VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
THƯỢNG THƯ – HẢI QUẬN CÔNG – TS. PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Trải qua gần một ngàn năm qua các cuộc thi Đại khoa, thành phố Hải Phòng chỉ có 5 nhà khoa bảng có công lớn với quốc gia, được phong tước công,THƯỢNG THƯ – HẢI QUẬN CÔNG – TS. PHẠM ĐÌNH TRỌNG
.
Tướng quân Phạm Đình Trọng sinh ngày 22 tháng 02 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), tức ngày 06 tháng 04 năm 1714, người làng Khinh Dao (輕徭), huyện Giáp Sơn (峡山), phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Ông là con trai thứ hai của nhà nho Phạm Doãn Địch, có tài liệu ghi là con của đại quan Phạm Huy Ánh. Trong đó trang 1096 “Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam” NXB Văn hóa Thông tin năm 2013 lại ghi ông là con của Thượng thư Phạm Đình Trung, rể Thượng thư Mai Thế Kiệt. Còn theo gia phả họ Phạm ở làng Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương, thì ông là con nhà nho Phạm Doãn Địch.
Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông. Khoa thi này có 3.000 Nho sinh dự thi, triều đình nhà Lê trung hưng đã chọn ra 8 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 1 Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và 7 Đệ tam giáp (Tiến sỹ). Tên ông được khắc ở Bia đá Tiến sỹ số 68 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Trung hiến Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Bạch Phấn Ưng soạn lời. Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu suy Trung dực vận công thần Tham tụng Thượng thư bộ Lễ, kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái viết thêm (nhuận). Bia được dựng ngày 4 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744). Riêng làng Khinh Giao, tổng Vụ Nông này có 4 Tiến sỹ Nho học là Nguyễn Hiếu Trung (đỗ 1478), Lê Công Truyền (đỗ 1481), Nguyễn Đôn (đỗ 1541), Phạm Đình Trọng (đỗ 1739).
Ông là người văn võ toàn tài, tướng mạo uy nghiêm và từng giữ chức Phó đô Ngự sử, rồi vào phủ Chúa Trịnh làm Bồi tụng. Ít lâu ông ra làm Hiệp trấn 3 đạo Đông, Nam, Bắc, làm Thống lĩnh các quân đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân của Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu (Quận He)... Năm Ất Sửu (1745) ông phá tan quân của Nguyễn Hữu Cầu ở Xương Giang (nay thuộc Bắc Giang) và Cầu chạy thoát. Đến năm Canh Ngọ (1750) bộ tướng của ông là Phạm Đình Sỹ mới bắt được Nguyễn Hữu Cầu ở xã Hoàng Mai, thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An và bị đóng cũi đem về Thăng Long xử và bị hành hình. Nguyễn Hữu Cầu vốn là đồng môn với ông. Khi Nguyễn Hữu Cầu bị ông và Hoàng Ngũ Phúc tiến đánh, Nguyễn Hữu Cầu đã nhạo báng ông là “con Thằn lằn”, còn Hoàng Ngũ Phúc là “con Quạ đen”.
.
Thời gian trước đó, ông cùng Tuần phủ Nguyễn Thự mật mưu bắt sống được Nguyễn Cừ, một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân khác ở ở núi Ngọa Vân (khu vực Yên Tử ngày nay), nên được phong làm Tả Thị lang bộ Công và được ban tước Dao Lĩnh(1) hầu. Nay có công dẹp yên cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, ông được tấn phong: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Dương vô Tuyên lực công thần, giữ chức Thượng thư bộ Binh, Thiếu bảo (thày dạy Thái tử).
Còn việc bọn phỉ quấy nhiễu vùng Lưỡng Quảng (tương đương với Quảng Đông, Quảng Tây, Hồng Công và Ma Cao) tới tận biên giới Việt Thanh, mà chính quyền nhà Thanh cũng bó tay, dẹp không nổi. Trước tình cảnh ấy, nhà Thanh nhờ triều đình Lê Trịnh và chúa Trịnh đã phái Phạm Đình Trọng đảm nhận tuần tiễu khu vực này. Không lâu sau, dưới sự chỉ huy của ông, đám phỉ bị xóa sổ, những tên cầm đầu bị bắt. Không chỉ dân vùng biên giới được bình yên, mà dân Lưỡng Quảng của nhà Thanh cũng không còn bị quấy nhiễu. Triều đình nhà Thanh mừng rỡ, liền sai người mang lụa, vàng bạc và tục truyền còn mang cả mũ áo Thượng thư sang Đại Việt ban cho Phạm Đình Trọng. Bởi vậy, đời sau gọi ông là Thượng thư Lưỡng quốc là vậy.
Vào thời gian này, tình hình chính trị tại Đại Việt còn diễn biến phức tạp, triều đình muốn đề phòng quân Chúa Nguyễn từ Nam kéo ra. Vì vậy đã cử ông làm Trấn thủ Nghệ An, kiêm lĩnh Đốc suất quân dân ở châu Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình). Trên cương vị này, ông đã đánh dẹp các cuộc nổi loạn của bọn “giặc cỏ” và dinh Ninh Trấn quận được lập ở phía Nam trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh).
.
.
Đền thờ Phạm Thượng Quận tại xã An Hưng - An Dương - Hải Phòng
Vào sáng sớm ngày 01 tết năm Giáp Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 (1754), tức ngày 23 tháng giêng năm 1754 Tướng quân Phạm Đình Trọng qua đời, hưởng thọ 40 tuổi. Tục truyền, ông chết do bị quyết thần Đỗ Thế Giai đầu độc vì nguyên khi Nguyễn Hữu Cầu bị ông đánh phá quyết liệt, rồi Cầu sai người về triều đút lót với Đỗ Thế Giai xin quy hàng triều đình. Giai giúp Cầu được toại nguyện, ông phải vâng mạng triệt binh, nhưng Cầu chỉ giả hàng để làm kế hoãn binh. Chẳng bao lâu lại nổi dậy, khiến ông phải ra sức tiễu trừ. Mặc dù Giai ngăn cản ông, cố che chở cho Cầu, nhưng ông vẫn kiên quyết tấn công triệt hạ Nguyễn Hữu Cầu. Do vậy Đỗ thế Giai thù ghét ông, cho người giả ban rượu ngon khen thưởng, nhưng trong rượu có độc. Ông uống phải rồi mất, hoặc cũng có thể do một nguyện nhân khác nữa. Ngay sau đó, triều đình nhà Lê trung hưng truy phong ông là Phúc thần với tên hiệu là Đại Vương tôn thần và lập đền thờ tại xã Càn Sơn, huyện Kỳ Hoa, trấn Nghệ An, sau thuộc xã Kỳ Phú gần kênh Nha Lê, nay thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó trang 230 "Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng" ghi ông được truy phong tước Đại Vương là chưa có sức thuyết phục.
Ghi nhận sự cống hiến của ông, trong lời Chế phong, vua Lê Hiển Tông đã biểu dương như sau: “Xét Phạm Đình Trọng: Tài năng dùng làm cột trụ, làm đá tảng cho xã tắc, khí độ cao như núi lớn. Trời phú cho văn chương, tuổi trẻ nổi tiếng khoa giáp. Tỏ khí nghiệp từ lúc làm quan, sẵn có mong ước công hầu...".
Mới đây đương lúc cần phải kinh luân đã hết lòng mẫn cán, nơi bãi biển trổ tài đánh dẹp, điều khiển ba đạo quân công lao khó nhọc, chốn núi mây xông pha bắt giặc, mưu mô trù tính sẵn trong lòng, trị dân uy đức đi đôi dẹp giặc đánh đâu được đấy, thuyền quân rẽ sóng. Đồ Sơn tổ chim ấp thành tro, ngựa sắt ngang trời, Xương Giang xưa cá kình vào lưới. Ngồi bên trong thì hầu gần nơi cung cấm, trấn cõi ngoài thì giữ vững giậu phên. Ở Tướng Phủ mà ra cầm quân, bốn phương trông đợi đức hóa như Chu Công mặc áo Xiêm thêu”.
Ở Hoàng Đường(2) mà kiêm chức võ, ba quân đều nức oai của bậc Thống Lĩnh ngồi xe vàng đeo chuỗi ngọc, thực hay hư biết trước cơ mưu, đánh giặc giữ khéo bày thế trận. Đem cày bừa thay giáo mác, lập đồn điền thả lỏng giặc mà vẫn dẹp yên, hóa gươm đao thành đàn hát, dựng cửa nhà chiêu dụ dân thành ra đông đúc. Nước có tướng cầm binh giỏi người khen tài thắng trận. Tiếng quân nghĩa đến đâu yên đó, việc khó khăn liệu lý tùy phương.
Chốn Bình Hải(3) bày mưu thần diệu, dẹp tan quân phản trắc biển Đông, giặc Quan Lan bắt bảy tù binh, công đánh dẹp vang lừng cõi Bắc(4). Trong triều tâu bài khải như hai họ Lương(5). Ngoài biên nổi tiếng như họ Phạm(6), lúc động tĩnh giữ gìn bờ cõi như trong thơ “Thường Vũ(6)”… Đánh bốn mặt trèo non, vượt suối, thân mang giáp trụ gian nan, trải mười năm khi đánh trận khi nghỉ ngơi, ung dung áo đai đường bệ. Nối được công giúp nước như Thích Vọng đời Chu noi gương khuyên vua nhà Vương Đạo đời Tấn. Trẫm nay: “Kính nối mưu xưa, ngửa noi chí trị. Nhờ nhà Chúa bày ra chính tốt, được đến phúc nên công to, giữ nghiệp lớn khen nguyên thần, giữ việc quân khó nhọc đã lâu, thực không phụ công kén chọn trong hàng học hành thi lễ. Sự khen thưởng đã được đình thần hài lòng, sự luyến ái thực do ở lòng trẫm”.
Nên thăng chức chính khanh, vinh phong tước quận, để tỏ rõ đãi ngộ rất hậu, để nêu lên công lao khác thường. Ôi!
“Việc quân, việc lễ, việc nào cũng là công, đã được ban ơn cho long trọng ở lăng miếu, ở biên trấn, ở đâu cũng là báo nước, cố bền lòng để giúp nhà vua”.
Trong lời chế phong trên, ta thấy Tướng quân Phạm Đình Trọng sau khi mất tại quân doanh mới được truy phong tước Hải Quận công, chứ không phải lúc còn sống, mà nhiều tài liệu đời sau ghi và ông được phong Đại Vương, đây không phải là tước vị.
Sau khi mất, ông được vinh danh là Thành hoàng làng Càn Sơn, huyện Kỳ Hoa (nay thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh hà Tĩnh ngày nay), trấn Nghệ An. Và làng Khinh Dao, tổng Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng. Và xã Lâm Động, tổng Hoàng Pha, huyện Thủy Đường, nay thuộc xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Và thôn Ngọc Mai, xã Hạ Khuông, tổng Phúc Cầu, huyện Đường An, nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Theo bản khai Thần tích - Thần sắc năm 1938 của giáp (thôn) Ngọc Mai, xã Hòa Khuâng, thì ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đăng trật ứng gia phong đức Đệ Ngũ Khoát Trù Đại Vương Phạm Thượng Quận (tức Phạm Đình Trọng). Ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái thứ nhất (1889) gia phong. Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) đăng trật hợp phong Đức Đoàn Thượng và Đức Phạm Đình Trọng. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) tứ tuần đại khánh tiết gia phong Đức Phạm Đình Trọng một đạo. Và còn nhiều nơi khác nữa vinh danh ông là Thành hoàng.
Trải qua gần một ngàn năm qua các cuộc thi Đại khoa, thành phố Hải Phòng chỉ có 5 nhà khoa bảng có công lớn với quốc gia, được phong tước công, đó là các vị: Nguyễn Bỉnh Khiêm, người huyện Vĩnh Bảo với tước Trình Quốc công; Phạm Gia Mô, người huyện Kiến Thụy với tước Hải Quốc công; Lê Đình Tú, người huyện Thủy Nguyên với tước Đường Quận công; Phạm Bá, người huyện Tiên Lãng với tước Xuyên Quận công và Phạm Đình Trọng với tước Hải Quận công. Đền thờ Phạm Thượng Quận (tức Phạm Đình Trọng) đã được xếp hạng vào thời Đồng Khánh (1886 - 1888) của tỉnh Hải Dương. Không hiểu thế nào chính quyền thành phố Hải Phòng mãi tới nay (3/2024) mới được Bộ Văn hóa – Thể thao công nhận là Di tích cấp Quốc gia?
__________
(1): Dao Lĩnh là một ấp thuộc tổng Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, nay thuộc thực địa xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng.
(2): Dinh của quận thú xưa
(3): Bình Hải nằm khu vực ven biển Lưỡng Quảng (Quảng Đông – Quảng Tây – Hồng Công và Ma Cao)
(4): Tên bọn giặc người Tàu, mà tổng đốc Lưỡng Quảng không dẹp được, phải nhờ ta dẹp hộ. Chúa sai Phạm Đình Trọng đi bắt được đầu đảng 7 tên.
(5): Người nổi tiếng hay chữ đời Tần
(6): Phạm Trọng nhà Tống
(7) Tên một bài thơ hay trong Kinh thi nói việc Tuyên Vương tự làm tướng đem quân đi đánh đất Từ.
NGỌC TÔ
Các tin khác
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
-
PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
-
QUÁ TRÌNH THI CÔNG SÔNG CHANH DƯƠNG - VĨNH BẢO
-
VĨNH BẢO ĐÒ ƠI!