/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?

Thượng lưu sông Cấm thời Pháp thuộc (1890) là ngã ba Nông (nay là Nống) nối với sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn (nay là Vận) kéo xuống tới cửa Cấm

SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?

.

       Theo nghiên cứu của chúng tôi, thì cách đặt tên sông ngòi truyền thống của ông cha ta từ xa xưa đều lấy tên làng xã ở thượng lưu làm tên cho sông ngòi. Trong đó, các sông ngòi được phân cho từng địa phương để đảm bảo việc bảo vệ, giữ gìn và khai thác chúng. Ví như từ năm 1888 về trước, thì Lục Đầu giang, tức sông Lục Đầu gồm sáu sông sau: Lâu Khê (nay là sông Thái Bình đoạn dưới), Thiên Đức (nay là hạ lưu sông Đuống), Chiêm Đức (nay là hạ lưu sông Cầu), Nhật Đức (nay là sông Thái Bình đoạn trên, hay hạ lưu sông Thương), Phượng Nhãn (nay là hạ lưu sông Lục Nam) và Linh (nay là sông Kinh Thầy). Nếu tính từ sông Lục đầu xuống tới cửa biển Thái Bình ta còn gặp vài sông nữa là Lâu Khê, Hàm, Kim, Ngải Am.

       Còn từ thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX) việc đặt tên sông ngòi làm ngược lại với cách đặt truyền thống, tức lấy địa danh phía hạ nguồn sông làm tên. Ví như sông Thái Bình được tính từ của biển Thái Bình ngược lên phía Bắc qua làng Đại Công (Tiên Lãng) và Quý Cao (Tứ Kỳ) và lên tới sông Lục Đầu và tiếp tục ngược lên phía trên. Và đoạn hạ lưu sông qua tổng Vạn Xuân, huyện Thụy Anh, phân phủ Thái Bình (nay là xã Thụy Trường và xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy) có vài cây số, nhưng từ năm 1890 đã mang tên sông Thái Bình.

          Trong quá trình tìm hiểu về mảnh đất và con người trấn Hải Dương và bản đồ huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, tôi thấy con kênh bên tả ngạn là làng Phi Liệt, tổng Thượng Côi, huyện Thủy Đường, nay thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và bên hữu ngạn là giáp Sài thuộc tổng Kính Chủ (từ năm 1862 đổi là Dương Nham), huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay thuộc thị trấn Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Vì thế con kênh bắt nguồn từ sông Đông Triều (gọi tắt là Triều) ở ngã ba Sài tới hạ lưu sông Kinh Môn ở ngã ba Trại Sơn (bên Hải Phòng là xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, còn bên Hải Dương là làng Kinh Hạ, thuộc tổng Kính Chủ, sau là Dương Nham, huyện Giáp Sơn, nay là khu vực Nhà máy Xi măng Phúc Sơn, thị trấn Phú Thứ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) là Sài Kênh (柴涇), tức kênh (Kinh) Sài. Vì tên Nôm giáp Sài này là Thầy, nên mới gọi là kênh Thầy, hay kinh Thầy, bởi chữ kênh (涇) trong tiếng Hán còn đọc là kinh.

          Vào thời Pháp thuộc, thì việc đặt tên sông ngược với cách đặt truyền thống, tức lấy địa danh phía hạ lưu làm tên cho sông. Hay hầu hết tên làng xã, sông ngòi thời nhà Nguyễn thường dùng hai từ, mặc dù chưa đúng về ngữ pháp tiếng Việt, nhưng được người dân chấp nhận. Ví như: Hóa Giang (sông Hóa) lại gọi là sông Hóa Giang, hay Châu Giang (sông Châu) lại được gọi là sông Châu Giang. Hay Giao Chỉ (tức chỉ Giao, chỉ là đơn vị hành chính cấp quận) lại gọi là quận Giao Chỉ, hay Trúc Động, tức làng Trúc vì động là đơn vị hành chính cấp làng ở miền núi, lại gọi là làng Trúc Động. Hay “Bà Trưng quê ở Phong Châu”, nếu là tiếng Việt phải viết là “Bà Trưng quê ở châu Phong” mới đúng, vì châu là đơn vị hành chính cấp huyện ở miền núi. Hay những câu thừa từ như đường quốc lộ, ngày sinh nhật, cây cổ thụ.v.v. Vì thế từ năm 1890, hai từ kênh Thầy trở thành sông Kinh Thầy là vậy và được chính quyền chấp nhận, mặc dù chưa đúng về ngữ pháp tiếng Việt. Sông Kinh Thầy năm 1890 dài gấp mấy lần kinh Thầy cổ, tức phía thượng lưu của sông từ phía dưới của sông Lục Đầu (tổng Cổ Châu, huyện Chí Linh, từ 1890 là sông Thái Bình) lòng vòng xuống hạ lưu, điểm cuối là ngã ba Nông (nay là Nống) gồm 3 sông là Kinh Thầy, Vận và Cấm. Bên tả ngạn sông là làng Câu Tử, tổng Thái Lai, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, nay thuộc xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Còn bên hữu ngạn là làng Tam Đa, tổng Yên Lưu, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

.

Sông Kinh Thầy đoạn hạ lưu sát cầu Dinh thị xã Kinh Môn, Hải Dương và xã An Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng

          Sông Kinh Thầy giống như trường hợp Mỹ Giang (sông Mỹ) ở huyện Thủy Nguyên kế bên. Vì tên Nôm của Mỹ Giang này là Giá, nên mới gọi là sông Giá. Từ trước thời Đồng Khánh (1886 – 1888), thượng lưu sông Mỹ từ làng Phi Liệt, tổng Thượng Côi (nay thuộc xã Lại Xuân, Thủy Nguyên) tới hết làng Tràng Kênh (nay là thị trấn Minh Đức) với chiều dài chừng 18 cây số. Còn sông Giá thời Pháp thuộc (1890), thì thượng lưu sông ở làng Đông Triều, tổng Đạm Thủy, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là khu vực bến phà Triều. Còn hạ lưu sông là làng Tràng Kênh, tổng Dưỡng Động, huyện Thủy Đường, tức sông Giá mới gồm sông Giá cũ (nay là hồ Đà Nẵng) và sông Triều (sau là sông Hạ, thời nay là sông Đá Vách) cộng lại với chiều dài chừng trên 40 cây số.

       Hay cũng giống như trường hợp sông Cấm ở Hải Phòng. Sông Cấm từ thời Đồng Khánh (1886 – 1888) về trước là con sông từ giáp Cấm, làng Da Viên, tổng Da Viên, huyện An Dương, nay thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, Hải Phòng hắt xuống phía biển với độ dài chừng dăm bảy cây số. Còn sông Cấm từ thời Pháp thuộc (1890) là con sông gồm sông Cấm cũ và sông Kiền Bái cộng lại. Thượng lưu sông Cấm thời Pháp thuộc (1890) là ngã ba Nông (nay là Nống) nối với sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn (nay là Vận) kéo xuống tới cửa Cấm với chiều dài chừng hơn 30 cây số.

NGỌC TÔ