/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

PGS.TS Võ Văn Nhơn nói về văn học Nam Bộ: Viết như một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc

Tàu lúc đó. Ngoài ra còn có cả tiểu thuyết tôn giáo, in trên báo Nam Kỳ địa phận.

PGS.TS Võ Văn Nhơn nói về văn học Nam Bộ: Viết như một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc



Văn học Nam bộ đóng vai trò đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, nhưng do nhiều lý do mà bị quên lãng trong một thời gian dài. Theo thống kế chưa đầy đủ, tiểu thuyết Nam bộ thời kỳ đầu (tính đến năm 1932) có hơn 500 tác phẩm, riêng thể loại hành động, phiêu lưu, mạo hiểm phải đến hàng trăm. Chính thể loại này đã làm cho văn học Nam bộ trở nên hiện đại, khác biệt.

Một thời gian dài chúng ta cho Tố Tâm (năm 1925) là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, nhưng ngày nay thì cột mốc đang được xem xét để thay đổi. Bởi tại Nam bộ, những tiểu thuyết như Hà Hương phong nguyệt (1912), Hồ Thể Ngọc (1916) của Lê Hoằng Mưu, Chuyện một cô lưu lạc đời nay (1916) của Michel Trần Thiện Thành, Kim thời dị sử (1917) của Biến Ngũ Nhy, Nghĩa hiệp kỳ duyên (1919) của Nguyễn Chánh Sắt, Ai làm được (1919) của Hồ Biểu Chánh… đã đi trước khá xa về chủ đề và bút pháp. Trong sự tiên phong này, thể loại hành động, phiêu lưu, mạo hiểm đóng góp một tiếng nói quan trọng.

PGS.TS Võ Văn Nhơn (ảnh trên) - chuyên gia trong lĩnh vực này - chia sẻ với độc giả những thông tin thú vị.

* Thưa ông, nói một cách súc tích thì văn học Nam bộ đầu thế kỷ 20 có những điểm nào khác biệt, nếu so với miền Bắc, miền Trung cùng thời hoặc sau đó vài thập niên?

- Chúng có 4 đặc điểm: 1) Tiên phong trên con đường hiện đại hóa; 2) Chú trọng chức năng giải trí; 3) Có ý thức hướng ngoại, quan tâm đến công chúng, đặc biệt công chúng bình dân; 4) Giàu tính đạo lý, có tính dân chủ cao… Ba đặc điểm đầu nổi bật so với văn học miền Bắc, miền Trung cùng thời.

Do hoàn cảnh lịch sử, Sài Gòn đã sớm tiếp xúc với văn hóa và văn minh phương Tây, vì thế văn học quốc ngữ ở Sài Gòn đã đi trước một bước trên con đường hiện đại hóa nền văn học dân tộc và hội nhập với nền văn học thế giới.

Nơi đây luôn xác định đối tượng độc giả là đông đảo quần chúng, đặc biệt là quần chúng bình dân. Các nhà văn của thời kỳ này luôn chú ý khắc họa hình ảnh của nhân dân lao động. Bửu Đình, vốn thuộc hoàng tộc, cũng hướng ngòi bút của mình về quần chúng lao động. Các nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh rất đa dạng, nhưng ông quan tâm hơn cả vẫn là những con người bần cùng, những người bị áp bức, bóc lột.

Do quan tâm đến đông đảo người đọc, vì thế văn học quốc ngữ Nam bộ rất chú trọng đến chức năng giải trí của văn học. Tuy nhiên có lúc do chiều theo thị hiếu của công chúng, chạy theo tốc độ xuất bản nên chất lượng của các tác phẩm cũng có phần còn hạn chế.


Một tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm của văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX

* Trong bối cảnh ấy, vì sao văn học Nam bộ có ưu thế về thể loại hành động, phiêu lưu, mạo hiểm?

- Đầu tiên có lẽ do bối cảnh sống. Thể loại này, với những mẫu nhân vật trọng nghĩa khinh tài, rất phù hợp với tính cách của người Nam bộ. Nó ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc phổ thông vốn ưa thích những truyện có cốt truyện ly kỳ, nhưng không quá phức tạp, dễ nhớ, dễ kể; nhân vật có cốt cách rõ ràng, thiên về hành động, chứ không đi sâu quá vào các diễn biến tâm lý phức tạp.

Trong dịch thuật, xu hướng này cũng được thể hiện rõ qua việc chọn dịch các loại tiểu thuyết về anh hùng, lịch sử, nghĩa hiệp… hơn các loại tình cảm, lãng mạn, tài tử giai nhân vốn được độc giả miền Bắc ưa chuộng hơn.


Một tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm của văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX

* Những tác phẩm nào mà ngày nay có thể “đọc được”, theo nghĩa nó không là “cột mốc lịch sử”?

- Sau năm 1975, ngoài những tác phẩm của Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Bửu Mọc, Việt Đông, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương… được tái bản dành cho giới nghiên cứu, hàng loạt tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa hiệp kỳ duyên của Nguyễn Chánh Sắt, Châu về hiệp phố và Lửa lòng của Phú Đức, Mảnh trăng thu của Bửu Đình,… được tái bản nhiều lần dành cho đông đảo bạn đọc. Điều này cho thấy đó không phải đơn thuần là những tác phẩm thuộc về cột mốc lịch sử.

* Nếu so về tâm thế, chủ đề (như trong "Tố Tâm", hay các tác phẩm của Tự lực văn đoàn…) thì văn học Nam bộ thời này ra sao?

- Rất thời sự và cũng khá đa dạng. Ngoài văn chương yêu nước khiến nhiều nhà văn bị bắt giam, bị đưa ra tòa như Nguyễn Văn Vinh, Phan Thị Bạch Vân, các nhà văn Nam bộ còn viết về những vấn đề thế sự như sự suy đồi đạo lý do ảnh hưởng của lối sống phương Tây, những vấn đề mới mẻ như bình quyền nam nữ, vấn đề tính dục. Phong trào viết tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này là một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc trước phong trào dịch truyện Tàu lúc đó. Ngoài ra còn có cả tiểu thuyết tôn giáo, in trên báo Nam Kỳ địa phận.

VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi