/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

THƠ VŨ THÀNH CHUNG – TAN HÒA VÀ NGÂN VANG

Nhân ngày giỗ nhà thơ Phạm tiến Duật, tôi đăng bài viết của ông cách đây 13 năm về thơ Vũ Thành Chung

Phạm Tiến Duật

THƠ VŨ THÀNH CHUNG – TAN HÒA VÀ NGÂN VANG

 

Trong một bài thơ gần đây, Vũ Thành Chung có thốt lên:

“Đêm cùng đồng đội tuần tra

Bóng tôi bóng núi tan hoà vào nhau”

Đằng sau câu thơ tả thực, người ta nhận ra một tâm tưởng, một lý tưởng, một tình cảm sâu xa từ bản ngã "bóng tôi bóng núi tan hoà": cái riêng hoà vào cái chung, cái hữu hạn hoà vào cái vô cùng, cái nhỏ bé công dân hoà vào cái cộng đồng rộng lớn. Dường như đấy không chỉ là sự suy tưởng của một câu thơ, mà là tinh thần bao trùm của cả tập thơ Miền quê thao thức.

Tiến sĩ Vũ Thành Chung tốt nghiệp bảo vệ luận án ngành Luật ở Mát-xcơ-va, nhưng trước đó anh đã tốt nghiệp một ngành Luật cao hơn ngay trong trường đời: Luật đồng đội, Luật quê hương, Luật sống. Những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và quê hương đã cho Vũ Thành Chung một kho tàng lớn, một tài sản tinh thần vô giá để anh có thể sống, làm việc và làm thơ suốt đời.

Tôi có một người thầy không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ ấy là thầy Huỳnh Lý - Nhà giáo nhân dân có một câu thơ mà đến thơ Đường cũng không hay hơn được. Cụ Huỳnh Lý viết "Cơn buồn quê quán cũng tha hương". Tôi nhớ lại câu thơ ấy khi đọc Vũ Thành Chung. Khi viết về bà, anh nói về quê mình:

"Quê nghèo cây lúa xác xơ

Chiêm khê mùa úng vật vờ cỏ lau

Có quê mà chẳng có nhau

Người đi hành khất nỗi đau một thời''.

Chỉ cần sáu chữ thôi đã có thể dựng lên cả một quá khứ đau thương của đất nước mình, của quê hương mình: "Có quê mà chẳng có nhau". Sáu chữ ấy đã vẽ nên cảnh phiêu bạt của một thời xa xưa. Có lẽ chính từ mảnh đất ấy đã làm nên nghị lực của người chiến sĩ Vũ Thành Chung sau này. Nghị lực ấy không chỉ đúc bằng lý trí, mà trước hết đúc bằng tình cảm rộng lớn với gia đình, với quê hương, đất nước.

Vũ Thành Chung viết về cha “Hương lúa hương ngô toả lên ngôi mộ”. Viết thế cũng là viết về quê hương, bóng cha và bóng quê hoà quyện. Vũ Thành Chung viết về bà mẹ đã tám mươi lăm tuổi mà câu nói với con lại là câu nói với đồng đội mình:

"Mẹ thường lẩm nhẩm gọi tên

Con ơi! Bè bạn vẫn lên thăm nhà".

Từ một thế đứng ấy, Vũ Thành Chung viết về nhiều mảng tượng Bác trên Quảng trường Hồ Chí Minh ở Mát-xcơ-va đến vùng núi cao Cao Lù, Mã Phục; Từ đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn đến một mảnh đất miền Trung... Vũ Thành Chung sử dụng nhiều thể loại thơ khác nhau và với một nghệ thuật ngôn ngữ nhuần nhị.

Nhưng thể thơ đắc dụng nhất của nhà thơ này là thể lục bát:

“Hình như em cũng yêu tôi

Buổi chiều trong Phủ em ngồi đọc thơ

Tây Hồ sóng lặng tình mơ

Mấy cây dương liễu ngẩn ngơ đứng nhìn...”.

Cái không khí vừa pha chút trang nghiêm, vừa pha chút lẳng lơ ấy phải dùng thể chông lênh sáu tám mới đắc dụng.

Chúc mừng tác giả có tập thơ hay. Chờ đợi anh có thêm nhiều sáng tác mới.

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2004

P.T.D