/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Bình văn

35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ VỚI “SÓNG BẠCH ĐẰNG”

Chúc các tác giả có nhiều câu thơ đẹp, nhiều thi phẩm hay hơn trên chặng đường sáng tác tiếp theo của mình...

35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ VỚI “SÓNG BẠCH ĐẰNG”

 

                                                             
       Khi cầm trên tay bản thảo tập thơ “Sóng Bạch Đằng” của các cán bộ trung cao cấp thành phố đã nghỉ hưu, tôi không khỏi ngạc nhiên về nội lực sáng tác và phong trào phát triển thơ ca của gần 90 hội viên thơ thuộc Câu lạc bộ Bạch Đằng – Hải Phòng. Có thể nói, ngoài nhà thơ Hồ Anh Tuấn và dăm hội viên Hội Nhà văn thành phố thì hầu hết những người còn lại là các tác giả đều xuất phát từ niềm đam mê thơ ca, họ đến với thơ như một sự sẻ chia, giải tỏa, giãi bày trong cuộc sống. Theo báo cáo của Câu lạc bộ, trong 5 năm qua các hội viên đã sáng tác được trên 2000 thi phẩm với nhiều bài có chất lượng khá được đăng đàn trên các báo chí Trung ương và địa phương như: Văn nghệ, Cửa biển, Người Hà Nội, Hải Phòng cuối tuần... Một số tác giả đã đoạt được giải thưởng trong các cuộc thi thơ của ngành, của thành phố và hàng năm ngoài những cá nhân xuất bản riêng ấn phẩm cho bản thân mình thì Bộ môn Thơ vẫn xuất bản tập thơ in chung cho toàn thể hội viên, đó là một điều rất đáng được trân trọng.
.



        Khi đọc “Sóng Bạch Đằng” ta thấy mỗi tác giả có một góc nhìn khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong các đề tài và những dư âm được chắt lọc trong hình ảnh, hình tượng được thể hiện bằng thể thơ truyền thống cũng như hiện đại. Trong “Sóng Bạch Đằng” ta còn thấy một điểm chung là tính nhân văn và trách nhiệm của người cầm bút trước số phận của con người, trước quê hương đất nước. Như vậy, càng minh chứng cho Bộ môn Thơ - Câu lạc bộ Bạch Đằng có một vị trí khá cao trong mặt bằng thơ hiện nay. Phần mở đầu bài “Trăm năm và phút giây” của thi sỹ Hồ Anh Tuấn bằng những câu thơ chân thành với một bút pháp khá điêu luyện khi nói về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Xa nước giữa mùa sen nở

Mang đến xứ người sắc hương

Cánh chim lạc vào trời lạ

Bác đi tìm một... con đường

       Thật ấn tượng khi bác Trần Công Đường tới thăm Vùng Tây Bắc với một cảm xúc lắng đọng, nhuần thấm và vẻ đẹp của thiên nhiên đã nhuốm đẫm tâm hồn tác giả:

Buông lửng áng mây trôi

Mang mang hồn vạn thuở

Lòng tôi hoa ban nở

Vọng tiếng đàn mùa xuân

                          (Chiều Tây Bắc)

       Hay nhà giáo Hà Thúc Quả đã mở toang và viết lên miền ký ức thiêng liêng của mình thời chiến tranh bắn phá miền bắc những cảm xúc tinh tế, sống động:

Dưới ngọn đèn dầu leo lét đêm đêm

Trang giáo án bừng lên mùa khát vọng

                    (Nơi sơ tán lần cuối đón thư Bác)

     Rồi đứng trước nỗi đau không còn đất canh tác của người nông dân, bàng bạc một nỗi buồn, thấp thoáng nét u tịch, tác giả Hoàng Thanh Tâm đã ngân lên với những câu lục bát nhuần nhị sâu lắng một cách chân mộc mà đằm sâu ý tình:

Bàng hoàng đứng trước sân gôn

Cỏ xanh nhưng nhức vẫn còn như mơ

Mồ hôi nước mắt ngàn xưa

Bờ xôi ruộng mật bây giờ... cỏ xanh

                (Người nông dân trước sân gôn)

      Trong bài “Rét đầu mùa” tác giả Phan Quốc Dũng với một mạch ngầm liên tưởng đã bật ra câu thơ đầy ngẫu hứng:

Cây đa già cuối làng giơ cánh tay chắn gió

                                               (Rét cuối mùa)

      Nếu ai đọc câu thơ khá sáng tạo như thế này, cũng không khỏi ngỡ ngàng khi người viết lại là một hội viên Bộ môn Thơ của một câu lạc bộ các cụ đã về hưu.

Hay tác giả Tô Tấn Khải rưng rưng khi cùng sẻ chia bao kỷ niệm tươi mưởi về làng quê Việt Nam trong thẳm sâu ký ức:

Đàn cò trắng muốt ngọn tre

Gió đưa như sóng vỗ về lâng lâng...

Tình tre mang nặng hồn quê

Chỉ còn vương vấn lời thề trong mơ

                                    (Thương lũy tre làng)

     Cũng khai khẩn trên cánh đồng thơ lục bát ấy, tác giả Vũ Yển với một cảm xúc dồn nén đã nâng cánh cho câu thơ của mình được thăng hoa:

Trên cao mấy giọt cu gù

Chu, mơ, lèo, vấp... bỏ bùa cho nhau

                         (Hồn quê)

và còn nhiều câu thơ khá tài hoa khác nữa mà tôi không thống kê hết được ra đây...

      Phải nói rằng, tuyệt đại đa số người cầm bút ở Câu lạc bộ Bạch Đằng đều ý thức được cách “cảm” cách “nghĩ”, họ đào sâu vào tầng vỉa lịch sử của dân tộc, đặc biệt là miền đất Cảng đầy nắng gió. Tác giả Nguyễn Xuân Đóa trong bài “Nghĩa nặng tình sâu” với ý thơ chất chứa nghẹn ngào:

Trời thu vàng

Ôm thấu lệ Chi Viên

Long lanh cỏ cây sương còn ngậm

Như ngọc lệ đời

Mãi mãi chưa khô.

Hoặc:

 Những tiên sinh, tiên tri

Quây quần hội tụ

Bao la vời vợi

Như núi ngồi trên núi

      Hay tác giả Nguyễn Quốc Khánh với một góc nhìn tinh tế, một sự so sánh khá khéo léo về một nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam:

Một nấm đất – mồ ma giặc Pháp

Còn nằm đây như vết sẹo chiến tranh

                                   (Về thăm Điện Biên)

     Rồi tác giả Đào Nguyên Hiếu khi viết về những ngày thành phố làm lễ truy điệu và rước hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tới Diêm Điền, quê hương của nhà cách mạng với câu thơ chắt lọc:

Ngào ngạt hương trầm biển người rạo rực

Dòng Tam Bạc như chung niềm thổn thức

Đưa tiễn anh về với cội nguồn xưa.

                                   (Anh tìm về cội nguồn xưa)

     Còn tác giả Hoàng Hiệp khi ở bên đền Trạng đã rung lên một cảm xúc khá gợi, chất chứa bao lắng đượm suy tư được chắt ra từ chất liệu cuộc sống:

Chân trời đỏ au sắc nhớ

Mẫu đơn núi nhuộm chiều trở gió

Đất rùng mình đau thót triền sông

                   (Bên đền Trạng Trần Tất Văn)

     Còn khá nhiều tầng vỉa về thế thái nhân tình, về quê hương đất nước, về Hải Phòng xưa và nay,... được các tác giả thể hiện trong các cung bậc cảm xúc khác nhau. Sự trăn trở suy tư được trải dài qua từng con chữ mang tới cho người đọc những câu thơ hàm súc và sâu lắng hơn như ở các bài: “Ký ức” của Hoàng Hiệp, “Ký ức thời gian” của Quách Hùng, “Đón xuân” của Trần Phong Kỳ, “Hy vọng cùng xuân” của Nguyễn Thị Ngọc, “Khoảng sáng” của Đoàn Minh Ngọc, “Vời vợi cao nguyên đá” của Hà Thúc Quả, “Viết dưới mái tam quan đền thờ Trạng Trình”, “Mùa xuân qua Bạch Đằng Giang” của Hồ Anh Tuấn, “Suối Yến chùa Hương” của Nguyễn Văn Xiển, “Tỉn Keo” của Vũ Yển, “Trường Sa” của Phạm Công Đoàn...

     Theo tôi được biết, Ban Tuyển chọn – Biên soạn tập sách này đã làm việc hết sức cần mẫn, công tâm với một tiêu chí lấy chất lượng thơ làm gốc. Và, 104 bài có chất lượng khá, được tuyển chọn trong tập thơ này xứng đáng là 104 bông hoa tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Câu lạc bộ Bạch Đằng - Hải Phòng. Xin chúc dòng chảy thi ca của Câu lạc bộ ngày thêm đa dạng và phong phú hơn nữa. Chúc các tác giả có nhiều câu thơ đẹp, nhiều thi phẩm hay hơn trên chặng đường sáng tác tiếp theo của mình, như thi sỹ Chế Lan Viên từng nói: “Thơ hay như người đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng”.

 

Hải Phòng, Xuân Giáp Ngọ

Nhà văn: Tô Ngọc Thạch



 

@@@