/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

ĐỒN SƠN CHU DU KÝ

Cầu Dinh được khánh thành vào năm 2021, nối tuyến giao thông giữa huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, Hải Dương,

ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
.
       Sáng qua, tôi và đồng ngũ, nhà giáo Hoàng Hữu Khâm làm chuyến chu du tới một số địa danh tại Đông Triều, Kinh Môn và phía Tây Bắc huyện Thủy Nguyên Hải Phòng. Điểm đầu tiên mà chúng tôi tới là bến phà Đụn thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Khâm có hỏi tôi:
     - Sao bến phà này lại gọi là Đụn?
     - Đây là Phi Liệt độ (丕烈渡), tức bến đò Phi Liệt. Vì cách bến này chừng dăm bảy trăm mét phía thượng lưu sông Bạch Đằng cổ, sau là sông Thành Triền, từ năm 1890 là Đá Bạch có bến đò Phi Liệt, hay còn gọi là đò Xí nghiệp Đá II. Hay phía Đông làng Phi Liệt còn một đò ngang qua sông Giá sang xã Liên Khê nữa, nên bến đò này được gọi theo bến đò bên tả ngạn sông là Đụn hay Đồn. Làng Phi Liệt này thời cổ thuộc tổng Thượng Côi, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn. Nay thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

.

Nhà văn Ngọc Tô (phải) và Hoàng Hữu Khâm tại phà Đụn
     Thế rồi anh em tôi qua sông bằng phà tự hành loại nhỏ, vì cầu Đụn đang trong giai đoạn hoàn thành. Cách bến bên tả ngạn về phía Bắc chừng hơn 300 mét là Đồn Sơn (屯山), tức núi đất, thời nay gọi là núi Thóc. Hai từ Đồn Sơn hay Đồ Sơn có nghĩa la lá nhau là núi đất và Đồn Sơn gọi tắt là Đồn. Hay tên Nôm của làng này là Đụn, nên mới có chợ Đụn, chùa Đụn (tức chùa Cảnh Huống), đình Đụn (tức đình Đồn)… Thời phong kiến làng Đồn Sơn thuộc tổng Yên Khánh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn. Nay thuộc phường Yên Đức, thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
     Lúc quay lại phà sang bên Lại Xuân, tôi có gặp cô gái bán vé phà là Bùi Thị Thủy rất ham về lịch sử phà làng mình. Tôi liền giải thích, theo bản đồ huyện Thủy Đường thời Đồng Khánh (1886), thì chưa có tuyến đường bộ liên huyện chạy qua bến đò Đụn này. Nhưng bản đồ hành chính tỉnh Kiến An năm 1909 do người Pháp xuất bản, thì đã có đường bộ từ huyện lỵ Thủy Nguyên đến tổng Thượng Côi và qua đò Đụn sang bên huyện Đông Triều. Chắc chắn sau đó một thời gian thì người Pháp đã đầu tư phà và tới nay (12/2024), thì cầu Đụn sắp sửa hoàn thành. Ngoài ra bến Đụn (hay bến Phi Liệt) còn là bến đò dọc cho sông Thủ Chân từ huyện Chí Linh tới cửa biển là bến Vạn và bến Đoan Lễ (Dầng), nay thuộc xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên. Tôi liền đọc mấy câu ca dao về đò Đụn như sau:
Chiều chiều sóng vỗ bến Đồn
Mỗi ngày xa cách bồn chồn nhớ nhung
Đò sang cập bến nửa chừng
Để người mong mỏi nửa mừng nửa lo?

Hay:
Chợ Đồn mỗi tháng chín phiên
Gặp nhau chi nữa ưu phiền lòng ta
Người về khuất nẻo xóm Phà
Để ai thui thủi vào ra một mình?

Hay
Gọi đò chẳng thấy đò sang
Phải chăng bến Đụn phũ phàng khách xưa.
Cây đa bến Đụn ngác ngơ
Đò đưa bến khác, bạn chờ nhớ ai?

Hay
Sông sâu sào ngắn khó dò
Muốn sang Phi Liệt sợ đò không đưa?

.

Tác giả (phải) và Hoàng Hữu Khâm tại Tuyệt Tình Cốc, huyện Thủy Nguyên
       Tạm biệt phà Đụn, chúng tôi về UBND xã Lại Xuân, để hỏi về một đồng đội cũ để tới thăm. Mặc dù đã làm tới chức Phó ban Tuyên giáo huyện ủy, nhưng vẫn ở nhà cấp bốn trong làng và hiện tại ông không còn biết gì nữa. Mọi thứ đều do người vợ già lo liệu chăm sóc.
Chia tay làng Pháp Cổ anh em tôi tới khu “Tuyệt Tình Cốc”. Cảnh quan nơi đây thật nên thơ, nhưng đường sá rất khó vào và còn rất bụi. Tôi nói đùa với mấy du khách, nếu không có quy hoạch, cứ đà này chẳng mấy chốc núi ở đây cũng không còn. Con cháu chúng ta phải lên mạn ngược khai thác mang về thôi. Đây là khu vực làng cổ Trại Sơn, tổng Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay thuộc xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên.

.

Nhà văn Ngọc Tô trên cầu Dinh

.
       Rồi sau đó chúng tôi ra cầu Dinh thuộc làng An Ninh Ngoại, gọi tắt là An Ngoại. Trong làng này có giáp Dinh gần tả ngạn kênh Sài (từ 1890 là sông Kinh Thầy), nên bến này gọi là bến Dinh thuộc làng An Ninh Ngoại (An Ngoại), tổng Phù Lưu, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn. Nay thuộc thôn Một xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Còn bên hữu ngạn sông thuộc làng Nhất Sơn, tổng Phù Lưu, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay thuộc phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Cầu Dinh được khánh thành vào năm 2021, nối tuyến giao thông giữa huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, Hải Dương, kết thúc vai trò của con đò ngang hơn một ngàn năm hoạt động.
.

           NGỌC TÔ
.