/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

“TỨ VẬT” Ở HUYỆN AN DƯƠNG – HẢI PHÒNG

“Chơi với dân Hà Nội chẳng bị tội thì cũng bị vạ lây”, làng Hà Nội thuộc tổng Hà Nội, nay là làng Hà Nhuận thuộc xã An Hòa, huyện An Dương.

“TỨ VẬT” Ở HUYỆN AN DƯƠNG – HẢI PHÒNG

 

        Từ năm 1469 trở về trước, miền đất phía Đông Nam giáp biển này thuộc huyện Cổ Phí, phủ Tân An. Từ thời Lê sơ (1428) thuộc lộ Nam Sách Hạ. Từ năm 1469 đến năm 1837 là huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, từ năm 1837 huyện này thuộc phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương. Từ ngày 11/09/1887 huyện An Dương thuộc tỉnh Hải Phòng, từ 1898 trừ phần đất nội đô Hải Phòng là xã Da Viên và xã An Biên, huyện An Dương thuộc tỉnh Phù Liễn, từ 1906 tỉnh Phù Liễn đổi thành tỉnh Kiến An. Vào ngày 29 tháng 02 năm 1924, thì huyện An Dương tách thành hai huyện là An Dương và Hải An…Từ ngày 20 tháng 10 năm 1962, thì tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng hợp nhất. Trong quá trình nghiên cứu về mảnh đất và con người huyện An Dương cổ, chúng tôi đã tìm được “Tứ vật”, tức bốn điều không nên của huyện này như sau:     

     1- Vật giao Hà Nội hữu (勿交河潤友), không nên giao tiếp với dân tổng Hà Nội, huyện Kim Thành vì thường lý sự, hai mặt. Địa danh nơi đây tên cổ là Hà Nội, sau đổi thành Hà Nhuận. Từ khi thành lập tỉnh Hải Phòng (1887), thì tổng Hà Nhuận được cắt về huyện An Dương gồm 5 xã sau: Hà Nhuận; Dưỡng Phú; Hạ Đỗ, Phú La và Hỗ Đông. Nay là các thôn Hà Nhuận, Dưỡng Phú, Phú La (thuộc xã An Hòa), Hạ Đỗ (thuộc xã Hồng Phong), Hỗ Đông (thuộc xã An Hưng).

     2- Vật thú Miêu Nha thê (勿大茶妻), không nên lấy vợ ở xã (làng)

Miêu Nha, tổng Song Mai, huyện Thủy Đường (từ năm 1901 tổng này cắt về huyện An Dương) vì con gái thường trăng hoa, kiêu kỳ và nhà gái thách cưới cao. Miêu Nha sau đổi thành Do Nha, địa danh này nay thuộc xã Tân Tiến, huyện An Dương.

     3- Vật kích Điều Yêu đề (勿撃條夭啼) không nên gây sự với thôn dân

tổng Điều Yêu, huyện An Dương, vì phần lớn tính cách thôn dân nơi đây hơi bị hung bạo và vũ dũng. Địa danh này, sau là các thôn: Điều Yêu Thượng (nay là Kiều Thượng, xã Quốc Tuấn); Điều Yêu Hạ (nay là Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn); Điều Yêu Trung (nay là Kiều Trung, xã Hồng Thái); Điều Yêu Đông (nay là Kiều Đông, xã Hồng Thái); Nhu Điều (trước đây là xã Nhu Kiều, nay thuộc xã Quốc Tuấn); Tri Yếu (nay là Tri Hiếu thuộc xã Đặng Cương); Xích Thổ (nay thuộc xã Hồng Thái); Đào Yêu; Tiên Sa; Hy Tải (còn tên Hy Tái), nay thuộc xã Hồng Thái huyện An Dương.

     4- Vật ẩm Hoàng Mai tửu (勿飲黃枚酒), không nên uống rượu của xã (làng) Hoàng Mai, tổng An Dương, từ đầu thế kỷ XX thuộc tổng Văn Cú, vì chất lượng hơi bị kém, thường bị pha thêm lấy số lượng. Địa danh này nay thuộc xã Đồng Thái, huyện An Dương.

 

CÁC CÂU CA CỔ:

 

       Trang 138 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Phủ Kiến Thụy trước đây thuộc phủ Kinh Môn gồm bảy huyện. Sách cổ ghi dân xứ này có tiếng là hung bạo và vũ dũng. Nay ba xã Quần Mục, Đồ Sơn, Phong Cầu của huyện Nghi Dương, hai xã Sái Nghi, Áng Sơn của huyện An Lão, tổng Điều Yêu của huyện An Dương, hai tổng Cam Đường, Hà Nhuận của huyện Kim Thành cũng vẫn giữ bản tính như thế...”.

          Tổng Điều Yêu gồm mười xã: Điều Yêu Thượng (sau là Kiều Thượng, xã Quốc Tuấn); Điều Yêu Hạ (sau là Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn); Điều Yêu Trung (sau là Kiều Trung, xã Hồng Thái); Nhu Điều (trước đây là xã Nhu Kiều, sau này thuộc xã Quốc Tuấn); Tri Yếu (sau thuộc xã Đặng Cương); Xích Thổ (sau thuộc xã Hồng Thái); Điều Yêu Đông (sau là Kiều Đông, xã Hồng Thái); Đào Yêu (sau thuộc xã Hồng Thái); Tiên Sa (sau thuộc xã Hồng Thái); Hy Tải (còn tên Hy Tái, sau thuộc xã Hồng Thái).

       Trang 156 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Ba huyện của phủ Kinh Môn và bốn huyện của phủ Kiến Thụy đời trước gọi là Kinh Môn (bảy huyện), dân có tiếng là hung hãn và vũ dũng. Trong đó hai tổng Yên Lưu và Dương Nham thuộc huyện Giáp Sơn, hai tổng Phù Lưu, Phục lễ thuộc huyện Thủy Đường và các tổng Đạm Thủy, Bí Giang, Nội Hoàng, Yên Khánh, Yên Lãng của huyện Đông Triều là hung tợn nhất”. Đầu thế kỷ XX, thì xã Trại Sơn, tổng Dương Nham được cắt về huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Các câu ca cổ khác:

     a- “Chơi với dân làng Rế chẳng mất nghé cũng mất trâu”. Làng Đồng Giới, tổng Văn Cú, tên Nôm làng này là Rế, nay thuộc thị trấn An Dương, huyện An Dương.

     b- “Chơi với dân Điều Yêu chẳng đầu biêu thì cũng dập trán”. Làng Điều Yêu, tổng Điều Yêu, nay là các thôn: Kiều Thượng, Kiều Hạ (xã Quốc Tuấn); Kiều Trung, Kiều Đông (xã Hồng Thái).

     c- “Chơi với dân Hà Nội chẳng bị tội thì cũng bị vạ lây”, làng Hà Nội

thuộc tổng Hà Nội, nay là làng Hà Nhuận thuộc xã An Hòa, huyện An Dương.

     d- Hay còn câu khác “Chơi với dân Hà Nhuận chẳng mất mận thì cũng mất đào”, hay“Chơi với dân làng Rào chẳng mất dao thì cũng mất thớt”, hay “Chơi với dân làng Bớp mất cả hóp lẫn tre”. Làng Lực Hành (tên Nôm là Rào), tổng Trung Hành, nay thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng. Còn làng Phụng Pháp (tên Nôm là Bớp hay Phọng), tổng Đông Khê, nay thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

NGỌC TÔ sưu tầm