/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

Những "thoáng" Trung Trung Đỉnh

Ông trầm ngâm một lúc rồi buông giọng thẫn thờ: Chắc tháng sau tôi lại phải đi Tây Nguyên thôi….

Những "thoáng" Trung Trung Đỉnh


Khi tôi về Văn nghệ Quân đội thì Trung Trung Đỉnh đã chuyển sang Báo Văn nghệ. Lâu lâu ông mới lại đảo về thăm một thoáng. Lần nào ông cũng nhắc tôi nhanh nhanh đưa vợ con ra đi. Phải mấy năm sau tôi mới thực hiện được cái việc khó khăn này. Và ngay trong một cuộc rượu sau đó, Trung Trung Đỉnh nheo nheo mắt cười với tôi: "Bây giờ thì tao mới yên tâm là mày… không hỏng! Mày mà hỏng thì tao có tội với vợ con mày!".

Năm 2000, tôi vừa tập tọng vào nghề viết, sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ thuật Kon Tum. Thời đó điện thoại di động chưa có nên bỗng một hôm nhạc sĩ Đặng Cường, Phó Chủ tịch Hội phi xe lên tận đơn vị tìm tôi, nói Thụy xuống Hội ngay, có Trung Trung Đỉnh từ Hà Nội vào muốn gặp. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được diện kiến "nhà văn Trung ương" nên hớn hở lắm. Nhưng vừa gặp, ông nhà văn da ngăm, tóc xù, dáng vẻ rất… "đồng bào" nhìn tôi dội ngay một thùng nước lạnh: "Tao thấy cái truyện "Chuyện không muốn kể" của mày trên bàn của lão Huân (nhà văn Nguyễn Trí Huân, khi đó là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Tao thấy lão ấy cứ nâng lên đặt xuống nên mới đọc thử. Đ. in được đâu!".

Thấy tôi ngồi đớ ra, Trung Trung Đỉnh vỗ về: "Đấy là tao đoán thế thôi. Nhưng mà công nhận là cái truyện ấy được. Thế nên tao mới tìm mày. Cũng như ngày xưa tao tìm thằng Khuất Quang Thụy ấy".

Thế rồi ông kể ào ào: "Những năm đó Khuất Quang Thụy nổi lắm. Kí sự chiến trường "Lửa và Thép", rồi truyện ngắn, thơ nóng hôi hổi không khí chiến trường của nó được in sừng sững trên trang nhất các báo và tạp chí ở Hà Nội, rồi được đọc hằng đêm trên Đài Tiếng nói Việt Nam, lính Tây Nguyên rất mê. Lúc ấy tao là lính Tỉnh đội Gia Lai, cũng đã có truyện, thơ in báo, vậy mà còn phải bái vọng nó làm sư phụ. Tao đã lặn lội 40km đường rừng đầy rẫy bom mìn, biệt kích từ huyện Măng Yang (Gia Lai) lên Đăk Uy (Kon Tum) để chỉ xin được… ngắm nó một cái cho thoả. Hôm ấy nó đang ở giữa Sở chỉ huy Sư đoàn 320, được canh gác cẩn mật. Tao cứ nằn nì xin gặp mãi đến mức mấy tay vệ binh… sinh nghi, hỏi nhau: Tên này rất có thể là… thám báo, chứ lính quèn thế kia làm sao quen được một người nổi tiếng như thủ trưởng Khuất Quang Thụy!".

Câu chuyện vui làm chúng tôi cùng cười tóa, xóa hết khoảng cách ban đầu. Gặp chỉ một thoáng, Trung Trung Đỉnh nói: "Chào thi đua quyết thắng" rồi đi vào một làng đồng bào nào đó rất xa.

Hai năm sau, một ngày chủ nhật, trong lúc tôi đang ở đơn vị thì một chiếc xe U-oát biển đỏ thắng gấp trước nhà tôi ở làng quân nhân Đăkbla, Kon Tum. Trước đó nhà tôi chỉ toàn có ôtô tải dừng bánh, và tới thăm nhà chỉ toàn là bạn bè lái xe và sĩ quan cấp uý. Thế nên khi thấy hai ông đại tá quân hàm quân hiệu sáng quắc lễ mễ bê quà vào nhà vồn vã tặng và ân cần hỏi han mấy đứa nhỏ thì vợ tôi kinh hãi lắp bắp: "Các… thủ trưởng có… nhầm nhà không ạ?". Đến khi hai ông tự giới thiệu là nhà văn từ Hà Nội vào tìm Đỗ Tiến Thụy thì vợ tôi… càng nghi ngờ, vội vàng đạp xe vào đơn vị gọi tôi về.

 

 

Hoá ra là hai nhà văn Trung Trung Đỉnh và Sương Nguyệt Minh. Sương Nguyệt Minh nói với tôi: "Hiện giờ chú đã đặt được một chân vào nhà số 4 (tức số 4 Lý Nam Đế, địa chỉ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Chân kia chú phải đặt vào… Trường Viết văn Nguyễn Du!". Đến lúc ấy thì tôi hiểu, các anh đã có ý "nhổ" tôi khỏi đơn vị đưa về Văn nghệ Quân đội nhưng phải qua cái "ải" là một trường đại học. Năm đó tôi đã 32 tuổi. Việc đi học Trường Viết văn Nguyễn Du là một việc khó khăn. Kiến thức phổ thông đã bỏ 14 năm, trong khi khoá 7 Nguyễn Du đã đến ngày tuyển sinh, không có thời gian ôn văn hoá, chắc gì đỗ. Tôi nêu băn khoăn ấy, lập tức nhà văn Trung Trung Đỉnh bảo: "Chú yên tâm. Cả Nhà số 4 sẽ làm cổ động viên cho chú!". Và ông quay sang vợ tôi nói bằng giọng nghiêm trang: "Anh xin phép em cho thằng Thụy đi học!". Vợ tôi trước đó vốn chẳng quan tâm văn vẻ, lại nghe nói phải học những bốn năm trong khi các con còn nhỏ nên rất hoang mang. Nhưng thấy hai ông nhà văn tư cách sáng ngời quả quyết là sẽ "chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của thằng Thụy" nên cũng xuôi xuôi: "Em không biết, có gì em cứ bắt đền hai bác!".

Khi tôi đã vào trường rồi, vợ tôi ở Tây Nguyên rất yên tâm là "đã có bác Đỉnh, bác Minh giám sát". Nhưng kì thực chẳng mấy khi tôi được gặp Trung Trung Đỉnh. Ông cứ thoắt nay đây mai đó như chim. Tôi học được mấy tháng mới gặp được ông một thoáng. Ông mua thịt heo quay gói vào một tờ giấy báo mang đến một quán bia hơi gần trường rồi gọi tôi ra. Từng là lính đi học Nguyễn Du khóa 1 nên ông rất hiểu những khó khăn tôi đang trải. Trong câu chuyện, ông không khuyên nhủ gì về văn chương mà xui tôi… viết báo. "Viết báo lấy tiền mà ăn học, còn lương thì phải gửi về cho vợ nó nuôi con!".

Phải cả năm sau, một hôm Trung Trung Đỉnh gọi điện mời Nguyễn Thế Hùng và tôi tới nhà chơi. Ngôi nhà nằm hun hút trong "ngõ lỗ thủng" khu Bệnh viện Giao thông Vận tải nên ông phải ra tận đầu đường đón. Khi bước chân vào nhà ông, chúng tôi ngỡ ngàng. Một không gian Tây Nguyên bề bộn. Trên tường treo la liệt ống tên, cánh ná, mũi lao, cồng, chiêng… Dưới sàn ngổn ngang ghè ché… Và tranh. Rất nhiều tranh treo ở phòng khách, phòng viết và cả… nhà bếp, có chung đề tài Tây Nguyên: Cảnh ăn trâu, cảnh bỏ mả trong lễ hội Pơthi, cảnh hoàng hôn bên rừng, bình minh bên suối… Ông chỉ vào những bức tranh khoe: "Của bọn họa sĩ Tây Nguyên tặng tao đấy". Rồi ông say sưa kể rằng, lúc mới treo những bức tranh này trong nhà, ông đã tự định giá cho mỗi bức bằng… ngoại tệ. Tranh của A Nhú: giá 1.000 USD; tranh của Phùng Sơn: giá 1.200 USD; tranh của Viết Huy: giá 1.300 USD; tranh của Su Man: giá 2.000 USD... Mỗi lần có khách đến chơi, ông lại chỉ vào những bức tranh giới thiệu với giọng tự hào: "Đây là tranh của các họa sĩ tài năng nhất Tây Nguyên! Các ông thấy có đẹp không? Đẹp đến mê man đi ấy!". Tưởng chỉ giới thiệu cho vui, ai dè nhiều vị khách cả ta lẫn Tây xem tranh xong thì đòi mua và "trả đúng giá đã ghi"! Đến lúc ấy thì Trung Trung Đỉnh choáng. Giải thích thế nào khách cũng không nghe, mà bán đi thì dứt khoát là không được. Ông liền bóc hết giá cũ trên mỗi bức tranh rồi thay vào một biển giá mới: VÔ GIÁ…

Khoe hết đồ Tây Nguyên trong nhà, Trung Trung Đỉnh đưa chúng tôi lên sân thượng để: "Cho chúng mày xem một thứ nữa cũng thuộc hàng vô giá". Tưởng cái gì, hóa ra một… cây cà!

Chúng tôi đứng quanh cái chậu sứ trồng cây cà ấy, dù chỉ một thoáng thôi, nhưng là một thoáng quan trọng để tôi hiểu hơn về Trung Trung Đỉnh. Khác với tính hay đùa tếu mọi ngày, hôm ấy ông đã trầm giọng rưng rưng kể về một thời trong quãng đời ông...

Những năm chiến tranh, Tây Nguyên bị địch càn quét khốc liệt. Bom đạn, thuốc độc khai quang đã phá tan hoang nương rẫy. Đồng bào và bộ đội phải đối mặt thường xuyên với cái đói. Đói cơm và đói muối. Thức ăn chủ yếu là sắn. Sắn mà ăn không có muối thì rất khó nuốt. Bởi thế những người du kích Bahnar đã tìm được một loại cà mọc hoang trên những rẫy cũ làm thức ăn kèm. Quả loại cà này rất đắng. Đắng đến nỗi lần đầu tiên ăn thử anh lính Phạm Trung Đỉnh không nuốt nổi. Thế nhưng nhai một lúc thì thấy vị đắng ấy từ từ tan ra quện với vị bùi của sắn tạo nên một hương vị ngon lạ lùng. Ngon đến mức nghiện. Trung Trung Đỉnh đã nghiện món cà đắng Tây Nguyên ấy nên một lần vào Gia Lai ông đã mang bằng được một cây về trồng. Ông hồi hộp dõi theo từng ngày cây lớn lên…

"Khi nào có quả, tao sẽ gọi chúng mày tới ăn", ông hứa thế và chúng tôi đã đợi. Nhưng mãi không thấy ông gọi. Sau này chúng tôi mới biết, cây cà nhà ông được tưới bằng nước máy, bón phân vi sinh và hít thở không khí phố phường cũng đã cho ra những quả cà căng bóng, đẫy đà. Chỉ có điều nó lại mang vị… ngọt!

Khi tôi về Văn nghệ Quân đội thì Trung Trung Đỉnh đã chuyển sang Báo Văn nghệ. Lâu lâu ông mới lại đảo về thăm một thoáng. Lần nào ông cũng nhắc tôi nhanh nhanh đưa vợ con ra đi. Phải mấy năm sau tôi mới thực hiện được cái việc khó khăn này. Và ngay trong một cuộc rượu sau đó, Trung Trung Đỉnh nheo nheo mắt cười với tôi: "Bây giờ thì tao mới yên tâm là mày… không hỏng! Mày mà hỏng thì tao có tội với vợ con mày!".

Từ ngày Trung Trung Đỉnh sang làm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi chỉ được gặp ông… trên mạng. Ông có thói quen online dù đang ở Việt Nam hay nước ngoài. Hễ thấy tôi sáng đèn ở nick chat yahoo là ông nhảy vào: "Chào thân ái và quyết thắng". Một lần tôi hỏi: "Bác đang ở đâu thế?" thì nhận được câu trả lời bất ngờ: "Tao đang chăn bò ở Canada!".

Ông hay đi thế nên bạn bè các nơi về Hà Nội muốn gặp cũng khó. Năm 2011, nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ từ Kon Tum ra đã mang theo một món quà đặc biệt dành tặng Trung Trung Đỉnh: cà đắng. Đây đúng là loại cà mọc lên từ đất bazan khát và hút khí trời cao nguyên nắng lửa. Tôi gọi điện thông báo, Trung Trung Đỉnh nghe tin mừng đến mức reo toáng lên trong máy: "Thế á? Tuyệt vời! Nhưng tao đang đi công tác Thái Nguyên. Mày giữ hộ gói cà cho tao cẩn thận nhé!".

Gói cà đắng dễ đến năm chục quả, to dài như quả dưa chuột, có màu xanh ngắt như lá rừng. Chả biết bao giờ "đại ca" mới về, thế nên tôi đem gói cà lên gửi tủ lạnh nhà Nguyễn Thế Hùng.

Đúng một tuần sau thì Trung Trung Đỉnh bổ đến phòng tôi hỏi giật: "Cà đắng của tao đâu?". Tôi gãi đầu thú nhận: "Nó đắng quá. Nên em và thằng Nguyễn Thế Hùng đã… ăn hết mất rồi!". Trung Trung Đỉnh trợn mắt lên quát: "A, các chú láo! Có ăn thì cũng phải để dành cho tôi một quả chứ. Tôi thèm lắm rồi đấy!". Ông trầm ngâm một lúc rồi buông giọng thẫn thờ: "Chắc tháng sau tôi lại phải đi Tây Nguyên thôi…".

Đỗ Tiến Thụy
Theo VNCA