VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Thơ
CÁT HẢI – BƯỚC CHÂN THEO DỌC THỜI GIAN
/Bính Thân(20) xúc cảm dạt dào. Về với chàng Cảng(21) tình trao mặn nồng./ Thơ NTCÁT HẢI – BƯỚC CHÂN THEO DỌC THỜI GIAN
.
Bước chân theo dọc thời gian
Từ ngày khai khẩn đất hoang xanh bờ
Châu Giao (1) thời Hán ngác ngơ
Vạn Xuân – Tiền Lý(2) bất ngờ trổ hoa
Đường trường Bắc thuộc lần ba(3)
Hết “Giao” lại đến “Nam” xa xót buồn
Tĩnh Hải Quân(4) tím hoàng hôn
Thời Ngô(5) châu Lục bồn chồn chiêm bao
Đinh - Tiền Lê(6) tiết hanh hao
Tư Phong tỏa nắng rót vào Triều Dương
Vĩnh An thời Lý(7) vấn vương
Thời Trần(8) mắc cạn tình trường Hải Đông
Văn Phong ai thả hương nồng
Thời Hồ(9) man mát nỗi lòng An Bang
Thời Minh(10) thuộc phủ Tân An
Chi Phong ngúng nguẩy ngả sang An Hòa
Lê sơ(11) năm tháng vỡ òa
An Bang thả giấc mơ hoa gọi tìm
Hoa Phong(12) thời Mạc lặng im
Lê – Tây(13) mê hoặc đắm chìm ngày xanh
Yên Quảng lên thác xuống ghềnh
Tam niên Minh Mạng(14) tròng trành Quảng Yên
Nhớ năm Thiệu Trị nguyên niên(15)
Nghiêu Phong tình mới nên duyên tơ hồng
Đôn Lương(16) thủ phủ bềnh bồng
Hơn ngàn đảo ngọc trập trùng khơi xa
Canh Dần(17) hương biển đậm đà
Hanh heo Cát Hải thiết tha bốn mùa
Cát Bà(18) hay Các Bà xưa
Bao nhiêu nàng Cát(19)… xanh mờ chiêm bao
Bính Thân(20) xúc cảm dạt dào
Về với chàng Cảng(21) tình trao mặn nồng.
__________
Chú thích, (1): 202 – 544, Bắc thuộc lần 2 thuộc châu Giao; (2): 544 – 602 Tiền Lý, thuộc động Thục Long, quận Hải Ninh, quốc gia Vạn Xuân; (3): 602 – 866, lúc đầu thuộc châu Giao, sau thuộc chỉ Giao, tiếp theo thuộc An Nam, rồi Trấn Nam và cuối là An Nam; (4): 866 – 968, tên gọi nước ta từ cuối Bắc thuộc lần III đến hết thời loạn 12 sứ quân. Lúc đầu gồm 12 châu (Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An, Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn); (5): Thời nhà Ngô (939 – 967) lãnh thổ Tĩnh Hải Quân bị mất 4 châu do nhà Hán chiếm (Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An, nay thuộc Quảng Tây). Cát Bà thời này thuộc huyện Ân Phong, châu Lục; (6): 970 – 1009, thuộc h. Tư Phong, lộ Triều Dương; (7): 1010 – 1225, h. Tư Phong thuộc lộ Vĩnh An; (8): 1225 - 1400, h. Chi Phong (trước đó là h. Tư Phong, châu Vĩnh An) thuộc lộ Hải Đông; (9): 1400 – 1407, huyện này còn có tên khác là Văn Phong, thuộc lộ An Bang; (10): 1407 – 1427, h. An Hưng đổi thành An Hòa và Chi Phong nhập vào huyện này; (11): 1428 – 1526 h. Chi Phong được tách ra thuộc thừa tuyên An Bang; (12): 1527 - 1592, h. Chi Phong đổi thành Hoa Phong thuộc đạo An Bang; (13): Thời Lê trung hưng và Tây Sơn, h. Hoa Phong thuộc trấn An (Yên) Quảng; (14): Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) trấn Yên Quảng đổi thành trấn Quảng Yên; (15): Năm 1841, vì kiêng tên húy của mẹ vua Thiệu Trị, nên Hoa Phong đổi thành Nghiêu Phong thuộc trấn Quảng Yên; (16): Thủ phủ của Hoa Phong, Sơn Định, Nghiêu Phong và Cát Hải tại xã Đôn Lương sát Hòa Hy; (17): Năm 1890 phủ Nghiêu Phong được thành lập gồm h. Cát Hải (gồm hầu hết các đảo thuộc Vịnh Hạ Long) và h. Vân Hải (bao gồm hầu hết các đảo của vịnh Bái Tử Long). Phủ này kiêm nhiếp huyện Cát Hải đến đầu thế kỷ XX; (18): Trước là đảo Các Bà, đến đầu thế kỷ XX chính thức mang tên Cát Bà; (19): Phần đồng bằng của Cát Bà, Cát Dứa, Cát Cò, Cát Lán, Cát Nang, Cát Ngang, Cát Ông, Cát Để, Cát Đuối… và Cát Hải được hình thành vào thời Hậu Lê (1428 – 1788); (20): Từ 05/06/1956 huyện Cát Hải và thị xã Cát Bà được cắt về Hải Phòng, đến 1957 thì tách thành hai huyện, năm 1959 Cát Bà có thêm xã Bạch Long Vỹ, năm 1992 thì Bạch Long Vỹ tách thành huyện riêng. Đến năm 1977 Cát Bà và Cát Hải lại hợp nhất; (21): Đất Cảng, tên gọi khác của thành phố Hải Phòng.
.
Đê biển dài nhất Đông Dương tại Cát Hải
NGỌC TÔ