VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
văn xuôi
ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI VỀ DƯ LUẬN
Một ngày lao động cật lực mà không thể tìm ra được câu trả lời ưng ý.ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI VỀ DƯ LUẬN
*
Trích từ DƯ LUẬN VÀ XỬ LÝ DƯ LUẬN trong NHỮNG ĐIỀU HẮN QUAN TÂM của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Thanh Hóa 2002 -
---
Ngồi tiếp tôi là gã thanh niên trẻ, quãng ba mươi tuổi, với nụ cười nửa ngạo mạn, nửa thân tình nở trên môi. Giọng nói nhẹ nhàng pha chút vẻ kênh kiệu làm cho khuôn mặt dài nhưng khá ưa nhìn của gã trở nên sống động. Gã không đi vào vấn đề tôi cần biết mà cứ thủng thẳng, dông dài chuyện trên trời dưới biển, chuyện ở những đâu đâu mà tôi không thể biết. Những cái rướn mày pha chút vẻ kênh kiệu và nụ cười nửa ngạo mạn, nửa thân tình kia không thể đánh lừa tôi cái cảm nhận: đằng sau vẻ kênh kiệu, bất cần đời là một tâm hồn dạt dào sức sống, một trái tim tha thiết tình người, một tấm lòng mênh mông những nghĩa cử...
Với tay lấy bao thuốc, búng nhẹ một cái, rất điệu nghệ, một đốm lửa lóe sáng, gã ngả người ra ghế và từ từ nhả khói, vẻ khoan khoái dễ chịu. Phóng tầm mắt xa xa, gã nhíu mày rồi khẽ bảo:
- Cậu muốn biết về điều đó ư? Thật đơn giản: hãy nhìn vào sự phát triển của doanh nghiệp đó mà đánh giá dư luận về họ đúng hay sai. Không có gì giá trị bằng hoặc gần bằng thực tế cậu chứng kiến sự phát triển doanh nghiệp của họ mà cho điểm dư luận.
Nhún vai một cái, gã xin lỗi bận việc không thể tiếp tôi được, rồi hẹn khi khác có thời gian rảnh rỗi gã sẽ tâm sự nhiều.
Thật là kỳ quái, gã phớt lờ tất cả những dư luận về mình, dửng dưng như không hề có những lời đồn ác ý, những phóng đại, thêu dệt không có thuận ý về chất người của gã khi gã mới chập chững bước vào cuộc đời của một doanh nhân. Phải chăng đó chính là cách xử lý dư luận của gã: hãy trả lời dư luận bằng thực tiễn sự phát triển của doanh nghiệp.
Dời văn phòng của gã, tôi đến một địa chỉ trên đường Lý Thường Kiệt để tìm câu trả lời: xử lý dư luận ra sao khi doanh nhân trẻ này cũng đang vướng không ít dư luận đối nghịch.
Tiếp tôi bằng nụ cười và khi biết được mục đích cuộc viếng thăm, anh ta nhẹ nhàng chối khéo. Chẳng lẽ đến rồi ra về không thu lượm được gì? Tôi nấn ná ngồi tâm sự để mong nhận được chí ít nhất một vài thông tin cho đề tài của mình. Tính tôi là vậy. Hễ đặt ra kế hoạch, tôi cố gắng tìm cho được biện pháp để hoàn thành và lần này, sau vài câu “đá đưa” về Viện K, tôi đã thu được chút “thành quả”, dầu chỉ là đôi lời tâm sự:
- Tôi bị viện K đuổi việc ư? Thật buồn cười! Khi rời viện K, trước đấy 3 tháng, tôi đã thông báo cho khách hàng, đối tác của tôi về kế hoạch nghỉ việc ở Viện K và nói sẽ sớm thông báo địa điểm kinh doanh mới.
- Khi nhận được nguồn tin như thế, anh phản ứng thế nào?
- Sao lại phải phản ứng? Một khi tư cách của tôi đã được thương trường khẳng định, mối quan hệ của tôi với bạn hàng, khách hàng đã bỏ xa giai đoạn thăm dò, thử thách thì những lời đồn đấy đâu có nghĩa gì? Nếu bạn hàng nào tin vào những lời thêu dệt đó thì càng hay, vì tư cách của tôi thêm một lần được khẳng định và với những bạn hàng này, khi niềm tin đã được củng cố thì chính họ sẽ là người lên tiếng bác bỏ những lời đồn ác ý về tôi.
- Tôi nghe nói một số người ở Viện K tuyên bố sẽ tìm cách “triệt tiêu” con đường làm ăn của anh. Trước những lời tuyên chiến như vậy, anh nghĩ sao?
- Xin đính chính câu cậu nói, nếu quả thực như vậy thì họ tuyên nhưng tôi không chiến. Không phải tôi hèn kém, nhưng tôi đang bươn chải vật lộn với thương trường, quan tâm làm gì mấy việc đó. Hơn nữa, tôi tin, số đông ở Viện K sẽ không dung thứ cho mấy kẻ đó làm điều xằng bậy.
Đón tôi bằng nụ cười và tiễn tôi ra về bằng cái bắt tay rất chặt. Anh nheo mắt nhìn tôi bằng một câu kết:
- Dư luận thì vô cùng nên tôi không bao giờ trả đũa dư luận mà cố gắng chứng minh nhân cách của mình qua những việc làm thiết thực trong hoạt động doanh nghiệp. Nói gì thì nói, cái cơ bản nhất là tư cách con người mình nếu không khẳng định được thì sự loại bỏ của thương trường đâu cần đến những lời đồn đại kia.
Chia tay anh, tôi vào thăm văn phòng đại diện cơ quan X. Gặp tôi, chị trưởng phòng đon đả:
- Đi đâu mà mấy tháng bặt tin vậy? Đi tìm vợ hả? Chị bảo, kén vừa vừa thôi không ế đấy.
Tôi mỉm cười, đón chén nước chị đưa, nhẩn nha ngồi nhấm nháp chén trà đặc quánh đang nhè nhẹ tỏa hương. Vậy là từ sáng đến giờ, công việc không được như ý nhưng cũng không đến nỗi tệ. Tôi nhẩm tính và ước lượng thời gian sẽ đến một số điểm trong ngày để hoàn thành công việc. Chị vỗ vai tôi, kéo tôi về với thực tại:
- Này em. Đã bỏ trang viết về chị chưa? Cám ơn thiện chí của em nhưng Thi à, đừng tạo thêm những gợn sóng dư luận quanh chị. Chị mệt mỏi vì dư luận lắm rồi. Chị không sợ đối đầu với dư luận nhưng có điều tránh được những đối đầu không cần thiết sẽ hay hơn. Vô tình đọc trang bản thảo em dành cho chị, lần nữa cám ơn thiện chí của em nhưng người đời có phải ai cũng nhìn nhận vấn đề như chị em mình đâu.
Không hiểu sao trước người phụ nữ xinh đẹp và sắc sảo, thấu lý, thấu tình này tôi lại thấy mình thật bé nhỏ, cứ ấp a ấp úng, mọi lý lẽ đưa ra hầu như không có tính thuyết phục. Những lúc như vậy, thường trực trên môi tôi là nụ cười, là những luận cứ đưa ra không có điểm tựa, để rồi tôi lại cười khà làm theo ý chị.
Ngược về phó Lò Đúc, tôi đến gặp một doanh nhân trẻ đang kinh doanh bất động sản. Anh đón tôi bằng cái bắt tay rất nhẹ, bằng nụ cười lịch sự và bằng khuôn mặt phởn phơ đẫy đà của kẻ sớm thành danh.
Ngồi tiếp chuyện, anh vồn vã hỏi thăm công việc làm ăn của tôi độ này ra sao? Yêu đương thế nào? Kế hoạch vợ con đến đâu rồi? Những dự kiến tương lai thế nào? Anh nhiệt tình thăm hỏi và không để cho tôi kịp trả lời. Tôi lặng đi vì những quan tâm của bạn mình. Và tôi giật mình hãi sợ những lời hỏi thăm vồn vã ấy. Thì ra bạn tôi đang tiếp khách, đang làm bổn phận là nói sao cho đủ những điều cần thiết mà cuộc thăm hỏi phải có, thế thôi.
Tiễn tôi ra cửa, anh vỗ vai tôi, rướn mày, nói:
- Cần phải quan tâm đến dư luận Thi ạ. Phải lắng nghe dư luận để kịp thời xử lý những dư luận về cậu. Dư luận nào tốt, cậu phải có trách nhiệm thổi phồng nó lên, khuếch đại nó ra, còn dư luận nào bất lợi thì cậu phải triệt tiêu ngay bằng mọi cách... Hề hề hề... (anh vỗ bụng, đắc chí cười, vẻ mãn nguyện làm những thớ thịt trên khuôn mặt giật giật đến khó coi)... mới mấy năm thôi mà đã... Đấy. Cậu nhìn cơ ngơi của tớ thì chắc rõ... Hề hề hề... Thôi cậu về nhé. Rỗi rãi thì ghé qua tớ chơi.
Tôi vội lên xe và giật tung cúc áo ngực để gió lùa vào cho dễ chịu. Một tiếng gọi ồm ồm: Thi ơi! Làm tôi giật mình, cắt đứt dòng suy nghĩ. Chưa kịp định thần trở lại thì Thành ở đâu lù lù xuất hiện, hắn vỗ vai tôi, nheo nheo mắt, hất hàm hỏi:
- Có bận gì không? Vào làm chầu lai rai với tôi nghe bạn.
Không đợi trả lời, Thành kéo tôi vào quán, gọi la liệt đồ nhắm, rồi thủng thẳng nói:
- Tôi vừa tránh được bàn thua trông thấy.
Nâng cốc bia ngang tầm mắt, hắn nheo mắt nói:
- Chúc cho quan hệ hai thằng mình! Và chúc cho phi vụ vừa qua tôi đã thoát nạn!
Ngửa cổ đi một hơi hết cốc bia, hắn khà một cái nghe thật dễ chịu. Tôi thèm sự vô tư, thoải mái như hắn biết chừng nào. Trông hắn ăn thật ngon lành. Đôi hàm răng của hắn đưa đi đưa lại thật đều đặn, nhanh, gọn và dứt khóat. Uống hết cốc bia thứ tư, hắn trố mắt nhìn tôi:
- Bạn không ăn uống sao? Tôi có gì lạ lắm à?
- Không phải! Tôi đang muốn nghe bạn kể về phi vụ vừa rồi.
- À..... Có gì đâu. Chiều qua nhận được nguồn tin L.T.K hủy một loạt hợp đồng và cho công nhân nghỉ việc một tuần để đại tu máy móc. Tôi băn khoăn khi nhận được thông báo đó. Bạn biết không, L.T.K là một doanh nhân trẻ nhưng khá mạnh về thị trường, hắn rất giỏi tiếp thị nên mọi hoạt động của hắn tôi đều cố tìm hiểu. Nói bạn đừng cười, để theo đó mà tôi vạch chiến lược cho mình. Việc hủy một loạt hợp đồng với bạn hàng rồi cho công nhân nghỉ việc một tuần với lý do là đại tu máy móc xem như để đánh lừa thị trường may mặc là có sự vươn lên với quy mô lớn hơn, nhưng một loạt câu hỏi cần được trả lời quanh sự kiện bất thường đó. Giữa lúc đang loay hoay tìm câu trả lời thì sớm hôm nay tôi nhận thêm tin L.T.K đêm qua vội vã đáp máy bay vào Sài Gòn, để lại chỉ thị cho viên trợ lý là cho thu hết số áo budong ở các máy may tư nhân về, kiểm kê toàn bộ số hàng đang gửi bán ở các chợ lớn trong Hà Nội và số tồn đọng tại kho. Trong thời gian L.T.K đi vắng, viên trợ lý phải túc trực bên bộ đàm 24/24 giờ để chờ lệnh. Vậy là đã rõ. Tôi quyết định đem toàn bộ số áo budong đã hoàn thiện ra các các chợ lớn bán hạ giá, số hàng đang vào dở, tôi đốc thúc công nhân vào gấp để sáng mai dải quân đi các tỉnh lân cận bán giảm giá. Bạn biết không, chưa đầy 3 tiếng, sau khi quân của tôi ồ ạt bán tháo hàng tại các chợ lớn, viên trợ lý của L.T.K nhận được lệnh cho phép làm cách nào cũng được, miễn là giải phóng hết số lượng áo budong tồn kho để thu hồi vốn.
Đăm đăm nhìn tôi, Thành tủm tỉm:
- Nào! Tôi với bạn làm tăng nữa nhỉ?
Hắn lại ngửa cổ tu ừng ực.
Và hắn lại gắp thức ăn, lại nhai rau ráu.
Uống hết cốc bia, hắn lại khà một tiếng, thật khoan khoái. Rồi ngả lưng vào ghế, lim dim mắt, hắn khẽ khàng:
- Thi à… Trước kia tôi thật sai lầm là luôn sống với cái thực của con người mình nên lãng quên trách nhiệm phải nghe ngóng và phân tích để đối phó với những dư luận của người đời. Tôi thành đạt khá nhanh nhưng Thi biết đấy, dư luận về tôi sao lắm nhiêu khê. Tôi được khen cũng lắm. Tôi bị chê cũng nhiều. Tôi như kẻ đứng giữa 2 thái cực: tự hào và tủi nhục. Tôi buồn lắm. Bạn biết không, nhiều lúc tôi muốn chấm dứt sự hiện hữu của mình giữa cõi đời ô trọc này nhưng tôi không đủ nghị lực để tìm đến cái chết. Mỗi lần nghe thấy những câu: thằng ấy đẹp trai, có tài, tử tế nhưng... Trời ơi! Cái giá của tôi phải trả đắt vậy sao? Những năm tháng đói nghèo, không nơi nương tựa, để tồn tại, tôi phải chấp nhận làm mọi việc... Thi ơi! Những lúc như thế này tôi thật xót xa cho quãng đời khờ khạo, dại ngu...
Hắn gục đầu xuống bàn nức nở.
Hàng trăm ánh mắt đổ dồn vào hắn.
Tôi loạng choạng đứng dậy dìu hắn ra xe, rồi nổ máy chuyệnh choạng về nhà.
Một ngày lao động cật lực mà không thể tìm ra được câu trả lời ưng ý.
*.
ĐẶNG XUÂN XUYẾN