VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Bình văn
HẠT THÓC - MỘT CẢM XÚC TƯƠI NON NGỘ NGHĨNH VÀ TINH TẾ CỦA KIM CHUÔNG
Với chất thơ dung dị đằm sâu mà dễ loang xa, bài “Hạt thóc” đã neo vào thế giới trẻ thơ một cảm xúc khá tươi non, ngộ ngĩnh, trong trẻo và tinh tế với những vần thơ nhuần tươi, rung cảm.HẠT THÓC - MỘT CẢM XÚC TƯƠI NON NGỘ NGHĨNH VÀ TINH TẾ CỦA KIM CHUÔNG
Cái ngày còn mặc áo xanh
Thóc nằm bú sữa trên nhành lúa tươi
Thóc xoa phấn trắng quanh người
Cho thơm cả ngọn gió xuôi mặt cầu
Lớn rồi thóc mặc áo nâu
Dầm mưa, dãi nắng nuôi bầu sữa căng
Chờ ngày, chờ tháng, chờ năm
Nứt tung vỏ trấu, tách mầm cây non
Thóc nằm tựa giấc ngủ ngon
Mà lòng thao thức như con mắt nhìn.
Thơ Kim Chuông
LỜI BÌNH CỦA NGỌC TÔ:
Nhà thơ Kim Chuông, người có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn thiếu niên trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học tại Thái Bình. Ngay cả ở những trại sáng tác văn học thiếu nhi trước đây do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, thì anh thường được bầu làm lớp trưởng. Cách đây mấy hôm, tôi được Kim Chuông tặng tập “Giọt nắng đi tìm”, đây là tập thơ thứ ba viết về đề tài thiếu nhi của anh, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành. Mặc dù đã in mười hai tập thơ cho người lớn, nhưng khi đọc xong “Giọt nắng đi tìm”, tôi có cách nhìn về anh hoàn toàn khác: Kim Chuông khá thành công ở mảng thơ viết cho thiếu nhi. Tập thơ là sự kết tinh, lắng thấm, cô đọng của trái tim đa cảm, đa sầu gần cả cuộc đời gắn kết với một vùng lúa nước ở đồng bằng sông Hồng.
Với năm mươi tư bài thơ sinh động, vui tươi nhí nhảnh, nhưng nổi trội hơn trong tập là bài “Hạt thóc”, đó cũng là bài thơ tiêu biểu của anh được in trong sách Tiếng Việt lớp Một và lớp Ba phổ thông. Đây là bài lục bát giàu thi liệu, thi ảnh được dồn nén cô đặc với một bút pháp khá già dặn. Tác giả đã từng trải nghiệm, “va đập” với cây lúa từ khi mới sinh ra, lúc lớn lên, rồi cả khi về công tác cùng quãng thời gian khá dài tại “vựa lúa” Thái Bình, nên những phát hiện của anh về hạt thóc thật bất ngờ và thú vị.
Mở đầu bài thơ thi sỹ Kim Chuông cho ta thấy một trực giác khá tinh tế với cái nhìn, cái nghĩ về hạt thóc:
Cái ngày còn mặc áo xanh
Thóc nằm bú sữa trên nhành lúa tươi
Đối với thế giới trẻ thơ, điều quan trọng nhất là giáo dục cho các em biết được hạt thóc là nguồn dinh dưỡng chính nuôi chúng trưởng thành, nuôi cả dân tộc này từ thuở khai sinh lập địa và cho tới mãi mãi mai sau. Sự trân trọng, nâng niu, yêu quý hạt thóc, chính là quý trọng những giá trị vật chất và tinh thần mà ông cha chúng ta để lại. Động từ “bú sữa” được tác giả sử dụng khá đắt, nó giống như một đứa trẻ được mẹ cha nuôi dưỡng và có lẽ câu bát “Thóc nằm bú sữa trên nhành lúa tươi” là câu thơ ấn tượng nhất trong bài. Với một lối ví von vô tư, hồn nhiên làm ý tứ hình hài của thơ sắc sảo hơn, óng ả hơn:
Thóc xoa phấn trắng quanh người
Cho thơm cả ngọn gió xuôi mặt cầu...
Những hình ảnh ngộ nghĩnh, hóm hỉnh được Kim Chuông tìm tòi đã đẩy khổ thơ thứ hai văng xa hơn:
Lớn rồi thóc mặc áo nâu
Dầm mưa, dãi nắng nuôi bầu sữa căng
Ở khổ thơ này, tác giả đã dẫn các em nhỏ tới một lộ trình khác, lộ trình thời gian trong trẻo, đằm sâu của một thời kỳ chuyển dần từ ấu thơ sang trưởng thành:
Chờ ngày, chờ tháng, chờ năm
Nứt tung vỏ trấu, tách mầm cây non
Đây là một quá trình phát triển của con người nó được ví như sự phát triển của hạt thóc. Từ lúc cây lúa trổ hoa đến khi đơm bông kết trái, rồi trở thành hạt thóc “đẫy đà mẩy chắc” nuôi sống con người. Cũng chính từ hạt thóc này, nó là mầm ươm cho cây lúa thế hệ sau. Thế mạnh của Kim Chuông là lục bát và anh khai thác sâu ở tầng vỉa, làm lên một giọng điệu riêng cho mình. Câu kết bài thơ khá hồn nhiên, tạo được sự đột khởi bất ngờ:
Thóc nằm tựa giấc ngủ ngon
Mà lòng thao thức như con mắt nhìn
Một câu thơ đẹp ở trực cảm bức tranh thủy mặc đồng quê. Với chất thơ dung dị đằm sâu mà dễ loang xa, bài “Hạt thóc” đã neo vào thế giới trẻ thơ một cảm xúc khá tươi non, ngộ ngĩnh, trong trẻo và tinh tế với những vần thơ nhuần tươi, rung cảm.
Hải Phòng, IV/ 2012
NGỌC TÔ