/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

Chợ quê trong thơ lục bát Việt Nam đương đại

Và người viết dòng này, nhân Xuân mới Nhâm Thìn – 2012 cũng mong sao chợ quê, nét đẹp văn hóa làng quê...

Chợ quê trong thơ lục bát Việt Nam đương đại

 
     Từ bao đời nay, những buổi trợ họp nơi làng quê với những thứ bán mua đều từ đồng nhà, ao nhà, vườn nhà mà ra; còn kẻ bán người mua cũng quanh đi bà cô, quanh lại bá dì, kẻ trong làng, người ngoài tổng đã là nét đẹp văn hóa bên lũy tre làng. Dẫu là thời “đòn gánh tre chín rạn đôi vai” hay khi người nông dân đi chợ, ra đồng vù vù xe đạp, xe máy thì những cái chợ họp dưới cổng làng, bên gốc đa, cạnh chân đê vẫn là nơi gặp gỡ, trao đổi những sản vật nhà nông, những kinh nghiệm làm ăn, và cả niềm vui, nỗi buồn của bà con lối xóm. Còn người mua thì: “Bạn hàng thân mẹ quen cha/ Áo nâu nón lá gần xa tìm về”. Chợ vì thế trở thành nơi cuốn hút bao người trong làng ngoài tổng, không chỉ các bà các chị cắp mớ tôm, con cá, đấu cám, mẻ ngô, bó rau, rổ khoai ra chợ, mà cả những ông đi giậm, đi lưới vừa từ dưới kênh mương, đầm hồ lên chân còn lấm, áo quần còn ướt cũng cứ thế quẩy lưới, vác giậm đi thẳng vào chợ đổ tôm, cá ra ngồi bán. Chợ là bức tranh thu nhỏ của đời sống nông thôn, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà có lẽ không vùng miền nào ở nước ta không có. Thế nên, từ lâu chợ quê đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Hoàng Trung Thông đều có thơ về cái chợ nơi thôn dã với những góc nhìn khác nhau, người khắc họa ông đồ, người đặc tả phiên chợ tết, song phần nhiều sử dụng thể thơ tự do. Nhưng những năm gần đây, trong dòng chảy đổi mới thơ hướng về cội nguồn, chợ quê lại được nói tới với một hình thức thơ thật gần gũi và dân giã với người đọc không chỉ ở nông thôn, mà cả người đang sống ở thành thị nhưng lại có gốc gác từ thôn quê. Vì thế, phần đông trong số họ đều chọn thể thơ lục bát để bày tỏ cảm xúc, khắc họa buổi chợ, đặc tả con người và sản vật nơi làng quê thông qua phiên chợ, cùng những tâm tư, suy nghĩ của người làm thơ trước một nông thôn đang biến đổi từng ngày theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn qua tấm gương phản chiếu sinh động và trung thực là cái chợ.

 

alt

Chợ quê
.

     Trong số những bài thơ viết về chợ quê mà tôi có trong tay, có tới gần chục bài lấy ngay hai từ chợ quê đặt làm tên bài, nhưng cách nhìn buổi chợ và cung bậc tình cảm của người viết dành cho cái chợ ấy thì lại mỗi người một khác. Đây là “Chợ quê” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, khi ông bước chân vào chợ nhìn thấy bà lão ngồi bán những thứ nhà quê mà như cảm thông đời lam lũ khi mang sản vật của nhà đi bán: “Ruộng vườn mưa nắng héo hon/ Mẹ già áo vá, chắt bòn từng xu”. Còn nhà thơ Vũ Thị Huyền thì lại nhìn người nông dân khi đến chợ với những thứ do chính mình một nắng hai sương làm ra, nhưng lúc ra về thì cái thúng, cái mủng lại nhẹ tênh, chẳng còn thứ gì đáng giá, họa chăng chỉ có ánh trăng trên đầu ngọn tre: “Bán đi những thứ dãi dầu/ Đem về trăng rắc sáng đầu ngọn tre”. Nhưng các sản vật bày bán giữa chợ quê thì lại rất phong phú và đa dạng, hầu như nhà thơ nào đi chợ quê cũng có cái nhìn ấm áp với những nét đặc tả khá sống động và hấp dẫn bởi chợ quê. Đây là những sản vật do chính những người một nắng hai sương trên ruộng đồng, vườn tược thu gom mang ra bày bán trong “Chợ quê” của nhà thơ Hà Cừ: “Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua, con cá dính đầy bùn tươi/ Mớ rau muống, mớ mùng tơi/ Quả bầu, quả bí nói lời gió sương”. Còn đây là cái “Chợ quê” bán thứ nhà quê trong thơ Nguyễn Đức Mậu: “Chợ quê bán những rau dưa/ Trầu không mới hái, chuối vừa chín cây/ Chợ quê bán những khoai tây/ Bán đôi lợn giống, bán bày gà con”. Còn Đào Trọng nhìn nhìn những sản vật bày bán trong chợ lại nghĩ ra đến cả ngoài đồng, hay người nuôi trồng ra các thứ sản vật ấy thì cũng thế: “Chợ quê gom cả hương đồng/ Chè xanh rượu bắp khoai trồng đất pha/ Mớ rau nải chuối quả cà/ Con cua ngoài ruộng, bông hoa trong vườn”. Nhưng thường những cái chợ quê không họp cả ngày, mà chỉ họp một chốc lát, có mớ rau, con cá mang ra bán cho nhanh cho chóng rồi về còn ra làm đồng. Âu cũng là một thói quen của người nhà quê luôn tiếc công tiếc việc, nên khi đến chợ cũng mua vội bán vàng như Nguyễn Siêu Phàm phần nào đã cho người đọc thấy đức tính tốt đẹp ấy của người nông dân: “Bán thì vội bán, mua thì vội mua/ Thói quê tất tả bốn mùa/ Gánh rau bán đứng, trái dưa bán ngồi”. Đấy là những cái chợ ở các vùng quê dưới đồng bằng, còn chợ quê ở miền núi cũng không kém phần phong phú sản vật và sinh động sắc màu. Có thể thấy điều đó qua nét đặc tả đa thanh sắc của nhà thơ Vũ Thành Chung qua bài thơ “Chợ Cô Sầu” ở huyện miền núi Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng:“Bánh đa quạt hồng bếp than/ Rượu quê đầy ắp chum, can xếp hàng/ Ngô vàng kề với khoai lang/ Sáo tre dìu dặt mấy chàng trai tơ”.

 

alt

Một góc chợ Viềng
.

    Nhưng chợ quê không chỉ bán mua các sản vật, dù là sản vật người nông dân trong làng ngoài xã làm ra, hay từ nơi khác mang đến, mà có lẽ chợ quê còn là chợ ẩm thực mang đậm chất văn hóa làng quê. Ta hãy đến với buổi “Chợ quê” của Quang Khải để cảm nhận cái hấp dẫn, đông vui ở những hàng quà, hẳn là bánh đa, bánh đúc: “Chen chân xúm xít dãi dề/ Chỗ này xì xụp, chỗ kia dập dìu”. Vui thế, ngon thế nên đến cả người ở phố cũng mê chợ quê, thèm quà quê: “Rủ nhau vào chợ mà xem/ Tự dưng người phố lại thèm quà quê”. Vũ Thị Huyền thì nói thẳng ra: “Bún lá chan với ốc ao/ Hoa chanh ngõ trước thơm vào vườn sau”. Còn Nguyễn Đức Mậu chỉ lạnh lùng nói đến một thứ, mà có lẽ không mấy ai vào chợ quê lại không thấy phảng phất đâu đây cái mùi này: “Hôm nay trời trở gió nồm/ Chợ quê bánh đúc mắm tôm dậy mùi”. Quả là văn hóa ẩm thực chợ quê cũng thật là phong phú.

     Vì thế chăng, chợ quê không chỉ là nơi mua bán, đổi trao mà còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò của bao trai thanh gái lịch, và cả những người từng một thời lấy phiên chợ quê là nơi san bớt niềm đau, nỗi sầu. Ngay đến chợ Viềng, một cái chợ nổi tiếng ở vùng quê nam Định, mỗi năm chỉ họp một lần vào rằm tháng giêng, nhưng trong bài “Chợ Viềng”, nhà thơ Vũ Duy Thông trong tâm trạng bâng khuâng cũng như sẻ chia với bao người đến vui chợ, chơi chợ, tìm lại kỷ niệm, và cả ước mơ, nếu không muốn nói là hão huyền, nơi chợ quê độc đáo này: “Người ta đếm chục đếm trăm/ Tôi đi gom những dấu chân hững hờ/ Chợ Viềng ai biết đông thưa/ Vui đi nẻo nữa sang trưa còn mình/ Lòng người nhuộm mấy cho xanh/ Bao nhiêu cái được để thành tay không”. Quả là đi chợ cầu may. Thế nên, cũng đến chợ Viềng, nhưng Trịnh Quang Khanh lại thay lời người con gái không úp mở mà nói trắng ra: “Em đi chơi chợ không tiền vẫn đi/ Chợ xuân em chẳng mua gì/ Chỉ mong gặp một người đi chợ Viềng”. Ai bảo chỉ vùng cao mới có chợ tình. Nhầm! Những phiên chợ quê dưới vùng xuôi cũng mang đậm sắc thái chợ tình đấy chứ, dù mức độ đậm đặc khác nhau, thì vần là nơi hẹn hò của bao trai thanh gái lịch. Bạn không tin ư, hãy đọc những câu này trong bài thơ “Chợ Gừng”, một cái chợ khá nổi tiếng ở ngoại thành Hải Phòng, của nhà thơ Tô Ngọc Thạch: “Chợ Gừng trót hẹn cùng nhau/ Đi mua một khoảng trời nâu thuở nào/ Cơn mưa đắng đót chênh chao/ Lục trong cõi nhớ thổi vào hư không”. Thế nen, trong thời kỳ công nghiệp hóa nông thôn, không ít cái chợ quê phải đổi phiên, dời đi nơi khác, thậm chí phải bỏ họp chợ để dành đất cho những cái gọi là “khu công nghiệp” hoặc “thị tứ”, “thị trấn”. Và thế là, người tiếc cái chợ quê nhiều nhất có lẽ cũng lại là các nhà thơ luôn canh cánh bên lòng niềm quý yêu, thương nhớ cái chợ quê, như Tô Ngọc Thạch nuối tiếc: “Nghe tin chợ sắp đổi phiên/ Mình tôi ngụp giữa một miền nắng mưa”.Còn nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan khi trở về quê không thấy còn chợ nữa, thì lại ngẩn ngơ: “Bốn mươi năm ấy xa quê/ Ngẩn ngơ giữa chợ mà tê tái buồn”.

 

alt

Chợ vùng cao
.

    Bởi vì, từ bao đời nay cái chợ đã là bức tranh thu nhỏ xã hội nông thôn VIệt Nam, dù người ở quê hay người đi đâu xa, thậm chí ra tận nước ngoài, thì hình ảnh cái chợ quê vẫn luôn in đậm trong lòng với biết bao kỷ niệm tâm tình, biết bao sản vật, và cả những món ăn, mà chỉ có nơi chợ ấy, ở vùng miền ấy mới có. Nói như nhà thơ Hà Cừ thì chợ quê như đốm “lửa thiêng”: “Chợ quê - một đốm lửa thiêng/ Chảy trong tôi suốt chặng đường ngày xưa”. Vì thế, ta cũng dễ đồng cảm với ước mơ của nhà thơ Vũ Thị Huyền, nếu một khi những buổi chợ quê vẫn xôn xao như ngày xưa thì dù đi Đông đi Tây vẫn nhớ tìm về với chợ: “Chợ còn xôn xao ngày xưa/ Ta còn lặn lội trong mơ tìm về”. Và người viết dòng này, nhân Xuân mới Nhâm Thìn – 2012 cũng mong sao chợ quê, nét đẹp văn hóa làng quê, mãi tồn tại và sầm uất như bao chợ quê từng hiện diện trong thơ lục bát các nhà thơ đương đại mà tôi vừa điểm qua một số sáng tác ngỏ hầu bạn đọc./.

Nhà văn Cao Năm