/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

CHÁT VỚI "MỐI CHÚA"

Sự nghiệt ngã này là chủ ý của Chúa trời!

CHÁT VỚI "MỐI CHÚA"

Vũ Thị Xinh

 

 


 

Mục đích của người thực hiện cuộc đối thoại này chỉ là để giải quyết sự tò mò, về tâm trạng của tác giả Mối chúa giữa bão dư luận. Nhưng những trả lời giản dị, hóm hỉnh của Lão Tạ lại cũng là những ý kiến rất tinh tế về việc viết, tôn trọng bạn đọc và bản lĩnh nghề nghiệp nhà văn cần phải có



-Chào “Mối chúa”, ông ổn chứ?

-Chào bạn, tôi ổn, cảm ơn.

-Ông đang làm gì?

-Tôi đang “vi tính đàm” với bạn đây thôi…

-Ý tôi là ông đang dành thời gian cho công việc gì? Đọc hay viết?

-Vì công việc, tôi đọc là chính.

-Có khi nào ông nghĩ lại có lúc tác phẩm của mình gây ra hẳn một cơn bão dư luận?

-Nghĩ thế chắc tôi đã kiệt sức từ lâu rồi, làm sao còn có thể viết Mối Chúa ròng rã trong ba năm.

-Tôi biết khi Mối chúa ra đời, ông nhận được nhiều lời chúc mừng của đồng nghiệp, trong đó có cả những người hầu như chẳng khen ai bao giờ, ông có bị ngợp không?

-Nếu là 20 năm trước, chắc chắn tôi sẽ tưởng mình đang trên mây. Tuổi già hóa ra cũng có cái hay...

-Ý ông là tuổi già giúp ông bản lĩnh hơn?

-Tôi không nói nguyên văn như vậy.

-Dư luận nói chung không hiểu nổi vì sao CXB lại yêu cầu đình chỉ Mối chúa?

-Tôi cũng không hiểu.

-Việc đình chỉ phát hành một cuốn sách nào đó có vẻ như là công việc thường xuyên của CXB?

Tôi chỉ biết trước Mối chúa đã có hàng chục cuốn sách bị CXB đình chỉ phát hành, có cuốn còn bị thu hồi, tức là mức độ nghiêm trọng hơn.

-Một nhà văn nằm trong số những người nổi tiếng nhất trên văn đàn nước Việt nhận xét, viết được như Mối chúa, phải là người ngày nào cũng đăm chiêu nghĩ ngợi về hiện thực đất nước, rằng Mối chúa sẽ thuộc những cuốn sách ở lại lâu dài với bạn đọc…Trong khi đó lại có người cho rằng, với Mối chúa, ông viết về hiện thực một cách hời hợt? Ông xa rời hiện thực do chỉ ngồi suy xét trong phòng máy lạnh?... Ông nghĩ gì về những nhận xét này?

-Có chuyện gì đặc biệt trong những nhận xét trái ngược ấy về một cuốn sách đâu mà phải nghĩ! Tôi từng nhận được những lời khen còn khủng hơn và những lời chê còn ác liệt hơn nhiều. Khen, chê là quyền tối cao, bất khả bàn luận của bạn đọc, dưới góc độ một người sáng tác.

Tôi kể bạn nghe chuyện này. Cách đây mấy tháng tôi phải tiếp một cộng tác viên. Trong câu chuyện ông ta xứ xách mé gọi cụ Nguyễn Du là Du. Tôi phản ứng thì ông ta bảo, Du (Nguyễn Du) chỉ là người « đạo văn », vần vè hóa một câu chuyện có sẵn, đánh lừa bạn đọc mấy trăm năm. Tôi ức nghẹn cả cổ nhưng rồi nghĩ là nếu cụ Nguyễn Du nghe được, chắc cụ cũng cười váng mà không tức giận.

-Tôi theo dõi trên FB thấy ông bấm nút like, chia sẻ cho hàng ngàn người cả bài viết chê Mối chúa thậm tệ, ông tự tin vào khả năng tự bảo vệ của Mối chúa đến thế cơ à?

-Bạn có định nói tôi làm thế là do đọc hời hợt không đấy, rằng người ta chê lại cứ tưởng khen?

-Tôi hỏi rất thật lòng, bởi vì tôi chưa thấy ai làm như ông?

-Vậy thì từ nay bạn sẽ thấy.

-Nói chuyện với ông thật là ngại. Nhưng tôi xin phép tiếp tục: Một số đồng nghiệp của ông cho rằng ông ít hiểu biết về quan chức khi mô tả họ một cách thô lỗ, rằng họ tinh vi và tinh tế hơn nhiều trong chuyện ăn của đút?

-Xin miễn cho tôi phải đưa ra bình luận về nhận xét đó.

-Vậy còn với cá nhân ông?

-Tôi ấy à? Tôi theo dõi thời cuộc thì thấy có nhiều mức độ hư hỏng của quan chức. Mức độ ăn của đút một cách dấm dúi, kiểu bốc vụng một miếng rồi vội chùi mép, là mức nhẹ nhất, xảy ra thời nửa thế kỉ trước. Giai đoạn tiếp theo là ăn của đút một cách ý tứ, hay nói văn vẻ là hư hỏng một cách tinh tế. Sau đó chuyển sang giai đoạn ăn chia dựa trên các thỏa thuận được che đậy. Tiếp theo là trắng trợn, trơ tráo, tức là đến mức “đỉnh cao”. Chính là giai đoạn hiện nay. Bạn chỉ cần ra đường , vào bệnh viện, tham gia một vụ chạy dự án, đi xin việc cho con, có việc liên quan đến quan tòa…là bạn đồng ý với tôi ngay. Mọi thứ đều được mói toẹt ra, trắng phớ ra, không còn cần tí ý tứ nào. Biếu nhau biệt thự, chia nhau hàng ngàn mét vuông đất, xui nhau thò tay vào két Nhà nước lấy hàng trăm tỉ đồng, dựa vào quyền lực để tổ chức cưỡng đoạt đất của người dân thì có muốn ý tứ cũng khó về mặt kĩ thuật! Thông thường một xã hội mà đám quan chức bắt đầu “cướp ngày”, người dân bị coi như cỏ rác, là kiểu gì cũng loạn, là đêm trước của một thay đổi kinh hoàng nào đó.

Nhưng trong Mối chúa, tôi không chỉ viết về nạn cướp ngày, mà tôi còn viết về hiện tượng bọn “cướp ngày” thừa tiền để mua một chức quan. Tất cả những nhân vật phản diện trong Mối chúa đều được định danh là cướp, trước khi họ đóng những cương vị khác. Đã là cướp mà còn tinh tế, ý tứ thì chỉ có trong cổ tích.

-Chả lẽ ông Chu Mộng Long đúng khi suy diễn từ cái tên Đãng Khấu?

-Một sự suy diễn thú vị của một lão quái kiệt nhưng có đúng không thì lại là chuyện khác. Tôi chỉ biết nói vậy.

-Nhiều bạn đọc tiếc rằng sao Mối chúa không phải là một quan to? Giá mà Mr. Đại không xuất hiện, cứ ẩn ẩn hiện hiện nhưng không xuất hiện, thì ấn tượng hẳn sẽ mạnh hơn về một sự chi phối quyền lực ngầm?

-Nếu tôi viết như vậy thì chính những người đó lại bảo tôi bắt chước hoặc giống Kápka. Giống người khác, dù là giống Kapka, liệu có đáng để mà tự hào? Vả lại, Mối chúa gánh vác một sứ mệnh khác...

Nhưng tiện thể tôi muốn nói nhiều hơn một chút về tâm lý này. Người Việt mình bị đè nén quá lâu bởi quyền lực chính trị, thành ra mới cứ ám ảnh về một cơ hội trả thù, muốn người khác giải tỏa thay bằng cách hạ bệ ai đó họ căm ghét, mà coi nhẹ nội dung câu chuyện. Nhân vật là ai, cấp chức cao thấp ra sao liệu có quan trọng bằng tác phẩm ấy đưa ra thông điệp gì sâu sắc về tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức? Có khi nào bạn đọc một kiệt tác nước ngoài mà bạn đòi hỏi nhà văn phải ám chỉ nhân vật quyền lực nào đó ở đất nước họ mới đáng để bạn đọc? Tôi chắc là không. Bạn cứ nhớ lại tâm trạng của mình khi đọc Hămlet, Vườn anh đào, Tên tôi là Đỏ, AQ chính chuyện, Đàn hương hình hay những sáng tác của Mukarami…bạn sẽ thấy dường như mong muốn nhân vật phải ám chỉ cá nhân quyền lực nào đó chỉ được đưa ra như một đòi hỏi với nhà văn Việt Nam thời hiện đại, bởi ngay cả những tác phẩm lớn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng...cũng chỉ toàn viết về những nhân vật tầm thường mà vẫn thấy toàn bộ chân dung của thời đại các ông sống?

-Có người bảo những phần mô tả việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất của ông chỉ là sao chép lại những gì báo chí đã viết dưới dạng phóng sự?

-Sướng nhất là bạn đọc. Họ có quyền muốn nói gì thì nói. Còn với người viết thì chỉ nên im lặng. Trên thực tế đó là những chương tôi mất nhiều công nhất.

Với ông hiện thực đời sống và hiện thực đã được sáng tạo khác nhau ở chỗ nào?

-Nó khác nhau như bông hướng dương ngoài vườn và bông hướng dương trong tranh. Nếu chỉ cần sao chép cho giống thì chụp ảnh nhanh và hiệu quả hơn là vẽ…

-Khi Bước qua lời nguyền ra đời, mọi người gọi ông là “Cậu Tư”, sau đó là Lão Khổ (nhân vật chính trong tiểu thuyết Lão Khổ) và giờ đây là Mối Chúa, ông thích cái tên nào hơn cả?

-Luôn luôn thật khó khăn cho ông bố nào đó khi đưa ra lựa chọn một trong số những đứa con của mình, ngay cả khi chỉ để dùng tên nó gọi thay cho tên mình.

-Nhiều người đọc chung nhau ở nhận xét, Mối chúa là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn từ đầu đến cuối? Vậy hấp dẫn đã đủ để là cuốn sách hay chưa? Hấp dẫn quan trọng đến mức nào với một tác phẩm văn học?

-Vô cùng quan trọng nhưng không bao giờ là tất cả.

-Giờ đây mọi người đang chờ quyết định cuối cùng liên quan đến số phận Mối chúa của cơ quan quản lý? Ông nghĩ nó sẽ thế nào?

-Với tôi, trong trường hợp Mối chúa, mọi việc đã xong, điều gì xảy ra cũng không còn quan trọng.

Thông tin rò rỉ cho tôi biết là Ban Tuyên giáo đã làm việc với lãnh đạo Hội nhà văn và giám đốc Nhà xuất bản. Với những gì đến tai tôi thì tôi chỉ có thể khẳng định Mối chúa sẽ không được tái bản nữa.

-Nếu đúng thế thì có khác gì cấm lưu hành? Chính xác là cấm lưu hành tiếp? Nghĩa là bạn đọc từ nay chỉ có thể đọc trên bản sách lậu?

-Tôi cũng nghĩ thế.

-Ông chấp nhận à?

-Để tôi xem mình có thể làm gì? Người viết ở Việt Nam ít quyền lắm trong việc phổ biến tác phẩm của mình, bạn biết điều đó mà.

-Ông đang làm công tác xuất bản, ông thấy còn điều gì chưa hài lòng về việc xuất bản sách ở nước ta?

-Vẫn còn nhiều tác phẩm không có cơ hội ra mắt bạn đọc như quyền của nó được thế? Tôi có thể kể ngay ra không ít hơn mười tác phẩm. Một vài trong số đó tôi đã đọc. Chẳng ai đủ sức ngăn cấm bạn đọc tin rằng, có thể những tác phẩm hay nhất còn nằm lại trong số đang là bản thảo đó?

-Trong số vài chục cái tên nổi định nổi đám của giới cầm bút trong nước, ông có định so sánh mình với ai không?

-Để làm gì, khi việc đó là vô bổ và vô nghĩa.

-Hỏi nhỏ ông một câu, sách của ông có lúc có nơi bán tới 500 ngàn một cuốn, ông có tiếc khi đã bỏ qua một dịp tự kinh doanh mình như một số người vẫn làm?

-Nếu tôi luôn dành thời gian tìm cơ hội như vậy, nếu tiền luôn đầy ắp trong đầu tôi, thì có thể bây giờ ngay cả cho không cũng không ai buồn cầm Mối chúa lên tay. Sự nghiệt ngã này là chủ ý của Chúa trời!

-Chúc ông chân cứng đá mềm!

 Theo trannhuong