/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

TÊN GỌI VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ PHONG KIẾN

Vào thời Pháp thuộc, người Pháp chia nước ta thành 3 kỳ (vùng) là Tonkin (Bắc Kỳ), Annam (Trung Kỳ) và Cochinchine (Nam Kỳ).

TÊN GỌI VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ PHONG KIẾN

.

       Quốc gia Việt Nam có lịch sử trên bốn thiên niên kỷ, đã trải qua 23 giai đoạn với 16 tên gọi khác nhau. Đặc biệt ý nghĩa của các tên gọi chắc ít người để ý. Vừa qua, chúng tôi thấy trên “youtube” có đoạn “video” do một sinh viên người Palestine làm cuộc điều tra điền dã về lịch sử văn hóa ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với những câu hỏi sơ đẳng sau: Xin anh (chị), hay cô (chú) cho biết 3 tên gọi khác nhau của quốc gia Việt Nam và ai là người đổi tên nước là Việt Nam? Một số nhóm người chỉ trả lời được vế thứ nhất, còn vế thứ 2 hầu hết đều “bó tay chấm com” và khá nhiều người người trả lời là Hồ Chí Minh?

Lịch sử văn hóa nước mình

Thần dân Hà Nội còn “tình tính tang”

Nếu hỏi bách tính phía Nam

Chắc cũng lớ ngớ “lang bang tang tình”?

      Chúng tôi xin cung cấp cho độc giả 8 Quốc hiệu (Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Việt Nam, Đại Nam) và 8 tên gọi khác nữa, cũng như thủ đô của nước ta trong thời kỳ phong kiến như sau:

       1- Khoảng từ năm 2879 TCN đến năm 2524 TCN (355 năm, nghi vấn), thuộc thời Hồng Bàng. Tương truyền là Kinh Dương Vương đặt, với tên gọi là Xích Quỷ (赤鬼), có nghĩa là “quỷ đỏ” hay “quỷ phía Nam”.

       2- Khoảng từ năm 2524 TCN đến năm 258 TCN với 2266 năm (nghi vấn), thuộc thời Hồng Bàng. Tương truyền là Hùng Vương thứ I đặt, với tên gọi là Văn Lang (文郎), có nghĩa là lang Văn, tức một đơn vị hành chính mang tên Văn. Lúc đầu người ta gọi địa danh bằng một từ, sau này khi dùng địa danh bằng hai từ, nên mới gọi vùng đất Văn Lang là vậy. Giống như Tạ Xá (謝厙), tức làng Tạ, sau này khi dùng địa danh xã (làng) bằng hai từ, nên mới gọi xã Tạ Xá. Cũng có thể do người viết để nguyên phiên âm chữ Hán là Văn Lang, sau này gọi mãi thành quen. Thủ phủ của Văn Lang là Phong Châu (nghi vấn)?

       3- Từ năm 257 TCN đến năm 207 TCN, hoặc 179 TCN (50 năm) thuộc thời nhà Thục do Thục Phán đặt, với tên gọi là Âu Lạc (甌雒/甌駱). Đây là tên ghép 2 từ đầu của 2 bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt cổ. Kinh đô của Âu Lạc được đặt tại Cổ Loa, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

       4- Từ năm 204 TCN đến năm 111 TCN (93 năm) thuộc thời nhà Triệu, do Triệu Đà (tức Triệu Vũ Đế, sinh năm 257 TCN, mất năm 137 TCN) đặt với tên gọi là Nam Việt (南越), có nghĩa là nước Việt (cổ) ở phía Nam. Nay gồm vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam, định đô ở Phiên Ngung, nay thuộc thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

 

.

       5- Từ năm 111 TCN đến năm 40 CN (151 năm) thời Bắc thuộc lần thứ I do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi là Giao Chỉ (交址), có nghĩa là chỉ Giao, tức một đơn vị hành chính mang tên Giao. Lúc đầu người ta gọi tên địa danh bằng một từ, sau này khi dùng địa danh bằng hai từ, nên mới gọi quận hay thừa tuyên bố chính sứ ty (đơn vị hành chính cấp tỉnh) Giao Chỉ là vậy. Giống như Tạ Xá (謝厙), tức làng Tạ, sau này khi dùng địa danh xã (làng) bằng hai từ, nên mới gọi xã Tạ Xá (謝舎社) là vậy. Vào thời đó, nước ta dùng chữ Hán, nên người viết để nguyên phiên âm chữ Hán là Giao Chỉ, sau này gọi mãi thành quen. Thủ phủ từ năm 111 TCN đến năm 106 TCN là Luy Lâu, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 106 TCN đến năm 40 CN là Quảng Tín, nay thuộc thành phố Ngô Châu, phía Đông tỉnh Quảng Tây (gần tỉnh Quảng Đông), Trung Quốc.

       6- Từ năm 40 CN đến 43 CN (3 năm) thuộc thời Hai Bà Trưng do Trưng Trắc đặt, với tên gọi là Lĩnh Nam (嶺南) có nghĩa là “vùng đất phía Nam của các đỉnh núi”. Thủ phủ là Mê Linh nay thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

       7- Từ năm 43 đến năm 203 (160 năm) thời Bắc thuộc lần thứ II, do triều đình nhà Hán đặt theo tên gọi cũ là Giao Chỉ (交址), có nghĩa là chỉ Giao, tức một đơn vị hành chính mang tên Giao. Thủ phủ là Quảng Tín, nay thuộc thành phố Ngô Châu, phía Đông tỉnh Quảng Tây (gần tỉnh Quảng Đông), Trung Quốc.

       8- Từ năm 203 đến năm 544 (341 năm) thời Bắc thuộc lần thứ II do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi là Giao Châu (交州), có nghĩa là châu Giao, tức một đơn vị hành chính mang tên Giao. Lúc đầu người ta gọi tên địa danh bằng một từ, sau này khi dùng địa danh bằng hai từ, nên mới gọi phủ Giao Châu là vậy. Giống như Khâm Châu (địa danh giáp với biên giới Đại Việt phía Đông Bắc từ trước 1887), có nghĩa là châu Khâm. Vào thời đó nước ta dùng chữ Hán, nên người viết để nguyên phiên âm chữ Hán là Khâm Châu, sau này gọi mãi thành quen. Thủ phủ từ năm 210 đến năm 226 là Phiên Ngung, nay thuộc thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Từ năm 226 đến năm 544 thời Bắc thuộc lần II là Long Biên, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh hoặc quận Long Biên, thành phố Hà Nội (đang tranh cãi).

       9- Từ năm 544 đến năm 602 (58 năm) thuộc thời Tiền Lý do Lý Bí đặt, với tên gọi là Vạn Xuân (萬春), có nghĩa là “mùa xuân mãi mãi” hay “mùa xuân vĩnh viễn”. Thủ phủ là thành Long Biên, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh hoặc quận Long Biên, thành phố Hà Nội (đang tranh cãi).

       10- Từ năm 602 đến năm 607 (5 năm) thời Bắc thuộc lần thứ III do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi cũ là Giao Châu (交州), có nghĩa là châu Giao, tức một đơn vị hành chính mang tên Giao. Lúc đầu người ta gọi tên địa danh bằng một từ, sau này khi dùng địa danh bằng hai từ, nên mới gọi phủ Giao Châu là vậy. Giống như câu ca “Bà Trưng quê ở Phong Châu”, có nghĩa là bà quê ở châu Phong. Nếu vào thời phong kiến, nước ta còn sử dụng chữ Hán, thì có thể chấp nhận được. Song, từ khi nước ta dùng chữ Quốc ngữ phải ghi là “Bà Trưng quê ở châu Phong” mới chuẩn chỉ. Thủ phủ là Giao Chỉ, nay thuộc mảnh đất phía Nam sông Đuống và sông Thái Bình.

       11- Từ năm 607 đến năm 622 (15 năm) thời Bắc thuộc lần thứ III do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi cũ là Giao Chỉ (交址), có nghĩa là chỉ Giao, tức một đơn vị hành chính cấp bộ mang tên Giao. Thủ phủ là Tống Bình, nay thuộc thành phố Hà Nội.

       12- Từ năm 622 đến năm 679 (57 năm) thời Bắc thuộc lần thứ III do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi cũ là Giao Châu (交州), có nghĩa là châu Giao, tức một đơn vị hành chính mang tên Giao. Thủ phủ là Tống Bình, nay thuộc thành phố Hà Nội.

       13- Từ năm 679 đến năm 757 (78 năm) thời Bắc thuộc lần thứ III do triều đình nhà Hán đặt với tên gọi là An Nam (安南), có nghĩa là “vùng đất phía Nam bình yên”. Thủ phủ là Tống Bình, nay thuộc thành phố Hà Nội. Trong đó, từ năm 713 đến năm 722, thủ phủ là Vạn An, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

       14- Từ năm 757 đến năm 766 (9 năm) thời Bắc thuộc lần thứ III do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi là trấn Nam (鎮南), có nghĩa là “vùng đất phía Nam cấp tỉnh”. Thủ phủ là Tống Bình, nay thuộc thành phố Hà Nội.

       15- Từ năm 766 đến năm 866 (100 năm) thời Bắc thuộc lần thứ III do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi là An Nam (安南), có nghĩa là “vùng đất phía Nam bình yên”. Thủ phủ là Tống Bình, nay thuộc thành phố Hà Nội.

       16- Từ năm 866 đến năm 905 (39 năm) thời Bắc thuộc lần thứ III do triều đình nhà Hán đặt, với tên gọi là Tĩnh Hải Quân (靜海軍), tức thăng An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải Quân. Tên gọi này tiếp tục kéo dài tới hết thời loạn 12 sứ quân với 63 năm nữa do họ Khúc, họ Dương và nhà Ngô lãnh đạo. Tổng cộng tên gọi Tĩnh Hải Quân được sử dụng tới 102 năm (866 - 968). Thủ phủ là Đại La, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Trong đó, nhà Ngô từ năm 939 đến năm 967 là Cổ Loa, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội.

       17- Từ năm 968 đến năm 1054 (86 năm) thuộc thời Đinh – Tiền Lê và đầu Hậu Lý do Đinh Bộ Lĩnh đặt, với tên gọi là Đại Cồ Việt (大瞿越), tức “nước Việt vỹ đại”. Thủ đô từ năm 939 – 967 thời nhà Ngô là Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ năm 968 – 1009 là Hoa Lư, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Từ năm 1010 đến năm 1054 là Thăng Long, nay thuộc thành phố Hà Nội.

       18- Từ năm 1054 đến năm 1400 (346 năm) thuộc thời Hậu Lý và thời Trần, do Lý Nhật Tôn, tức Lý Thánh Tông (1023 – 1072) đặt, với tên gọi là Đại Việt (大越), có nghĩa là “nước Việt lớn”. Thủ đô là Thăng Long, nay thuộc thành phố Hà Nội.

       19- Từ năm 1400 đến năm 1407 (7 năm) thời nhà Hồ, do Hồ Quý Ly đặt, với tên gọi là Đại Ngu (大虞), có nghĩa là “vùng đất yên vui lớn” hay “vùng đất đại hòa bình”. Hồ Quý Lý lấy quốc hiệu là Đại Ngu, vì vào thời cổ đại bên Trung Hoa có nước Ngu thời vua Ngu Thuấn (một trong ngũ Đế). Còn trong tên Hán Việt có khá nhiều từ đồng âm như: Từ ngu (愚) có nghĩa là “ngu đần”, hay từ ngu (嵎) có nghĩa là “hẻm núi”, hay từ ngu (俁) có nghĩa là “to lớn, tốt đẹp”... Vào thời Đại Ngu thì thủ đô nước ta được dời về huyện Vĩnh Ninh, phủ Thiên Xương (thành nhà Hồ), nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, gọi là Tây Đô, còn Thăng Long gọi là Đông Đô. Còn “thủ đô của miền Tây”, được cư dân nơi đây gọi là “Tây Đô” từ đầu thế kỷ XX, nay là thành phố Cần Thơ, chứ hoàn toàn không có quyết định nào thành lập của cơ quan chính quyền Nhà nước cả. 

       20- Từ năm 1407 đến năm 1427 (20 năm) thời Bắc thuộc lần thứ IV do triều đình nhà Minh đặt với tên thừa tuyên bố chính sứ ty (đơn vị hành chính cấp tỉnh) Giao Chỉ (交址). Thủ đô là Đông Quan, nay thuộc khu Hoàng thành Thăng Long, thành phố Hà Nội.

       21- Từ năm 1428 đến năm 1804 (376 năm) thuộc thời Hậu Lê, thời Tây Sơn và 2 năm đầu thời Nguyễn, do Lê Lợi đặt với tên gọi là Đại Việt (大越), tức “nước Việt lớn”. Trong đó, từ năm 1428 đến năm 1527 là thời Lê sơ, từ năm 1527 đến năm 1592 là thời Mạc (đàng Ngoài), từ năm 1593 đến năm 1878 là thời Lê Mạt, từ năm 1878 tới năm 1802 là thời Tây Sơn và từ năm 1802 trở đi là thời Nguyễn. Nếu cộng 2 giai đoạn lại, thì tên gọi nước ta là “Đại Việt” kéo dài tới 722 năm. Thủ đô Đại Việt từ năm 1428 đến năm 1527 là Đông Kinh, nay thuộc khu Hoàng thành Thăng Long, thành phố Hà Nội. Nhà Lê trung hưng từ năm 1533 – 1597, thủ phủ là cung Vạn Lại thuộc huyện Thọ Xuân, phủ Thanh Đô, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thủ đô từ năm 1597 đến năm 1787 là Đông Kinh, nay thuộc khu Hoàng thành Thăng Long, thành phố Hà Nội. Trong đó, dinh chúa Nguyễn từ năm 1678 đến năm 1777 là Phú Xuân, nay là thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Và thành Hoàng đế Tây Sơn từ năm 1778 đến năm 1793 là Quy Nhơn, nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thủ đô từ năm 1786 đến năm 1802, thời Tây Sơn là Phú Xuân, nay thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

.

Bản đồ VN năm 1609

       22- Từ năm 1804 đến năm 1839 (35 năm) thuộc thời Nguyễn do Nguyễn Ánh cầu phong và vua Gia Khánh nhà Thanh (Trung Hoa) đồng ý quốc hiệu nước ta mang tên Việt Nam (越南), có nghĩa là “miền đất phía Nam của nước Việt cổ”.

       Trong đó nhiều tài liệu đã xuất bản cho rằng: Cái tên Việt Nam đã có từ thời Mạc, do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết trong hai bài thơ tặng Trạng nguyên Thư Quốc công Nguyễn Thiến và Trạng nguyên Tô Khê hầu Giáp Hải. Hay tại bia đá chùa Bảo Lâm ở Hải Dương dựng năm 1558, hay tại bia đá Cam Lộ ở Hà Nội dựng năm 1590, hay tại bia đá chùa Phúc Thánh ở Bắc Ninh dựng năm 1664… có ghi hai từ Việt Nam. Theo luật mà nói, thì cái tên Việt Nam (越南) được nhắc trong văn chương của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là dự báo (sấm Trạng), hay được ghi trong một số bia đá kia, có nghĩa là “miền đất phía Nam của nước Việt cổ”, chứ không phải tên gọi của quốc gia Việt Nam. Thực tế vào thời đó chưa có bất kỳ một Sắc lệnh nào của người đứng đầu quốc gia về việc đổi tên nước, nên tên gọi nước Việt Nam chính thức chỉ được tính từ năm 1804. Còn thủ đô nước ta từ năm 1802 đến năm 1945 là Huế, nay thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

       23- Từ năm 1839 đến năm 1945 (106 năm) thuộc thời Nguyễn do Nguyễn Phúc Kiểu (tức vua Minh Mạng) đặt, với quốc hiệu là Đại Nam (大南), có nghĩa là “miền đất phía Nam rộng lớn”. Trong đó, từ năm 1887 đến năm 1945 là thời Pháp thuộc với tên gọi Liên bang Đông Dương (聯邦東洋). Hay năm 1945 Nhật Bản xâm lược Đông Dương với tên gọi Đế quốc Việt Nam (帝國越南).

      Vào thời Pháp thuộc, người Pháp chia nước ta thành 3 kỳ (vùng) là Tonkin (Bắc Kỳ), Annam (Trung Kỳ) và Cochinchine (Nam Kỳ). Riêng từ Annam chỉ người Việt cả nước nói chung và nhiều khi người Pháp dùng từ Annam (Annamese, đọc là An nam mít, nghĩa là người Annam) với ý đồ miệt thị dân Việt.

NGỌC TÔ

.