VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
CÁT BI - HẢI PHÒNG CÓ TỪ BAO GIỜ?
Sau Hiệp định Paris (27/01/1973), sân bay Cát Bi được nâng cấp và duy tu bảo dưỡng, trở thành điểm nóng cho máy bay vận tải C130 của Mỹ chở các thiết bị tới để rà phá bom mìn, thủy lôi…CÁT BI - HẢI PHÒNG CÓ TỪ BAO GIỜ?
.
Theo Bản đồ huyện An Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương thời Đồng Khánh (1886), hay Thần sắc của xã (làng) Cát Bi, tổng Trực Cát, thì tên xã (làng) này được gọi là Cát Bì (葛皮) thuộc tổng Trực Cát, huyện An Dương, phủ Kinh Môn (từ 1837 thuộc phủ Kiến Thụy), trấn Hải Dương. Trong đó từ Cát (葛) là tên Nôm, nghĩa là cát đất. Còn từ Bì (皮) cũng là tên Nôm, nghĩa là bề ngoài, còn được gọi là Bi. Và hai từ Cát Bi này (葛皮) có nghĩa là phía ngoài của dải cát, hay bãi ngoài của Trực Cát (直葛), mà hai từ này có nghĩa là bãi cát cao, thẳng.
Còn theo “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” NXB Hải Phòng năm 1998, hay sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” NXB Khoa học Xã hội năm 1981, thì hai từ Cát Bi (葛陂) lại có nghĩa khác là hồ cát, hay ao cát. Chúng tôi không tranh luận tư liệu nào đúng, tư liệu nào sai, phần này giành cho độc giả tự phán quyết. Bên cạnh làng Cát Bi còn có làng Cát Khê ((葛溪) nghĩa là khe cát, tức bãi cát thấp. Do vậy cái tên Cát Bi ra đời sau địa danh Trực Cát (nay thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng).
Rồi trang 67 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” ghi: Trước năm 1945 là xã Cát Bi, tổng Trực Cát, huyện Hải An, tỉnh Kiến An. Tên gọi có muộn nhất trước thế kỷ XVII. Chưa rõ tên Cát Bi có từ bao giờ. Trong “Việt sử lược” thời Trần có chép về vùng này: Năm Mậu Tuất, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 5 (1058)… Mùa thu, tháng 9, vua ngự ra cửa biển Ba Lộ, nhân đó ngự ra chỗ xây tháp Đồ Sơn”. Người dịch chú thích cửa biển Ba Lộ chắc là cửa Đồ Sơn (cửa Lạch Tray). Đối chiếu với văn bản chữ Hán, địa danh Ba Lộ hay Bi Lộ chắc sau đổi là Cát Bi. Xét lộ trình, thì cửa Ba Lộ chính là cửa biển gần địa phận thôn Cát Bi ngày nay. Chữ Bi có thể đọc là Ba. Vậy Bi Lộ hay Ba Lộ phải chăng là tên của Cát Bi thời Lý (?)… Đình Cát Bi thờ 2 vị Thành hoàng là Ngô Vương Thiên Tử, tức Ngô Quyền và Phạm Tử Nghi…”.
Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy tác giả viết trong trang 67 trên chưa thật có logic. Hai con sông khác nhau nằm ở hai vị trí khác nhau, một ở phía Nam và một ở phía Bắc của huyện An Lão cổ (sau 1469 là Nghi Dương và sau 1945 là Kiến Thụy) đổ ra biển và hai cửa biển khác nhau là cửa Ba Lộ, tức cửa Đại Bàng hay Để Hải (từ cuối thế kỷ XIX là Văn Úc) và cửa Nại Hải (từ cuối thế kỷ XIX là Lạch Tray). Hai vị trí cửa biển này cách nhau khá xa, không liên quan gì tới nhau và vào thời Hậu Lý (1010 – 1225), thì cửa sông Nại còn ở sâu đất liền phía Tây Bắc huyện An Dương ngày nay. Hay từ Bi tiếng Hán, kể cả tiếng Nôm không có liên quan gì tới từ Ba?
.
.
Hay tác giả làm “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” lại hạ ngôi của một vị vua quyền quý Ngô Vương Thiên Tử (Ngô Quyền) thành Thành hoàng làng Cát Bi và theo luật không bao giờ có bất kỳ vị “con Trời” nào trị vì thiên hạ lại bị giáng xuống làm “Trưởng thôn” như vậy. Còn thần Nam Hải Đại Vương chắc chắn không phải là Tướng quân nhà Mạc (1527 – 1592) Phạm Tử Nghi, mặc dù có thể ông được nhiều làng xã vinh danh lập đền thờ.
Khi nghiên cứu về nội đô thành phố Hải Phòng (4 quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và Hải An) trong tập “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian”, chúng tôi đã chứng minh phần đất có sớm nhất phía Tây Bắc quận Hồng Bàng thời nay xuất hiện từ thời Hậu Lý (1010 – 1225), còn các vùng đất phía Đông Nam nội đô có muộn hơn và càng về phía sát biển càng được hình thành về sau. Do vậy, mảnh đất Cát Bi nằm phía Đông Nam nội thành Hải Phòng mới được hình thành khoảng vài trăm năm nay.
Tại mảnh đất Cát Bi này có nhiều sự kiện gắn liền với lịch sử hào hùng của thành phố và đất nước. Vào thời gian đầu chiến tranh thế giới lần II (1939 – 1945), người Pháp đã tiến hành xây dựng sân bay Cát Bi. Lúc đầu chỉ có một đường băng dài 2400 mét, ngang 50 mét. Từ năm 1952 – 1953, thực dân Pháp mở rộng và nâng cấp sân bay này để phục vụ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Rồi vào đêm ngày 07 tháng 03 năm 1954 quân đội nhân dân Việt Nam đã tập kích sân bay Cát Bi và phá hủy 59 máy bay các loại. Đây là chiến công lớn nhất của quân dân ta về việc tiêu hủy lực lượng không quân của địch trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Sân bay cháy liên tục 17 giờ liền và góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cũng như việc giải phóng đất nước.
Sau Hiệp định Paris (27/01/1973), sân bay Cát Bi được nâng cấp và duy tu bảo dưỡng, trở thành điểm nóng cho máy bay vận tải C130 của Mỹ chở các thiết bị tới để rà phá bom mìn, thủy lôi… mà chúng đã bao vây, phong tỏa cảng Hải Phòng thời gian trước đó. Rồi từ năm 1985, sân bay Cát Bi được khôi phục trở thành sân bay quốc tế. Lúc đầu chỉ có tuyến Hải Phòng – thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mở thêm nhiều tuyến nội địa và quốc tế. Đứng trước Phi trường quốc tế Cát Bi, bao cảm xúc trong tôi trào dâng và mấy vần lục bát ra đời:
Cát Bì còn gọi Cát Bi
“Bãi ngoài Trực Cát” khắc ghi trong lòng
Mấy nhà từ điển lòng vòng
Biến thành “hồ cát” lạ lùng thật hay?
Đồ Sơn sóng biển ngất ngây
Cách xa muôn dặm tỉnh say cuộc đời
Cho rằng sát Cát Bi thôi
Hồn làng ai rạch bên trời hoàng hôn?
NGỌC TÔ
.
Các tin khác
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
-
PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
-
QUÁ TRÌNH THI CÔNG SÔNG CHANH DƯƠNG - VĨNH BẢO
-
VĨNH BẢO ĐÒ ƠI!