/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

TÒA ĐẠI SỨ MỸ, TRẬN ĐÁNH TẾT MẬU THÂN 1968

Họ là những chiến sĩ cảm tử, họ sẽ sống mãi cùng non sông.

TÒA ĐẠI SỨ MỸ, TRẬN ĐÁNH TẾT MẬU THÂN 1968

.
       Mã Thiện Đồng- kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công nổi dậy tết mậu thân-Trận tiến công của biệt động Sài Gòn vào Tòa Đại sứ quán Mỹ Tết Mậu Thân 1968, là một bản anh hùng ca bất tử: “Tòa Nhà Trắng ở phương Đông” bị tấn công! Vì tất cả đều đã hy sinh, nên diễn biến trận đánh vào Tòa Đại sứ ra sao, sau đó không ai biết rõ.

                                                    Ảnh tư liệu: nguồn Internet

16 người đã hy sinh hết tại trận!.. Trong 16 thi thể của đội biệt động Sài Gòn tại Đại sứ quán Mỹ, có một người, dù đã bất tỉnh, nhưng còn thở; được người Mỹ chữa cho, sống lại. Sau bẩy năm được trao trả tù binh trở về. Vậy là còn một người sống sót; đó là đội trưởng Ba Đen.

Giọng anh Ba Đen buồn buồn:

- Tôi nghĩ: Các đồng chí tướng lĩnh chỉ huy hàng chục vạn quân, khi phải hy sinh mười mấy anh em chiến sĩ trong lúc làm nhiệm vụ, tôi không biết còn vấn đề gì đọng lại trong tim các đồng chí ấy không!.. Theo tôi, nếu có gì cũng chỉ thoáng qua, vì các đồng chí ấy không trực tiếp nhìn mặt từng người cầm súng khi xông trận lúc hy sinh, không nhìn thấy thân thể đồng đội và những đôi mắt tràn đầy hy vọng từ từ khép lại lúc lìa đời... Còn tôi, nhận lệnh chỉ huy 15 anh em biệt động, đánh chiếm Tòa Đại sứ Mỹ, ngay giữa đô thành Sài Gòn đầy đặc lực lượng quân sự hiện đại Mỹ ngụy. Toàn đội đã làm tròn nhiệm vụ. Điều phải đến đã đến... Tất cả đã hy sinh!..

- Vẫn không hiểu sao tôi lại còn sống! Cho đến nay, tôi vẫn không thể quên được những hình ảnh máu và lửa của buổi sáng hôm ấy trong Tòa Đại sứ Mỹ, không quên từng gương mặt, từng lời nói, từng đôi mắt... và có lẽ suốt đời mang theo..!

Giọng thầm thì như nói với chính mình, Ba Đen cúi mặt đang cố ngăn dòng nước mắt:

- Thương anh em mình quá! Từng gương mặt trẻ măng sôi nổi hăng hái yêu đời, đi vào trận đánh hiểm nguy với một tâm hồn thanh thản, tất cả vì hoàn thành nhiệm vụ được giao; dũng cảm, xông xáo trong lửa đạn, sẵn sàng hy sinh; sao thương anh em mình quá! Trong mắt tôi, luôn hiện lên những gương mặt ấy, tiếng nói thân thương ấy!

Ba Đen nghẹn ngào, chậm rãi kể; thế rồi hình ảnh trận đánh như những thước phim đang hiện ra trước mắt tôi:

- 16 anh em trong đội, mới được tập hợp trước đấy vài ngày, mới gặp nhau vì một nhiệm vụ vinh quanh nhất: đánh vào Tòa Đại sứ quán Mỹ. Cập rập, nên có anh em còn chưa thuộc tên nhau, chưa kịp hiểu gia đình quê quán ở đâu! Nhưng ai cũng một lòng: Quyết tâm, quyết chiến!

Theo đúng kế hoạch tác chiến, 16 anh em chia 4 mũi, cùng nhất hoạt tiến công vào Tòa Đại sứ quán Mỹ, vũ khí vừa đủ khoác nặng trên thân thể: B40, đạn, AK, K54, côn, thủ pháo, lựu đạn, thuốc nổ. Đến giờ G toàn đội đi trên hai xe ô tô...

Mũi thứ nhất tiến quân vào phía trước cổng. Xe tải Pờ Jô 403 rẽ vào đường Tự Do, đến trước cổng chính Tòa Đại sứ Mỹ. Xe vừa ập tới cửa, anh em ào xuống, hỏa lực bất ngờ lên tiếng, ào ạt tấn công. Văn và Chính vừa phóng xuống xe, lia tiểu liên vào cổng chính, diệt mấy tên lính Mỹ đứng gác. Đồng chí Vinh vác B40, bồi ngay một trái phá cổng. Đội quân ta tiến vào trong, xông xáo như vũ bão. Tiếng súng, tiếng thủ pháo nổ đồng loạt ầm ầm như bão lốc cuốn lửa, như trời gầm chớp nhoáng, ào ào tiến công, khiến đối phương không kịp trở tay.

Mũi quân thứ hai, chiếc xe du lịch Dauphine vừa táp vào bên hông Tòa Đại sứ, Tèo và Đực xách bộc phá chạy vào giáp tường, đánh trái nổ, tiếng nổ vang động cả tòa nhà. Khối thuốc nổ C4 loại cực mạnh, đánh sập ngay một mảng tường bao bên cạnh tháp canh gác phía đường Mạc Đĩnh Chi, mở đường cho mũi quân thứ ba, tiến công vào trong, đánh chiếm dãy nhà nhân viên.

Ba Đen chỉ huy trưởng, Út Nhỏ chỉ huy phó, hai người chỉ huy mũi quân chủ lực, chín người như những mũi tên, lao thốc vào khu nhà chính của Tòa Đại sứ, chiếm ngay được tầng trệt.

- Giơ tay lên! Giơ tay lên!

Toàn người Mỹ, chắc nó không biết tiếng Việt nhưng hiểu phải làm gì lúc này, nên tất cả buông súng giơ tay lên. Ta bắt những người Mỹ làm tù binh, dồn vào một phòng. Tất cả diễn ra nhanh như tia chớp, nhanh đến độ không ai kịp chống cự.

Ba Đen vẩy tay súng, hô to:

- Út Nhỏ! Án ngữ cổng trước, hai người giữ tù binh, tất cả theo tôi.

Ba đen lao lên lầu, mấy bóng người nữa lao theo. Người Mỹ hoảng hốt chạy ngược trở lên. Chớp nhoáng, sáu người đã chiếm được đến lầu hai. Ba Đen chĩa súng, gom tất cả tù binh vào một phòng, khóa cửa lại.

Ngoài đường đã nghe tiếng nổ, tiếng rú còi, quân địch kéo đến bao vây quanh Tòa Đại sứ. Trên trời, máy bay trực thăng đang túa ra, tiếng gầm ầm ầm phạch phạch. Trực thăng đậu trên nóc nhà đổ quân xuống. Lúc này mới thấy địch phản kích, có tiếng súng từ trên lầu bắn xuống.

Ở trên lầu, anh em chiến sĩ vần cả bàn tủ làm chướng ngại vật, củng cố thế phòng ngự và công sự chiến đấu. Sau hàng tiếng đồng hồ chiếm lĩnh hai lầu Tòa Đại sứ, vẫn không thấy đại quân ta đâu! Trên nóc nhà, trực thăng Mỹ đang cho quân đổ lính xuống, vừa bốc người chạy lên sân thượng, đang leo vội vàng lên trực thăng. Súng nổ ầm ầm tứ phía. Anh em ta nhằm bắn lên trên lầu, bắn qua cửa sổ ra phía ngoài, bắn tỉa, vừa nhặt súng địch bắn, vừa tiết kiệm đạn nhằm duy trì trận đánh càng lâu càng tốt, giữ trận địa cầm cự, chờ!.. Nhất nhất theo mệnh lệnh cấp trên: đánh chiếm, giữ trận địa, mở cửa, chờ khoảng một giờ đồng hồ, sẽ đón đại quân tiếp viện của ta, quân chủ lực sẽ vào chiếm giữ toàn bộ Đại sứ quán Mỹ. Anh em chiến sĩ biệt động lúc này đã kẹt ở thế trên đánh xuống, dưới đánh lên, máy bay trực thăng gầm rú bắn xuống như đuốc lao xung quanh, ngoài đường xe thiết giáp, cả bộ binh địch đã bao vây chặt Tòa Đại sứ. Mũi quân ta tấn công vào cổng bên, không biết có còn hay đã hy sinh mà không nghe thấy tiếng súng. Sau đó mới biết, Tèo và Đực khi xông vào đánh trái nổ, đánh cấp kỳ không né kịp, đã hy sinh.

Ba Đen khoác thêm cây tiểu liên của địch, xông xáo bắn như vũ bão, lúc này mỗi khẩu chỉ còn vài viên đạn, anh kêu hai đồng chí đang mang B40 là Vinh và Mang:

- Lên lầu tìm lão Bân Cơ, theo tôi!

Theo tin mật báo, Bân Cơ, ngài Đại sứ Mỹ ở một phòng trên lầu ba. Bắt được tên đầu sỏ này làm con tin sẽ xoay chuyển được tình hình, ít ra cũng kéo dài thêm thời gian chờ đại quân ta vào. Ba Đen thấy một phòng khóa chặt cửa; ngài Đại sứ trốn trong này chăng! Bắn mấy phát tiểu liên vào cửa không ăn thua. Chỉ còn cách dùng B40 phá cửa. Ba Đen nhìn Vinh! Vinh đẩy Ba Đen và Mang tránh ra xa, Vinh chọn chỗ để đứng bắn quả B40, phát đạn hình tên lửa phụt lửa màu da cam, phá một mảng tường vỡ toác. Nhưng khoảng cách hẹp, sức nóng khối lửa màu da cam của trái B40 giội lại, đã khiến Vinh ngã quỵ ngay xuống. Tường vừa lủng, Ba Đen xông vào phòng, phòng trống rỗng không có người, toàn giấy tờ tài liệu. Ba Đen thấy Vinh vẫn nằm đó, anh định xốc dìu Vinh lên, nhưng thấy Vinh đã tắt thở, người mềm nhũn rồi. Ba Đen vuốt mắt, đặt Vinh nằm ngay ngắn bên cạnh khẩu B40 đã hết đạn. Ba Đen cởi áo sặc khét mùi thuốc đạn đang mặc trên mình, đắp lên mặt người đồng chí đã tái xám vì khói đạn, cắn răng, vĩnh biệt. Vinh mang khẩu B40, lúc tấn công vào cổng đã bắn một phát phá cổng; phát thứ hai phá tường... hy sinh.

Trời đã sáng rõ. Trên sân thượng, máy bay trực thăng Mỹ đổ quân xuống. Lính Mỹ kéo từ trên sân thượng xuống, đang thập thò trên cầu thang. Ba Đen nghiến răng lia AK, có mấy tên ngã gục, chúng lại rút ngay lên lầu. AK đã hết đạn, Ba Đen và Mang lao tới chỗ xác Mỹ vừa chết, vơ súng tiểu liên của chúng, bắn chối chát lên cầu thang. Anh lao đi tìm phòng Bân Cơ nhưng không thấy, chắc hắn đã lên sân thượng, leo lên máy bay chạy rồi.

Cầm cự chiến đấu trong hoàn cảnh ngặt ngòi, súng đạn đã hết, nhiều anh em đã hy sinh, chỉ còn mấy người. Đã hơn 7 giờ sáng, ánh nắng rực sáng của mặt trời đã đổ xuống, vẫn chưa thấy đại quân ta vào. Ba Đen nghĩ: Chắc đại quân ta đang đánh nhau ác liệt với quân địch ngoài đường phố chăng, đang giành từng con đường... quân chủ lực ta chưa vào được tới nơi.

Bỗng mù mịt và sặc sụa mùi cay nồng, khó thở, tức ngực. Mang hắt hơi sù sụ, một tay bụp miệng. Bọn Mỹ từ phía trên cầu thang đánh hơi ngạt xuống. Ba Đen mình trần, anh xé áo của Mang làm hai, đái vào, bụp lấy miệng và đưa một mảnh cho Mang bịt mũi. Trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê, hai người cùng nằm xuống.

Một lúc sau, lính Mỹ đeo mặt nạ dò dò đi xuống, chúng nói xì xồ, chắc nó nói Việt Cộng chết hết rồi, lính đeo mặt nạ từ cầu thang xuống khá đông, chúng tiến tới chậm chạp. Mang mệt lắm nhưng cũng lấy tay đẩy vai Ba Đen, xô đi. Ý Mang muốn nói mà không nói được: “Anh Ba né ra để tôi bắn nốt trái B40 cuối cùng, cho chúng biết tay”. Ba Đen lăn vào sát chân tường. Ầm!.. khói, thuốc, lửa vàng mù mịt... quân Mỹ đeo mặt nạ nằm chết hết trong khói lửa vàng da cam hàng ngàn độ của trái B40. Phía trên lầu ngay đầu cầu thang, nghe tiếng la ối kêu rùm trời.

Mang đã nằm bất tỉnh. Ba Đen khoác tiểu liên nhao đến, đỡ dìu Mang xuống cầu thang. Người Mang rũ ra, Ba Đen đang choáng váng mặt mày, anh đã yếu sức lắm rồi, nhưng tình thương đồng đội trỗi dậy một sức mạnh kỳ lạ, anh cố dìu Mang xuống lầu, đặt Mang nằm sát tường, ngồi xuống bên cạnh vuốt vuốt mái tóc, miệng méo xệch: Mang, Mang em sao rồi? Mang đang oằn oại, rồi trút hơi thở cuối cùng ngay trong tay Ba Đen! Ba Đen vuốt tay lên mặt Mang đau xót nghiến chéo ngoẹo hai hàm răng. Đặt Mang nằm ngay ngắn, rồi ôm khẩu AK hướng về phía cầu thang. Nhiều tên lính Mỹ thập thò trên cầu thang đang tiến xuống, lòng căm thù giội lên, Ba Đen dương khẩu AK, siết cò, chỉ còn mấy viên nổ. Anh đặt khẩu AK hết đạn bên cạnh Mang, vuốt đôi má bầu bĩnh trẻ măng của em, vuốt đôi mắt còn mở to... vĩnh biệt người em, người đồng chí!..

Ba Đen rút khẩu K54, lảo đảo đi lần xuống tầng trệt.

Út Nhỏ được phân công trấn giữ cổng chính. Út Nhỏ đang ở trong nhà, chĩa AK ra sân bắn tỉa từng phát một. Địch từ trên lầu đánh xuống, từ ngoài sân đánh vào khá đông. Trực thăng võ trang xả súng bọc quanh khu vực tòa nhà, quần đảo ầm ầm dày cả trên trời. Loa phóng thanh oang oang chĩa xuống: “Hỡi các cán binh Việt Cộng, các anh đã bị bao vây, không còn đường thoát, hãy buông súng đầu hàng sẽ được bảo toàn tính mạng”. Ngoài đường, xe rú còi rần trời. Nhìn quanh không thấy còn đồng chí nào, Ba Đen và Út Nhỏ đều bị thương, đã đuối sức lắm rồi, hai anh vẫn quyết tổ chức chiến đấu đến cùng. Bên cạnh Ba Đen là thi thể Đực đã hy sinh, nằm gục ngay sát tường, mắt còn mở trừng trừng. Ba Đen vuốt mắt cho Đực, anh cắn chặt hai hàm răng. Ba Đen kiềm chế hướng trên lầu xuống, bằng súng ngắn K54, Út Nhỏ kiềm chế hướng ngoài sân vào, bằng AK. Trong một khoảng khắc im lặng, Út Nhỏ day qua nhìn Ba Đen, lấy ngón tay chỉ vào mặt đồng hồ đeo tay, mỉm cười, và nói: “Thời gian!.. Ta vượt yêu cầu thời gian rồi đó anh Ba!” lúc đó là 9 giờ kém 10 phút sáng. Theo kế hoạch chung, tấn công vào giờ G, chỉ cần chiếm cổng, mở cửa Tòa Đại sứ, giữ được một giờ, đại quân ta sẽ vào tiếp viện, chiếm tòa Đại sứ quán Mỹ... Bọn địch từ trên lầu, ném xuống từng loạt lựu đạn. Út Nhỏ gục xuống. Út Nhỏ hy sinh rồi!.. Ba Đen nhờ thùng cát mà chỉ bị thương nhẹ, anh lăn ra, chạm ngay vào thi thể đồng chí Đực, vừa phát hiện bên cạnh Đực còn một gói bộc phá. Chính trái nổ này tay anh đã thiết kế ngày hôm qua. Chắc lần đánh quả bộc phá đầu tiên, Tèo và Đực đều cùng hy sinh với trái nổ. Ba Đen ôm lấy trái bộc phá còn kia, bò nhoai lại sát chân cầu thang nằm chờ địch xuống. Anh sẽ đánh cảm tử, hy sinh cùng trái bộc phá và kéo theo cả chục tên Mỹ nữa. Chờ cho chúng đã xuống thật đông, Ba Đen giật nụ xòe, dồn hết sức mạnh còn lại, lao trái bộc phá lên..! Một ánh chớp sáng lòe, tiếng nổ chùm giữa quân thù! Trời mù mịt choáng váng, Ba Đen cũng nằm trong đám khói đó, không còn biết gì nữa!..

Ba Đen cúi đầu. Lúc đó tôi đã thốt lên:

- Các đồng chí ơi chiếm được trận địa rồi! Các anh ơi, vào mau lên, hãy đến nhanh lên! Nếu chậm thì đơn vị cảm tử của chúng tôi không còn ai sống đâu!..

Các chiến sĩ đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, vừa mới tập hợp mấy ngày, tên thật tuổi tác mặt mũi chưa quen, quê ở đâu, gia đình ra sao chưa hay biết. Cha mẹ các anh ở đâu đó, ở ngay Sài Gòn, ngay những huyện ngoại thành... ai hay biết con mình đang ở đâu, thây xác nằm vùi nơi đâu, bao giờ!.. Sau này, gia đình họ chỉ biết chết trong Tết Mậu Thân, chỉ còn biết lấy ngày giỗ chung là mồng hai Tết!.. Họ là những chiến sĩ cảm tử, họ sẽ sống mãi cùng non sông.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018