/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

THƯ NGỎ GỬI NHÀ BÁO LINH CHI

Rất tiếc là ở Móng Cái năm 1979, ta đã triệt hạ vài chục cây nong não thời Pháp, thân cây phải 2 người ôm…”

THƯ NGỎ GỬI NHÀ BÁO LINH CHI

Trần Nhuận Minh
.

       Báo điện tử NGƯỜI QUAN SÁT ra ngày 15/ 10/ 2024 có đăng bài của Linh Chi, với đầu đề “ Cây gỗ quý 700 tuổi là chứng tích của trận thủy chiến lớn bậc nhất trong lịch sử Việt Nam được công nhận là di tích lịch sử”. Một người có học, gửi cho tôi, bởi tôi đã mất đến hơn 30 năm “ đánh nhau với Cố Xay Gió”, bác bỏ việc hoang đường này. Nếu bạn không gửi cho, thì tôi cũng không biết vẫn còn có sự tào lao đó tồn tại. Trong bài của Linh Chi có đoạn nguyên văn như sau : “ Đây chính là hai cây gỗ của khu rừng cổ mà quân dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông vào ngày 8 / 3 năm Mậu Tý 1288”.

       Linh Chi không biết rằng, ở thời Trần, chỗ có “hai cây lim” bịa tạc đó, không phải là rừng gỗ lim, mà còn là rừng sú vẹt nước sâu, thuyền bè qua lại được. Và “ hai cây lim”, là sự nhầm lẫn đã được Quảng Ninh giải quyết xong cách đây hơn 10 năm. Tôi rất hoan nghênh việc lặng lẽ sửa sai này. Cũng vì thế, từ lâu, điều này không ai nói đến nữa. Quảng Yên cũng không đưa khách du lịch đến đây thăm viếng “di tích trận Bạch Đằng” nữa. Và sự dối trá đó, cũng đã xóa hẳn trong sách giáo khoa dạy học sinh phổ thông.

       Những điều ấy, chắc Linh Chi không biết. Bài viết nhầm lẫn này, có thể Linh Chi đã nhớ lại từ sách giáo khoa cách đây đã nhiều năm, khi bài học về “Hai cây lim Giếng Rừng” chưa bị loại bỏ. Và theo tôi được biết, trong nguồn đầu tư bảo tồn và phát huy di tích lịch sử Bạch Đằng, không có đồng nào chi cho “ Hai cây lim Giếng Rừng”. Tưởng đến thế là ĐÃ XONG. Tôi rất ngạc nhiên khi Linh Chi viết lại bài này và báo điện tử NGƯỜI QUAN SÁT lại đăng lại, làm phát tán một sai lầm cần phải vĩnh viễn loại bỏ, để đảm bảo sự trung thực lịch sử. Mới hay, những sai lầm về lịch sử thường rất khó sữa chữa, và trong nhiều trường hợp không có khả năng sửa chữa. Rất tiếc, Quảng Ninh có rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Và có trường hợp, lại được nhân rộng ra, thành tên làng Du lịch, thành tên hãng Rượu quí bán rượu cho khách du lịch nhiều nước trên thế giới. Ai cũng biết nó  sai, và thảy đều im lặng, để mặc nó hành hoành, cùng lắm là sau một cái “ tặc lưỡi”, rất vô trách nhiệm.

Tôi là người đầu tiên phản biện về việc này, dù biết phải chấp nhận sự phiền toái khó tránh khỏi sẽ đến nhiều lần với mình; cũng là người đầu tiên, từ năm 1991, đặt tên cho tất cả cái đám ấy, rất tiếc trong đó có một số GSTS đầu ngành mà tôi rất kính nể , là SỬ THỔ PHỈ. Tôi không muốn nhà báo LINH CHI là thành viên mới tự nguyện tham gia vào nhóm thổ phỉ này.

Đã có lần, một nhóm khảo sát chuyên môn cuả Bộ Lâm nghiệp về kiểm tra ý kiến của tôi. Sau khi ở một chiều và ngủ 1 đêm, nhóm khảo sát đã ra về không phải dùng máy khoan vào thân cây để xác nhận tuổi gỗ, đã nói: ông Minh nói có cơ sở:

1 - Hai cây này không phải lim, vì lim “ không ngủ đêm” ( lá rũ xuống héo như lá cây trinh nữ) . Và nếu là lim, không ai đào giếng dưới gốc nó để uống nước ( nước rất trong mát, ngon ngọt, trước đây là người Pháp, sau năm 1954, là nhân dân Quảng Yên, rất ưa dùng). Ai cũng biết lá lim và rễ lim rất độc, uống sẽ chết người ( nếu nó là 2 cây lim thật, thì đến nay, không ai tính xuể số người nhiễm độc đã chết ở Quảng Yên là bao nhiêu )

2 – Về tuổi cây, không cần dùng máy khoan sâu vào thân cây, nếu có chuyên môn, chỉ nhìn bằng mắt thường, cũng đoán tuổi cây, tối đa khoảng hơn 200 năm là cùng. Nghĩa là không phải cây thời Trần Hưng Đạo, 700 năm trước của cánh rừng gỗ lim còn sót lại , sau khi đóng cọc xuống sông Bạch Đằng năm 1288.

 

       Sau 2 thông tin trên, tôi chỉ còn một điều cần nói thêm. Trong bài viết “ Về hai cây lim Giếng Rừng” , tôi viết sau khi có một bài báo viết và đăng tương tự như bài của Linh Chi trên báo NGƯỜI QUAN SÁT ( như đã nêu trên). Cứ tưởng đến thế là thôi rồi, ai ngờ bây giờ lại phải dùng lại. Bài tôi đã đăng báo nhiều lần, lần gần nhất, tôi viết lại năm 2017, đăng báo ở Hải Phòng, báo Sáng tạo Việt Nam lấy đăng lại, ra ngày Chủ Nhật 19/4/2020. Tôi chắc tất cả các lần đăng ấy, Linh Chi chưa đọc một lần nào. Tôi cũng là người làm báo đến 50 năm, tôi biết rõ một điều là các nhà báo rất it đọc nhau, trừ khi có sự cố. Đoạn cần thêm ấy, tôi trích lại như sau:

 

       “ Vậy đó là cây gì? Xin thưa, đó là cây muỗm. Ai trồng? Người Pháp (có thể là viên công sứ Pháp - tòa công sứ cạnh giếng và ông ta cùng các nhân viên uống nước giếng này ). Trồng từ bao giờ? Từ sau năm 1883, khi người Pháp lần đầu đánh chiếm vùng này. Rồi không biết vào năm nào, sau năm 1883, người Pháp mang nó sang trồng, rồi sau đó cho đào giếng bên cạnh cây, dưới bóng mát của cây để lấy nước uống. Vì thế, nước giếng mới “ mát lạnh và trong suốt” được chứ. Vậy thời gian nó sống đến nay tối đa là 134 năm ( 1883 – 2017 ), đâu phải “ gần một ngàn tuổi” như bài báo đã viết” .

       “ Nhân đây xin nói thêm. Ở thị xã Quảng Yên, TP Hạ Long và Móng Cái, có 2 loại cây do người Pháp mang sang trồng, sau năm 1883, đã thành “ phong cảnh nên thơ” cho du lịch nơi đây. Đó là cây muỗm trồng quanh các dinh thự Pháp và cây long não người Pháp trồng trong sân bệnh viện và quanh bệnh viện. Tôi từng có câu thơ : “ Mùa hè hàng cây nong não / Tỏa một mùi hương làm nhớ một người” là viết về “ nó ” đấy. Rất tiếc là ở Móng Cái năm 1979, ta đã triệt hạ vài chục cây nong não thời Pháp, thân cây phải 2 người ôm…”

Hạ Long 17/ 10/ 2024

T.N.M

Nguon theo Trannhuong