/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn bạn bè

“QUA CẦU” - MỘT NHỊP CẦU TRỮ TÌNH, MÊ ĐẮM

“Qua cầu” là một trong những thi phẩm hay của ông, dọc chặng đường lao động và sáng tạo nghệ thuật.

                      Kim Chuông

 

                                                      “QUA CẦU” - MỘT NHỊP CẦU

                                                       TRỮ TÌNH, MÊ ĐẮM

  

QUA CẦU

 

Một tôi vỡ vụn cơn say

Một em đi giữa những ngày chênh chao

Hoa xoan rụng tím phương nào        

Ngọn đu còn mảnh yếm đào tháng giêng

 

Hôm qua xem hội làng Chiềng(*)

Voi nan lạc nẻo … đời quên mấy mùa

Đường quê xao xác gió lùa

Người đem xác pháo giao thừa về đâu

 

Bùi ngùi trở lại thôn Châu

Rêu in lối cũ một màu cổ viên

Ngút xanh bờ bãi tang điền   

Mây trời sông Mã còn nghiêng đáy lòng

 

Em sang cầu Bụt lấy chồng

Cơn mưa đổ lạnh cánh đồng … Và Tôi !”...

 

                                                                          NGUYỄN HUY

                           (*) Làng Chiềng, nơi nổi tiếng nghề tre đan truyền  thống

 

         “Qua cầu” – Đấy là tiêu đề bài thơ của Nguyễn Huy ? Hay đấy cũng chính là điểm phát lộ, khai sáng cõi hồn người viết ? 

          Thi sĩ Xuân Diệu từng nói. Thơ là giây phút “cưới nhau” giữa hiện thực rộng lớn bên ngoài với cái “Tôi thi sĩ”. Là giây phút thăng hoa, chớp lóe của khoảnh khắc diện kiến. Là “hình ảnh thứ hai” của “thế giới thứ nhất” đã bay lên qua nhiều tầng, nhiều tuyến kết tinh.

          Bài thơ “Qua cầu” của Nguyễn Huy không chọn góc rộng để tung hoành,  mô tả, khám phá. Ví như, cảnh vật con sông, đôi bờ, tháng năm, non nước...Rồi, bóng dáng con người, với mặt trời, bến bãi, ngày đi ...

         “Qua cầu” ở đây, được người viết chọn lựa một “góc hẹp” để mở. Một “lát cắt” để nhìn. Một mạch ngầm nhỏ để dẫn, nhằm, từ “góc hẹp” với lát cắt nhỏ kia, có thể mở ra cái thấm loang, cái xa rộng, lớn hơn.

          Và, Nguyễn Huy đã tìm cách nhập đề bằng lối thả nhẹ vào tấm phông lớn một giọt nước, lấy sức gợi từ đó dào lên. Để rồi, dường như là ngẫu nhiên, ngơ ngác, phút “Qua cầu” nào đó đang mê cuồng, đang cháy lên trong tâm trạng “Người qua cầu” một trạng thái chung chiêng.

         “Một tôi vỡ vụn cơn say/   Một em đi giữa những ngày chênh chao/   Hoa xoan rụng tím phương nào/   Ngọn đu còn mảnh yếm đào tháng giêng”...

        Thì ra, qua hình ảnh “Ngọn đu còn mảnh yếm đào tháng giêng” ở câu thứ tư của khổ thơ thứ nhất này, “cái tình ” chênh chao, với cơn say vỡ vụn...” mới vỡ ra “cái sự.” Rằng, : “Một Em” với “Một Tôi.” Với một mối tình trong bâng khuâng, tương ngộ. Trong đượm nồng, da diết. Trong mơ tưởng, chia xa ở cây cầu có thật trong địa danh quê hương, làng nước ? Hay đấy chỉ là cây cầu tượng trưng mang hình ảnh với ý nghĩa trong dấu ấn cuộc đời, trong ngày tháng ta đang bước đi và gặp ?

       Phải nói, bằng thể thơ lục bát, bằng hình ảnh thơ thật cô đặc, điển hình mà gợi, bằng cái cốt lõi nhất, gốc rễ nhất là sức tỏa rạng của yếu tố “Tâm thi,” bài thơ “Qua cầu” của Nguyễn Huy đã tạo nên sức quyến rũ và lay động khá sâu nơi tâm tình người đọc. Một giọng thơ lảng bảng nét buồn. Mê đắm trong khát khao mơ tưởng. Diết da trong tầng sâu của hoài ức, kỷ niệm. Thảng thốt, trống chênh, xa xót trong niềm yêu. Trong cái mất, còn nhói lên, còn “ướp tươi”, còn nguyên xanh nơi con mắt ta nhìn !

       Phải chăng, đây là câu “chuyện tình” của “người khách”  đa tình?  Của tâm hồn đa sầu, đa cảm cứ mê hoặc, dẫn dắt người đọc bằng lối cuốn, lối nhập hòa giữa hai chiều là vậy. “Một chủ thể tư duy với một phía tiếp nhận nguồn truyền cảm” cứ giao thoa, cứ dồn tấp, cuốn trôi theo dòng tự sự.  Và, cứ thế, câu chuyện lại mở ra, nối dài và đắp dầy nguồn thi hứng :  “Hôm qua xem hội làng Chiềng/   Voi nan lạc nẻo … đời quên mấy mùa/   Đường quê xao xác gió lùa /   Người đem xác pháo giao thừa về đâu ”...

      Đến đây, điểm sáng của “Qua cầu,” của thơ lại được mở, được thắp sáng thêm lần nữa “thiên tình sử’ thật mong manh, giản dị : Rằng, “Người trai ấy, người con gái ấy. Họ gặp nhau  trong lễ Hội Làng Chiềng. Và, Người xinh đẹp, mến thương ơi. Ai đã “phải lòng” ai. Để rồi, nỗi tương tư đến nỗi “đời quên mấy mùa/ đường quê xao xác gió/ giao thừa, xác pháo về đâu...”

       Vâng. Tình là thế. Cái duyên của con tim yêu thương là thế. Ngọn lửa đẹp lặng thầm ta mang theo là thế. Có thể, trong đơn phương, người đeo nặng nỗi niềm này đã cầm tay, đã nói được câu gì, với người trong mộng? Nhưng, nỗi niềm lung linh, mơ tưởng về một người ta nhớ thương, là có thật. . Là lúc này đang trĩu nặng trong góc lòng ta có. Là buổi ta “trở lại thôn Châu/ ... một màu cổ viên đã “khóa chặt hồn ta” với rêu in lối cũ. Với : “Ngút xanh bờ bãi tang điền”/  Với : “Mây trời sông Mã còn nghiêng đáy lòng”...

                                    Ở đây, câu thơ : “... Lối cũ màu cổ viên” với “Ngút xanh bờ bãi tang điền”  thật hay, thật đắc địa. .” Bởi, nó gợi cái mơ hồ, hoài niệm, cũ xa  của không gian, của nét hồn, nét trạng huống “người đang yêu” đứng trước cổ viên (vườn cũ) trước “tang điền,” nơi nương dâu, bãi bể trong biến thiên, trong vô định, vô thường. Nó thật gợi và gây nhiều ám ảnh.

       Với mười bốn câu trong kết cấu của Lục bát “Qua cầu.” Với nhiều câu thơ đã đẩy tới và trụ vững nơi bến bờ của cái Hay, cái Đẹp, Nguyễn Huy đã khá thành công ở nghệ thuật “khép mở” ở hai câu thơ kết : “Em sang cầu Bụt lấy chồng/   Cơn mưa đổ lạnh cánh đồng … Và Tôi !”...

    Quả tình, ở đây, cái bất ngờ ở tình huống, người khách đa tình kia đang tương tư, mơ tưởng và đeo đuổi “mối tình “Qua cầu” ấy, thì bỗng dưng : “Em sang cầu Bụt lấy chồng” để cơn mưa từ cánh đồng, từ trời ? Hay từ nỗi buồn sâu thẳm của kẻ si tình đã tầm tầm đổ xuống cái lạnh giá nơi “Cánh đồng và Tôi” khoảng chông chênh : “Cái mất !”

      Cái Hay của hai câu kết được người viết lấy làm “cái Trụ,”  tạo khả năng đồng hiện nhiều cảm rung mang “sức động”, Rằng, “Có một khoảng mờ xa, vò võ tháng ngày “ta” nhớ nhung,  đeo đuổi? Hay, chỉ sau phút giây gặp gỡ, mơ tưởng kia,  thì, “người ta yêu” ơi ! Em đã làm ta ngác ngơ, choáng váng. Em đã qua cầu Bụt, theo ai, trong lễ cưới về làm dâu ai đó ...

      “Qua cầu” là mối tình ảo hay thật? Được đẻ ra từ nguồn say. Đây là một bài thơ tình, giàu chất trữ tình.

        Và, Nguyễn Huy là nhà thơ, cộng tác viên thân thiết, lâu năm của Báo Hải Dương. “Qua cầu” là một trong những thi phẩm hay của ông, dọc chặng đường lao động và sáng tạo nghệ thuật.

                                              

                                       K.C

 

K/C – Nhà 126 – Khu Cái Tắt 3

P- Sở Dầu – Q- Hồng Bàng – HP