/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Bình văn

ĐỒNG HỒ BÁO THỨC

Nhân ngày tết thiếu nhi, tongocthach.vn xin giới thiệu bài Đồng hồ báo thức của Hoài Khánh do Tô Ngọc Thạch bình

 

Hoài Khánh 

 

ĐỒNG HỒ BÁO THỨC

 

 

 Bác kim giờ thận trọng

 

Nhích từng li, từng li

 

 Anh kim phút lầm lì

 

Đi từng bước, từng bước

 

Bé kim giây tinh nghịch

 

Chạy vút lên trước hàng

 

Ba kim cùng tới đích

 

Rung một hồi chuông vang.

     12 – 1988

 

 

LỜI BÌNH CỦA TÔ NGỌC THẠCH


       Đi giữa “rừng thơ” thời kinh tế thị trường chọn được một bài có cấu tứ, hình ảnh đã là khó và đặc biệt tìm được bài thơ hay viết về thiếu nhi lại càng khó hơn. Bài “Đồng hồ báo thức” của Hoài Khánh in trong sách giáo khoa lớp 3 tiếng Việt phổ thông, được ví như cây đàn đáy ba dây. Các dây đàn (hàng, trung, liễu) có nhiệm bổ sung cho nhau và không thể tách rời nhau được. Khi ta chạm tay vào bất kì dây nào cũng tạo nên một âm thanh riêng biệt, vừa trong trẻo, vừa quyến rũ lòng người, đặc biệt với lớp trẻ nhỏ tuổi. Dây thứ nhất được ví như “Bác kim giờ”, lớn tuổi nhất, trầm ngâm, thận trọng và thủng thẳng “Nhích từng li, từng li”. Sang dây thứ hai được ví như “Anh kim phút” trẻ trung hơn, thanh thoát hơn “Đi từng bước từng bước”, còn dây thứ ba được ví như “Bé kim giây” thì tươi trẻ và tinh nghịch “Chạy vút lên trước hàng”. Với một góc nhìn tinh tế, Hoài Khánh đã chọn ba nhân vật khá độc đáo và mối liên kết giữa chúng rất logic, sáng tạo. Âm thanh ở đây được dồn nén, sự dịch chuyển phối hợp nhịp nhàng của ba cá thể này trùng nhau tại một điểm thì ngôn ngữ thơ bùng nổ và hồi chuông báo thức vang lên.

 

     Cũng từ ba kim đồng hồ như vậy, trước đó một nhạc sĩ Việt Nam có cách nhìn hoàn toàn khác. Hình ảnh kim giờ đại diện cho tầng lớp thượng lưu, kim phút đại diện cho tầng lớp trung lưu, còn kim giây mảnh khảnh bé gầy đại diện cho thường dân ở một xã hội thu nhỏ. Ba kim ở đây cũng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Khi kim giây“chạy loăng quăng suốt tháng năm” một vòng thì kim phút mới nhích một vạch và kim giây “chạy như điên” sáu mươi vòng thì kim giờ cũng mới nhích một vạch tương tự. Nhưng“Có mấy ai đi xem đồng hồ lại hỏi giây?”

    Bằng cách quan sát tinh tường, hóm hỉnh mà chân thực, Hoài Khánh thông qua “Đồng hồ báo thức” đã truyền tải tới lớp trẻ về sự kết hợp nhịp nhàng, tình đoàn kết giữa các cá thể với nhau trong một tập thể đã mang lại hiệu quả rõ rệt “Ba kim cùng tới đích. Rung một hồi chuông vang. Nội dung bài khá dí dỏm, câu kết độc đáo bất ngờ, làm sáng lên một không gian thơ. Hình tượng ngộ nghĩnh của “Bé kim giây” được đẩy lên cao, sức văng của thơ đi càng xa hơn. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ giàu thi ảnh, trong sáng và nhuần nhị. Với những nốt nhạc bứt phá trong năm cung đàn đáy này, Hoài Khánh đánh thức được tâm hồn trẻ thơ bằng một âm hưởng sống động, tươi non và hồn nhiên. “Đồng hồ báo thức” đã đánh dấu sự tự khẳng định mình trên chặng đường khởi đầu về làm thơ thiếu nhi mà anh đang theo đuổi. 

Xuân Nhâm Thìn 2012

 

TNT