/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

VÀI CẢM NHẬN KHI XEM PHIM BỐ GIÀ (WEB DRAMA) CỦA TRẤN THÀNH

iết vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (Web drama) để tặng con trai yêu Đặng Tuấn Hưng khi 2 giờ sáng thấy con viết trên tin facebook: “Xem phim Bố Già (chiếu rạp) thấy nhớ Bố quá”.

VÀI CẢM NHẬN KHI XEM PHIM BỐ GIÀ (WEB DRAMA) CỦA TRẤN THÀNH

*

       BỐ GIÀ (Web drama) là bộ phim giải trí, đậm đặc chất thương mại, thực hiện rất kỹ ngay từ khâu viết kịch bản. Từ việc quy tụ các ngôi sao "ăn khách", các "hiện tượng mạng" đã được Trấn Thành cẩn thận "đo chân đóng giày" (cho diễn viên thể hiện) với từng hình tượng nhân vật để hút fan tới rạp, đến việc lồng quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ... vào phim đều được tác giả kịch bản kiêm nhà sản xuất Trấn Thành khéo léo "bày binh bố trận" theo đúng chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp.

       Kịch bản được viết theo kiểu "đo chân đóng giày" cho từng vai diễn nên các diễn viên có nhiều đất diễn để tròn vai. Ví như: “Má Ngọc Giàu” diễn tự nhiên, rất đời, khiến những tình tiết trong các phân đoạn có sự xuất hiện của nghệ sĩ Ngọc Giàu trở nên chân thực, sống động. Hay như Khả Như xuất hiện chỉ thoảng qua nhưng cô vẫn kịp để lại dấu ấn khó quên bởi sự xinh đẹp và nét duyên của cô trong vai diễn có nhiều nét hài tình huống. Hoặc Trúc Nhân, chàng ca sĩ nổi đình đám với những ca khúc: "Bốn chữ lắm", "Thật bất ngờ".... vẫn nhí nhố đáng yêu trong tạo hình một chàng "bóng lẹo hám trai". Đặc biệt là Lê Giang, với lối diễn “thật như thật” đã làm “mồi” để nâng cảm xúc, kéo Trấn Thành nhập vai diễn...

       Sở dĩ phim Việt Nam những năm gần đây thường bị khán giả quay lưng có nhiều nguyên nhân, trong đó có khâu kịch bản thiếu thực tế, không đưa được hơi thở thực của cuộc sống vào trong phim... "BỐ GIÀ" (Web drama) của Trấn Thành đã làm rất tốt ngay từ khâu viết kịch bản, đã đưa được những lát cắt "phổ cập" của cuộc sống vào trong phim mà các gia đình người Việt Nam ít hay nhiều đều có.

       Báo chí ca ngợi Trấn Thành quá nhiều khi anh đảm nhận vai ông bố (Ba Sang) trong BỐ GIÀ chiếu ở rạp, coi đó là “hiện tượng”, và khen ngợi Trấn Thành thực sự đã trở thành “diễn viên ngôi sao”... Chưa xem phim BỐ GIÀ chiếu ở rạp nên tôi không biết Trấn Thành có xứng đáng với những lời khen ngút ngàn về diễn xuất như vậy hay không nhưng xem BỐ GIÀ (Web drama) thì tôi thấy anh đã hoàn thành vai diễn khá tốt. 

       Tuy vậy, xem Trấn Thành diễn trong BỐ GIÀ (Web drama), tôi thấy anh trội về diễn hài nhưng đuối về diễn bi. Chẳng hạn, ở cảnh quay Sang (Tuấn Trần) chịu thay ông Thành (Trấn Thành) nhát dao đâm trả thù của bọn cướp, Trần Thành diễn khá đơ, nhất là khi quay cận cảnh khuôn mặt ông Thành, Trấn Thành không những để lộ khả năng diễn bi không giỏi còn “tố” tay nghề nghiệp dư của anh. Cũng may, chỉ sau vài nhịp, Trấn Thành đã nhập vai trở lại, cùng Tuấn Trần lấy nước mắt của khán giả. Ở những thước phim này, diễn viên trẻ Tuấn Trần vào vai khá nhuyễn và chính sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý của cặp đôi bố con Thành - Sang đã cống hiến cho khán giả những thước phim "chân thực", lột tả được tình cha con đang hiện hữu trong cuộc sống đời thường. 

       Hay như ở những thước phim cuối của tập 4, ở cảnh quay Sang (Tuấn Trần) đặt con dao ở bàn và nói: -“Ba sinh một đứa con, ba cho nó sự sống nhưng ba không cho nó sống theo cách mà nó muốn sống thì lấy lại đi!”. Ở cảnh quay này, đạo diễn cho ông Thành đấm Sang 2 cú đấm không đủ mạnh chỉ mang tính chất hù dọa vì tức giận rồi đổ sập người xuống là hợp lý, phù hợp với tâm lí và tính cách của ông Thành: ngoài cứng trong mềm, yêu con hết mực; vì bực mà đánh con nhưng vẫn sợ con đau nên 2 cú đấm "tung ra" chỉ "nửa vời", rồi bất lực đổ gục người xuống. Ở cảnh quay này, Trấn Thành chưa diễn bật được: thành trì cứng rắn của người cha gia trưởng và cố chấp (vì sợ con không phát triển được sự nghiệp sẽ nghèo khổ) bị thách thức, bị đe dọa sụp đổ (nhưng chưa sụp đổ) trước phản kháng của Sang. Hình ảnh ông Thành, qua cách diễn của Trấn Thành đã trở thành ông bố nhu nhược, yếu đuối, dễ đầu hàng, thoái lui. Tôi nghĩ, đấy không phải là hình tượng nhân vật trong ý đồ của tác giả kịch bản, của đạo diễn phim BỐ GIÀ (Web drama). Và tôi thấy cũng lạ là Trấn Thành diễn nội tâm không giỏi mà đạo diễn (hình như) lại thích khai thác quay cận cảnh những cảnh đòi hỏi diễn viên phải là người thực sự có nghề! Rất may, Trấn Thành cũng có những thước phim diễn nội tâm khá tốt, ví như khi phân đoạn Sang nằm cấp cứu trong bệnh viện (tập 5): người xem đã thấy được những đau đớn, những giằng xé, những ân hận, xót xa và nỗi bi ai tuyệt vọng trong con người ông Thành qua ánh mắt, giọng nói và nét mặt của diễn viên Trấn Thành.  

       (Vai Sang, một trong những vai chính của BỐ GIÀ (Web drama), do diễn viên trẻ Tuấn Trần đảm nhiệm cũng để lại ấn tượng tốt với người xem. Tuy nhiên, vai diễn này cũng có những hạt sạn để người xem dễ dàng nhận ra đấy là sản phẩm tay nghề của diễn viên nghiệp dư ví như khi ở phân đoạn Sang tập bài cùng nhóm nhạc, vô tình bị bố Thành (Trấn Thành) bắt gặp, ở cảnh quay này Tuấn Trần diễn (bị) thoát vai, người xem không thấy nhân vật Sang mà chỉ thấy người mẫu Tuấn Trần đang làm mẫu ảnh.)

       Xem 5 tập BỐ GIÀ (Web drama), đã thấy rõ những nét diễn chuyên nghiệp của diễn viên Trấn Thành nên tôi tin: khoảng thời gian từ 2020 với BỐ GIÀ chiếu trên mạng đến 2021 với BỐ GIÀ chiếu ở rạp, đủ để một người đa tài và đầy tham vọng chinh phục những thành công như Trấn Thành có thể tỏa sáng như những lời khen của báo giới.

       Viết vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (Web drama) để tặng con trai yêu Đặng Tuấn Hưng khi 2 giờ sáng thấy con viết trên tin facebook: “Xem phim Bố Già (chiếu rạp) thấy nhớ Bố quá”.

*.

Hà Nội, chiều 29 tháng 04-2021

ĐẶNG XUÂN