/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

"ĐỨC THÁNH THUỐC NAM, HỘI AM VĨNH LẠI"

Rồi màn đêm nhạt nhòa bao trùm, trong tôi phảng phất một nỗi buồn về Lãnh đạo địa phương chẳng biết tôn vinh danh nhân quê mình,...

 

“ĐỨC THÁNH THUỐC NAM, HỘI AM VĨNH LẠI”

.
       Tháng trước phải vào Đà Nẵng có việc, tôi và người bạn đang du ngoạn trên phố ở quận Cẩm Lệ, bất chợt thấy đường Đào Công Chính (miền Bắc gọi là phố). Tôi liền bảo Trường cho xe chạy chầm chậm lại để quan sát được kỹ hơn, qua hai lần cua thì hết con phố này (phố hình chữ U), rồi chúng tôi tìm chỗ uống nước. Tôi hỏi Trường:

-         Chú biết Đào Công Chính là ai không?

-         Em biết láng máng nhân vật này: Là dân Bắc Kỳ và khá nổi tiếng về ngành Y thì phải? Trường trả lời!

- Chú nói tương đối chính xác! Rồi tôi liền giảng giải cho Trường cặn kẽ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y Đào Công Chính. Vừa nhâm nhi ly nước cam tôi vừa chậm rãi thả từng lời:

       “Cụ Đào Công Chính, người lãng Cõi (Hội Am) - Vĩnh Bảo quê anh, một vùng đất thuần nông 100%. Lúc nào ra Bắc, anh sẽ dẫn chú tới Từ đường tộc Đào ở quê Cụ. Đại danh y Đào Công Chính sinh năm 1623, nhưng có tài liệu ghi sinh năm 1639. Thuở thiếu thời nổi tiếng thông minh, ham học và có thể xem là một “Thần đồng”. Năm 13 tuổi đã đi thi Hương và đậu Hương Cống (Cử nhân). Năm 23 tuổi đời Lê Thần Tông, đậu Bảng nhãn (Tiến sỹ), vì vậy dân làng còn gọi Cụ là Bảng Cõi. Được vua yêu, chúa quý nên thăng tiến khá nhanh. Trong vòng 15 năm (1661-1676) từ Thị thư Hàn Lâm viện đã được bổ nhiệm chức Phủ doãn Phụng Thiên (người đứng đầu kinh thành Thăng Long).

       Năm 1673, Đào Công Chính được Triều đình cử làm Phó Sứ đoàn Hộ sỹ dương sang Trung Quốc. Năm 1675 về nước, do hoàn thành tốt nhiệm vụ Cụ được phong chức Lại bộ Hữu Thị lang, Nhập Thị kinh diên Giảng quan (người giảng sách cho vua) rồi Tăng tả Thị lang, Quang tiến Thận lộc Đại phu Bồi tụng (tương đương chức Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay).

Đặc biệt năm 1676, Đào Công Chính biên soạn cuốn sách “Bảo sinh diên thọ toản yếu” theo chỉ dụ của vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Căn. Nội dung sách viết về thuật dưỡng sinh cho vua, quan lại, chứ chưa phải cho thứ dân, nhưng sách viết rất toàn diện cả về lý luận lẫn thực tiễn về việc phòng bệnh, chữa bệnh, rèn luyện, về hướng dẫn cách ăn uống, kiêng kỵ, tắm giặt, nghỉ ngơi và hoạt động tình dục... Sách bám sát thực tế và được thừa nhận vận dụng có kết quả, được các bậc danh y sau này tiếp thu, vận dụng, phát triển nâng cao, vì vậy Cụ còn được tôn vinh là “Đức Thánh thuốc nam, Hội Am Vĩnh Lại”. Ngoài ra Cụ còn được xem là một nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà sử học, đặc biệt là danh y - Nhà dưỡng sinh học nổi tiếng thế kỷ XVII.

       Sang thế kỷ XVIII, vua quan nhà Nguyễn cho rằng: Sử gia thời Lê -Trịnh viết sử quân gia không dựa vào quan điểm chính thống của vua, mà dựa vào quan điểm của chúa (mắc tội không kính trọng, yêu mến vua) nên đã bị vua Minh Mạng hạ chiếu xóa tên, thu hồi, đốt hết sách, cấm không được lưu hành sử sách thời Lê -Trịnh, đây cũng là lý do làm cho danh sỹ Đào Công Chính tổn hại thanh danh, vắng bóng một thời..

  .



       Sau này Đào Công Chính mới được vinh danh lại. Cụ là một trong ba Đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc cho nền đông y học gồm:

-         Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác.

-         Dược học đối với Tuệ Tĩnh.

-         Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính.

       Là danh sỹ thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ XVII. Sự nghiệp của Cụ được nhắc đến trong nhiều tài liệu viết về các danh y trong lịch sử y học cổ truyền Việt Nam. Bên cạnh đó Cụ cũng là một tác gia, một nhà ngoại giao kiệt xuất. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Cụ để lại là sách y học “Bảo Sinh Diên Thọ Toản Yếu” được xem là một trong những tác phẩm có giá trị lớn cho nền y học dân tộc, trong đó sưu tầm, phân tích, tổng hợp nhiều kiến giải của các tác phẩm y học xưa như Tuân sinh, Đạt sinh, Bản Thảo Cương Mục… và kinh nghiệm rèn luyện cơ thể của những người theo đạo Lão như Đào Hoằng Cảnh, Lã Đồng Tân, Trần Đoàn… Nội dung sách “Bảo Sinh Diên Thọ Toản Yếu” hướng dẫn việc giữ gìn sức khỏe để tăng tuổi thọ thông qua các phương pháp dưỡng sinh và khí công (tập luyện cơ thể) như: Giữ vệ sinh, điều dưỡng, rèn luyện tâm thần, trị bệnh bằng thư giãn, hô hấp, xoa bóp... Tác phẩm này sau nhiều lần chỉnh sửa đã được triều đình cho khắc in vào năm 1676 và phổ biến rộng rãi. Sau này, sách đã được Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng dịch ra Quốc ngữ và được Nhà Xuất bản Thông Tấn Xã Việt Nam phát hành.

       Đồng thời Đào Công Chính còn là tác giả tham gia biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, biên tập phần kỷ tục biên hoàn thành (năm 1665). Cụ còn là chủ biên, biên tập 2 quốc sử nổi tiếng là: Trùng san lam sơn thực lục, Trung hưng thực lục (1675 - 1676) và tham gia nhóm biên soạn quốc sử do Phạm Công Trứ đứng đầu.

Gần đây Đài Truyền hình VTV1, VTV4 đã làm phim "Ông Bảng Cõi" trong chương trình Danh nhân Đất Việt năm 2011 để nói về thân thế, sự nghiệp của Cụ. Rồi Trung ương Hội Đông y, Hội Khoa học Lịch sử, Thông tấn xã Việt Nam xuất bản cuốn “Tổng tập Đào Công Chính” năm 2007 và Trung tướng Vũ Ba cùng Thành hội Đông y Hải Phòng tổng hợp biên soạn cuốn “Sổ tay dưỡng sinh ca Đào Công Chính” để đưa vào thực tiễn luyện tập...”

Trường cứ há hốc mồm ra nghe và nói:

     - Em cứ tưởng Đào Công Chính là nhà Y học xuất sắc thôi, chứ Cụ lại còn là nhà thơ, nhà sử học, nhà ngoại giao và giữ những chức vụ quan trọng trong Triều đình như vậy, nên thành phố Đà Nẵng đặt tên đường cho Cụ là quá đúng!

- Còn ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng quê anh cũng chẳng có một con đường làng hay một trạm Y tế, chứ đừng nói là đường phố hay trường học, bệnh viện... mang tên Cụ, thế mới lạ. “Bụt chùa nhà không thiêng” Trường à? Ở địa phương mình còn một số nhân vật nổi tiếng nữa cần được vinh danh, nhưng chẳng có ai quan tâm đâu, chỉ hay tranh giành nhau “ghế” là giỏi thôi? Tôi trả lời!

       Chiều dần buông, nắng đã lịm tắt, những đám mây ám đục bay tà tà trên khắp không trung. Rồi màn đêm nhạt nhòa bao trùm, trong tôi phảng phất một nỗi buồn về lãnh đạo địa phương chẳng biết tôn vinh danh nhân quê mình, lại cứ đòi Trung ương và địa phương khác vinh danh. Kể cũng ngược đời?

Cuối xuân Đinh Dậu

NGỌC TÔ