/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

Phạm Văn Đoan trong lặng thầm vang vọng

Tôi đọc Đoan và yêu quý thi sĩ này ở thơ và người - thơ, trong hai chiều nhập hòa và đồng hiện.

Phạm Văn Đoan trong lặng thầm vang vọng

.
       Cuối năm 1971, từ Báo Quân khu Tả ngạn về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, tôi đã sống, làm việc và gắn bó có tới gần bốn mươi năm với một vùng đồng bằng quê lúa. Trong số những người bạn “bút nghiên” thân yêu nhất, cùng Tường Lan, Thiếu Văn Sơn, Trọng Khánh, Hải Đăng... tôi có với “chàng thi sĩ” Phạm Văn Đoan ở cái duyên hội ngộ, ở nhiều cữ tháng năm với nhiều buổi kết giao đầm đìa trong tấm tình anh em, bầu bạn.

Đoan sinh ra và lớn lên ở Hưng Hà, Thái Bình (Đất Duyên Hà cũ). Đất Long Hưng. Đất nhà Trần dựng nghiệp. Đất thế kỷ thứ XVIII từng sinh ra nhà bác học nổi tiếng họ Lê với câu thơ mãi còn truyền tụng: “Thiên hạ vô tri, vấn Bảng Đôn”…

Đầu “thập kỷ bảy mươi” của thế kỷ trước, đi giữa những ngày đất nước đang trong cơn binh đao, khói lửa, Phạm Văn Đoan, người trai tuổi Quý Tỵ, sớm giã từ mái trường khi tuổi vừa mười tám, “…Để chỉ nhớ một câu thơ ấy thôi…/ Vận mệnh nước nhà ngàn cân treo sợi tóc…”. Để, trong tự ý thức lý tưởng tuổi trẻ của mình, một sứ mệnh cao cả, lớn lao. Để: “Chúng em đi xa/ Đi xa mãi bến đò sông cũ … Để, tiếng lòng đầu tiên khi dứt áo lên đường là nỗi niềm người mẹ buổi đưa con qua sông, nhập vào đội ngũ điệp trùng áo lính. “Gió chiến tranh đã thổi về làng/ Bông súng trắng đồng quê lẩy bẩy… Bóng mẹ nhập nhòa chạng vạng hoàng hôn…”

Để rồi, tất cả bóng dáng quê nhà đã khuất dần, đã hiện hình trong trái tim người trai, nơi chỉ còn là ký ức: “Tuổi ở quê nhà trong ta đã xa/ Ta cũng có một thời con trẻ/ Trâu lá đa xanh ngắt tiếng cười/ Em mười một cho ta mười hai tuổi…”

Rồi, cũng bắt đầu từ đấy, đời lính với một thời trận mạc, với không ít tháng năm đầy cam go, ác liệt, để:

… Em hiển hách đi qua trọn tuổi thanh xuân

Đường tới chiến công đẫm máu và nước mắt

Và,

“…Chết cho chiến thắng không phải là điều bàn cãi nữa…”

Thế đấy. Phạm Văn Đoan đã ra đi, lặn lội trong mưa bom, bão đạn. Trong cái đói và những cơn sốt rừng trên chiến trường 559, trên dải Trường Sơn đầy gian khổ, hy sinh. Đoan lái xe. Làm Phóng viên Tờ tin mặt trận. Sau mười sáu năm quân ngũ, Đoan về ngành dầu khí, học đại học báo chí, làm báo, làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Anh trở thành nhà thơ, thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên và duy nhất của ngành dầu khí quốc gia Việt Nam. 

Với Phạm Văn Đoan, với sự nghiệp lao động, sáng tạo nghệ thuật, “Đi và viết” là lộ trình mê say, hăm hở. Là hai chiều giao hòa làm nên điểm sáng, điểm khởi phát cho câu thơ anh viết.


Nhà thơ Phạm Văn Đoan (ảnh petrotimes.vn)

Nợ Trường Sơn” là tập thơ thứ tư. Là khoảng tĩnh, trầm của “cái ngoảnh nhìn” sau mười lăm, hai mươi năm về một thời của một người lính trận.

Phạm Văn Đoan làm báo, viết kịch bản phim. Với thơ, Đoan viết và cho in chưa nhiều. Nhưng, thơ Đoan là một biên độ mở. Thơ về những kỷ niệm tươi xanh của một thuở học trò. Thơ về mẹ, về cha, về những người áo nâu, chân đất. Thơ mô tả cảnh quê, người quê trong nắng mưa, nhọc nhằn, thương cảm. Thơ ở những đêm trên giàn khoan vời vợi biển xa. Thơ với những phút vui buồn, hồi hộp của “Những người thắp sáng biển khơi”. Thơ với tình yêu nồng cháy, dang dở, khát khao của cái thuở yêu đương trước bao nhiêu cung bậc say lòng…

Nợ Trường Sơn” là tập “thơ chọn” được tập hợp về một mảng đề tài. Thơ “đánh giặc”. Thơ về một phạm vi cuộc sống được người viết đánh thức và khai sáng với tất cả những gì thật tâm huyết của “người trong cuộc”.

Chọn “vỉa mở” này, Phạm Văn Đoan thấy được cái “không mở”, cái giới hạn, khoanh vùng ở ngay chính cái “kênh” chọn ấy. Nhà thơ lấy cái mạnh, cái hơn cho thơ mình ở không gian, ở cái rộng của những tầng hiện thực. Đấy là nơi diện kiến, va đập. Nơi “sự sinh sự”. “Sự” dồn lên “cảnh”, cái ngổn ngang, bề bộn làm giàu có con mắt nơi cái gặp, cái nhìn. “Sự” làm nên nét trội trong phác thảo giàu chất ký, bộc lộ khả năng khái quát về khách thể. Từ “Bến xưa, Nợ Trường Sơn, Nghe tin chiến sự, Nghĩa trang chiều cuối năm, Di họa chiến tranh….” đến: “Tôi và anh, Tin quê, Bây giờ vẫn cháy, Giao thừa trên giàn khoan, Làng Nga…”

Có thể thấy, trong mạch đi này, từ sức rung của cảm xúc, Phạm Văn Đoan đã tạo được cái dư vang, cái phồn khí cho thơ trong vận động ngôn ngữ, trong thi liệu, ảnh hình. Cái đa dạng có từ những mảnh nhỏ lóe sáng của hiện thực cuộc chiến nơi cuộc đời anh gặp. Ví như:

Ta còn nợ những đêm pháo sáng

Trắng trời dăng suốt dọc tuyến đường…

Ta còn nợ một chiều chưa kịp hẹn

Em làm cọc tiêu ngập nước giữa đường ngầm…

Hay:

Ta còn nợ một đêm chưa kịp sáng

Trên đỉnh đèo chót vót dãy Trường Sơn

Em là Nữ Oa có lần ta gặp

Đội đá ngang trời đi lấp hố bom.

Kể. Tự sự. Đấy là mạch nổi với “Nợ Trường Sơn”. Còn đây, vẫn là dòng tiếp nối ấy của cái nhớ, cái gọi về nỗi khắc khoải những cánh rừng, khi nghe “Tiếng tắc kè” kêu mỏi mòn năm tháng:

Gặp lại cái nơi mười năm không biết mặt đồng tiền

Không phấn, không son, không lời dịu ngọt

Tư lệnh với anh em chuyền tay nhau điếu thuốc

Sống vô tư và chết rất nhẹ nhàng.          

Hoặc:

Người đang ở đô thành thì nhớ rừng cháy bỏng

Kẻ ở rừng này thì nhớ lại rừng kia

Hoặc:

Giữa đạn bom hiển nhiên tàn khốc

Kẻ ươn hèn không nơi giấu mặt

Hoặc:

Ta thoát hiểm từ đôi vai gầy ấy

Đến nấp an toàn cho em buộc vết thương …

Hoặc, vẫn đi từ cái rộng, “cái ngoài-ta” như thế mà Phạm Văn Đoan tìm lấy cái khác nhau của nỗi niềm thế sự, khi cảnh huống người lính đối mặt với người lính ở chiến trường, ở khác nhau chiến tuyến:

Anh là giặc trong tôi

Tôi là giặc trong anh

Giặc ở trong nhau hai thằng dân cùng một nước!

Thượng đế sinh ra tôi và anh

Không phải để tìm nhau mà diệt …

Hoặc khi gặp người nữ, bạn chiến đấu năm nào giờ khoác áo cà sa, gửi mình nương nhờ nơi cửa Phật. Hoặc, khi gặp một cái chết trong di họa thảm khốc của một cuộc chiến tranh.

Anh chỉ biết cái chết từ vỏ đạn chết ra

Mấy ai biết cái chết đã bắn sang từ loài cây thở

Đêm thu lá vàng lăn tăn miệng hố

Khẳng khiu tay khô gầy guộc gỡ trăng tàn…

Đấy là cái phong phú, sinh động ở “Nợ Trường Sơn” mà Phạm Văn Đoan đã tìm ra những lắt cắt để có được cái đa sắc màu, cái “muôn hình, vạn trạng” trong tạo dựng, phản ánh. Để, từ cái rộng bên ngoài, người viết biết quay về gốc rễ chủ thể, khơi sâu những tia sáng được phát hiện mang chiều sâu nhận biết.

Đây là cái “thấy” trong cái “nghiệm” trước dòng đời biến cải:

Sao chiều nay ta bỗng giật mình

Hàng kẽm gai xưa đã lút màu cỏ lạ!

Với “Hoài niệm” là thế. Còn, trong “Tiếng tắc kè” thì:

Cuộc chiến tranh qua đã ai mà quên được

Chỉ một tiếng kêu thôi mà láy lên lòng ta bao đau xót

Hoặc:

Ta là gió chẳng vô tình

Đưa em qua buổi xuân xanh giữa rừng.

Hoặc với người thợ lặn, thường vùi mình xuống biển, lấy cái đối nghịch này, Phạm Văn Đoan làm bật dậy một tư duy qua so sánh, liên tưởng:

Lẽ thường người đời thích nổi lên leo cao

Riêng anh lại chọn nghề thợ lặn

Hoặc, trên những giàn khoan của những người đang ngày đêm thức cùng biển cả để tìm về những dòng suối dầu, làm đẹp giàu cho quê hương, đất nước. Câu thơ ở đây thật khỏe, bất ngờ, trong cái tả, giàu sức gợi:

Trời vẫn trong xanh và lửa vẫn trắng đêm

Sóng gió thất thường khi hiền lành khi dữ tợn

Mũi khoan vẫn kiên trì xoáy vào lòng đất

Chiều nay

Bỗng nhiên tấm lịch hất ngược

Chạm vào mắt ta ngày ba mươi tháng chạp

Ừ nhỉ, đêm nay giao thừa!…

Có tới hơn ba mươi năm, tôi có với Phạm Văn Đoan thi sĩ, gắn bó, kết giao ở nhiều lần hẹn hò, tìm gặp. Những lần lang thang trên đất Sài Gòn, đất Vũng Tàu trong những chuyến đi viết cho “Tập đoàn Dầu khí…”. Những lần, cùng Đoan dan díu trên đất Hà thành, hay Hải Phòng đất Cảng. Hay, đảo Cát Bà giữa mùa nắng cháy. Rồi, ‘nhiều không nhớ nổi’ là những lần trên Thái Bình, quê mẹ. Tôi với Đoan la cà hết đường này, phố nọ, rất nhiều lần uống với nhau đôi chén rượu suông. Những đêm Đoan nghỉ ở nhà tôi, hai người thức thâu đêm rầm rì chuyện đời, chuyện văn chương chữ nghĩa.

Tôi yêu Đoan ở cái Tâm. Ở sự chân thành, trực tính. Nhìn vóc dáng vẻ mạnh và quyết liệt, ai đó nghĩ rằng, Đoan dễ cứng, khô chăng? Song, không đâu. Trong cái vỏ kia, có một thi sĩ Phạm Văn Đoan dễ run rẩy, ngọt lành. Người con trai miền đồng bằng của quê lúa Thái Bình, của “Đa Cương Hương” đất cổ, có nhiều dòng lục bát khá hay. Đoan đã in cả một tập thơ riêng “Lục bát”. Ở “Nợ Trường Sơn”, ngoài những bài giành viết về “ngày trận mạc” những dòng lục bát của Đoan vẫn là vía hồn của cái gốc trữ tình. Của cách kể, cách nói có duyên. Cách làm mới lên, làm “riêng rẽ nét lục bát” thơ mình bằng cái linh diệu của hình thi, ngôn thi và cái lõi của tâm thi nữa.

Có thể dẫn, cái trong xanh, hồn nhiên, cái dễ lung linh thơ mộng và tình tứ trong một chuyến “Đi đò”.

Con sông xanh đủ hai bờ

Con đò hai mạn tình cờ hai ta

Và, ở đây, cái người đa sầu, đa cảm, đã dễ đa mang ấy… đã riêng mình tự vấn:                                               

Tương tư vẫn chỉ một người

Dửng dưng thế, liệu xa xôi có buồn?

Đấy là khi qua chuyến đò dọc sông Hậu, ở Phụng Hiệp, Cần Thơ. Còn khi bắt gặp “Biển chiều”, thì:

Chưa ban mai đã chiều tàn

Lấp sao đầy một đêm hoang sắp về

Rồi, cái tư tình với người mình “Giấu và tìm” trong niềm riêng mình muốn tỏ bày, trao gửi lời thương thì cũng chỉ riêng mình cất giấu:

Vô tâm đến thế là cùng

Rơm khô ấy với lửa hồng… Rồi sao?

Rõ ràng, bên những mảng thơ với những cách tìm tòi, khám phá khác, thơ lục bát của Phạm Văn Đoan đã găm vào con tim người đọc những câu thơ ám ảnh và đáng nhớ… Khi anh viết về buổi gặp bất chợt “người dưng ấy, tránh mưa”:

Đọng vào hai giọt long lanh

Mưa đi

Để mặc trời xanh thẫn thờ!

Hay, chút nghiệm suy trước vành trăng đêm thức:         

Trăng tròn, trăng khuyết, trăng tàn

Có vòng ngược được thời gian mà về ?

Hay, phút ngắm nghía cõi người trước cái bi, cái hài trong bóng hình quay quắt:

Tự nhiên ta thấy buồn cười

Như xem kịch vụng diễn thời trẻ con

Và, đây là tâm trạng trong tiếng khóc “cái người ta thương cảm”:

Người đi bỏ ngỏ ngọn đèn

Để suông thì lạnh, khêu lên thì sầu …    

Vâng. Và như thế.

Với thơ. Với “Ngày xưa”. Với “Ngưỡng vọng”. Rồi, với “Lục bát thơ”…“Nợ Trường Sơn”, là tập thơ nối dài mạch chuyển tiếp. Là mạch tìm. Là nguồn chảy mà Phạm Văn Đoan đã vươn tới cái đa dạng, hướng thơ mình neo về bến rộng, nhằm tô đậm cái sức vóc, cái nhất quán, trong cái đa thanh nơi lặng thầm, vang vọng của thơ anh.

Tôi đọc Đoan và yêu quý thi sĩ này ở thơ và người - thơ, trong hai chiều nhập hòa và đồng hiện.

       Vĩnh Bảo, quê Trạng Trình, 2017 
              Kim Chuông