sông Tranh thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề sẽ không trở lại bến sông này nữa?”:

Chia tay người bạn thủy chung

Giọt lòng đắng đót rưng rưng nghĩa tình

Người đi ai thắt tim mình

Kẻ đau chìm dưới sình lầy Tranh Giang

Buồn thương nước mắt loang loang

Câu thơ nhỏ máu bên hoàng hôn buông?    

       Phần phía Tây Bắc của thôn A Sào, xã An Thái là thực địa của xã Hưng Nhượng, tổng Đào Xá, còn phần còn phía Đông Nam thôn này thuộc thực địa của xã Lương Xá và Mỹ Xá, tổng Lương Xá, huyện Phụ Dực, phân phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định, từ năm 1890 thuộc tỉnh Thái Bình. Còn vào thời nhà Trần (1225 – 1400), thì mảnh đất nơi đây thuộc huyện Đa Dực, lộ Hồng, sau là lộ Tân Hưng, quốc gia Đại Việt.

 

NGỌC TÔ