/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

TRẦN ĐĂNG KHOA VỚI BÀI THƠ HAY GIÀU TÍNH NHÂN VĂN

Thi phẩm có giá trị tồn tại trong ngàn năm văn hiến nước nhà.
TRẦN ĐĂNG KHOA VỚI BÀI THƠ HAY GIÀU TÍNH NHÂN VĂN
 
                                                                                                Phạm Ngọc Thái

                                              
 

 
        Ở NGHĨA TRANG THÀNH PHỐ

Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may.

Ôi thiên nhiên, cảm ơn người nhân hậu
Những so le, người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng...

Những nắm đất lặng thinh như trăm ngàn nắm đất
Ai hay đâu đây là những con người
Với bời bời nỗi niềm tâm sự
Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...

Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu
Tôi thầm gọi. Sao không ai lên tiếng
Chỉ hoang vắng dưới chân và sương khói trên đầu...

Cháu bé nào đây, vài tháng tuổi
Rợn mình nghe tiếng gió khóc u oa
Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này thôi thế đã qua...

Cụ già từ nơi đâu không rõ
Lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi
Rồi vấp ngã trước một tia nắng quái
Con cháu, anh em là sỏi đá quê người...

Và em gái xinh tươi, hiền dịu
Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì?
Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...

Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng
Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại
Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
Mà cả thế giới này cũng không sao bù nổi...

Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa
Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ
Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc
Chỉ tích tắc khôn lường, ta đã hóa người xưa.

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ
Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi
Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ
Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời...

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác
Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...

Mặt trời lặn rồi, mặt trời còn mọc lại
Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi
Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá
Con ngưòi ơi! Hãy thương lấy Con Người... 
 
                        Thơ - TRẦN ĐĂNG KHOA


 .

                          LỜI BÌNH PHẠM NGỌC THÁI   
      Trong mảng thơ-người-lớn của thần đồng Trần Đăng Khoa đã từng nổi tiếng với bài “Thơ tình người lính biển” - Ở đây, tôi nói đến bài thơ rất hay khác của ông “Ở nghĩa trang thành phố”:
                   Người hạnh phúc và người đau khổ
                   Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
                   Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
                   Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may.
      Chỉ cần đọc khổ thơ đầu ta đã thấy, trong bài thơ này nhà thơ đề cập đến luật công bằng của tạo hóa đối với sự sống con người:
                   Ôi thiên nhiên, cảm ơn người nhân hậu
                   Những so le, người kéo lại cho bằng
                   Ít nhất cũng là khi nằm xuống
                   Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng...
      Đi giữa nghĩa trang bên những nấm mồ, Trần Đăng Khoa nghĩ về thân phận con người? Giàu, nghèo, đau khổ, hạnh phúc - Bao ngang trái với kiếp sống mà người ta phải chịu đựng cho đến lúc chết:
                   Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
                   Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu
      Bên những nấm mồ hoang vắng, ông chạnh lòng nghĩ về lớp cần lao !? Nỗi thương cảm bồng lên trong ông. Bài thơ đã di sâu, khoáy vào vấn đề có ý nghĩa xã hội, những nỗi niềm bất hạnh riêng chung: Từ một cháu bé chỉ mới vài tháng tuổi, do một bất trắc đã phải rời xa sự sống – Kia là nấm mồ của một ông già từ xa về thành phố để tìm người thân:
                   Rồi vấp ngã trước một tia nắng quái
                   Con cháu, anh em là sỏi đá quê người...
      Còn đây nữa là nấm mồ của một em gái, chưa kịp mặc tấm áo hoa đón vào tiệc cưới:
                   Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...
     Đó là cái cõi vô thường, họa phúc khôn lường. Qua những nét phác điển hình đối với những kẻ đã phải nằm xuống ở nghĩa trang này. Những thân phận ấy, cuộc đời ấy... dù khác nhau bao nhiêu? Sướng khổ thế nào? Thì khi nằm xuống đây cũng chỉ trong một chiếc áo quan và một nấm mồ:
                   Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
     Tôi muốn bàn đến câu thơ cuối cùng của đoạn thơ này? Chiếc áo quan nhỏ nhoi chỉ bằng vóc họ, lại chứa đựng cả một thế giới về sự sống họ từng qua trong vũ trụ mênh mang và xã hội đầy những biến cố kia! Đó chính là  “cái khoảng trống mỗi con người bỏ lại” lúc đi về cõi hư không - Từ bậc vua quan đến lớp người nghèo? Buồn khổ, sướng vui trong mỗi mảnh đời,  giờ nằm trong những nấm mồ chỉ bằng vóc con người:
                   Mà cả thế giới này cũng không sao bù nổi...
      Tác giả đã triết lý về cái cõi vô thường sinh ra trên thế gian này như thế: Nó nặng lắm và, cũng sâu xa lắm!
                   Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa
                   Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ
                   Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc
                   Chỉ tích tắc khôn lường, ta đã hóa người xưa.
      Sự sống con người thật mỏng manh, bất trắc. Nhà thơ luận đến trời đất trong thế giới tự nhiên, qua đó mà nói về ý nghĩa của cuộc sống - Thiên nhiên muôn đời, kiếp người hạn hẹp:
                     Trước thiên nhiên, con người như khách trọ
                     Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
      Khi mỗi con người đi trên chuyến tàu của tạo hóa – Dù kẻ dừng ở “ga đời” tới cả trăm năm thì cũng vẫn chỉ là kiếp vô thường, rồi ai cũng nằm vào trong nấm mồ mà hóa thành ma - Để nhà thơ đưa ra triết lý trong khổ thơ cuối:
                   Mặt trời lặn rồi, mặt trời còn mọc lại
                   Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi
                   Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá
                   Con ngưòi ơi! Hãy thương lấy Con Người...
        Ý muốn nói rằng: Con người khi sống trong cái hạn hẹp của tạo hóa sinh ra ấy: Hãy yêu thương mà đùm bọc lấy nhau, đừng mang những dã tâm ác độc, tàn hại lẫn nhau...
      Bài thơ dài 12 khổ, 48 câu. Đứng trước những nấm mồ chứa biết bao điều u uẩn cuộc đời - Hồn Trần Đăng Khoa lạc vào trong những thân phận đó? Ông nói về sự lương thiện của con người! tình yêu thương bác ái !... Với cảm xúc chân thành của nhà thơ đã làm rung cảm trái tim ta.
      Đọc bài thơ của ông, tôi bỗng liên tưởng tới những câu thơ đầy ắp tình người của cố thi nhân Chế Lan Viên:
                   Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
                   Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn
      “Ở nghĩa trang thành phố” là một bài thơ hay, mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa nhân quần sâu sắc. Thi phẩm có giá trị tồn tại trong ngàn năm văn hiến nước nhà.
 
                    PNT.