VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Thơ
LẦN THEO "THẬP BÁT TRANG AM".
/Ai về mảnh đất Gia Lâm. Làng Hoa tình gửi thì thầm duyên trao?/ Thơ NTLẦN THEO "THẬP BÁT TRANG AM".
.
Lần theo “thập bát trang Am”(1)
Biển Kim(2) trước mặt ngút ngàn sóng xô
Quán Trung Tân(3) gọi đôi bờ
Nối bao thương nhớ sững sờ làng Trung(4)
Làng Tiền phía trước thẹn thùng
Phía sau làng Hậu cánh đồng mơ xanh
Làng Thượng quả chín trĩu cành
Làng Hạ, trống đánh(5) thùng thình vang xa
“Thỏi vàng nang chữ”(6) hào hoa
Câu ca làng Cổ quê ta bao đời
Làng Lãng khấp khởi bồi hồi
Nghinh Phong(7) còn đó bên trời già nua
Làng Dương như bị bỏ bùa
Bởi em làng Ngải đòng đưa tơ mành
Làng Bào nắng gió rập rình
Làng Tiên lên thác xuống ghềnh kế bên
Làng Nam chợ họp ngày đêm
Làng Đông thổn thức giữa miền cao dao
Làng Đoài(8) nỗi nhớ chênh chao
Làng Vân(9) phiêu giấc chiêm bao Thái Bình
Làng Mai(10) ẩn dật dưới sình
Làng Vạn(11) giấu tít phận mình biệt tăm
Ai về mảnh đất Gia Lâm
Làng Hoa(12) tình gửi thì thầm duyên trao?
__________
(1): Câu ca cổ ở huyện Vĩnh Lại “Thập bát trang Am sang Nam mất một”.
(2): Thời Mạc đoạn sông ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng là sông Kim, còn cửa biển này là cửa biển Kim, nay là sông Thái Bình. Biển lúc đó còn ở khu vực cuối huyện Vĩnh Bảo ngày nay.
(3): Lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm trả áo từ quan, về quê mở trường dạy học vào mùa thu năm Quảng Hòa thứ 2 (1542) và đặc biệt trong văn bia quán Trung Tân bên hữu ngạn sông Kim thời ấy đã nhắc tới Trung Am.
(4): Trung Am là tên Hán Việt có nghĩa là làng Trung, còn Tiền Am nghĩa là làng Tiền, Hậu Am là làng Hậu, Hạ Am là làng Hạ, Cổ Am là làng Cổ, Đông Am là làng Đông,.v.v.
(5): Câu ca: “Quan làng Đồng, chuông làng Cống, trống làng Hạ, khoa bảng làng Dương, đình làng An Quý” thuộc tổng Hạ Am, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo.
(6): Câu ca có từ xa xưa của đất học Cổ Am
(7): Cầu đá Nghinh Phong do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đứng ra hưng công qua con mương thuộc cánh đồng làng Lãng Am, nay là thôn Lạng Am, xã Lý Học.
(8): Đoài Am hay Tây Am là một
(9): Vân Am, sau này bị cắt cho tổng Yên Bái, huyện Thụy Anh, nay thuộc xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, Thái Bình.
(10): Mai Am bị mất vào cuối thế kỷ XVII do “con sông bên lở bên bồi”, còn cư dân xã này về sinh sống tại Bái Khê, Trung Am và Hậu Am.
(11): Vạn Am, sau đổi thành Vạn Tuyền, từ thời Thiệu Trị đổi thành Vạn Hoạch.
(12): Cái tên Hoa Am, đến thời Thiệu Trị (1841) do phạm húy đổi thành Thanh Am, nay thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt. Cư dân nơi đây họ coi mình là am thứ 19 của lục tổng khu dưới Vĩnh Bảo.
NGỌC TÔ