/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Ốc đảo của phụ nữ giữa sa mạc đàn ông

Đọc, cảm nhận Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay để thấy rằng phụ nữ mãi và luôn luôn là những người cần yêu thương,...

Ốc đảo của phụ nữ giữa sa mạc đàn ông



Bạn đọc dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, tâm trạng nào cũng đều tìm được cho mình một tiếng nói đồng âm, một sự sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu với tất cả những gì thuộc về người phụ nữ.

Đó là ở tuyển tập Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay. Có thể ví đây như bức khảm văn chương nữ Việt Nam sinh động, là tiếng nói của phái nữ viết về/vì chính mình.

Với 29 truyện ngắn do Thạc sĩ Đoàn Ánh Dương (tác giả vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải về Lý luận Phê bình năm 2014) tuyển chọn,Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay mang lại cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về văn chương nữ Việt Nam đương đại tiêu biểu cho các phong cách khác nhau và cách tiếp cận nghệ thuật độc đáo từ góc nhìn riêng của giới nữ. Đó là thế hệ nhà văn nữ xuất hiện vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990: Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Trần Thùy Mai, Lý Lan, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Lập Em cho đến thế hệ mới xuất hiện từ năm 2000 đến nay với Đỗ Hoàng Diệu, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên, Phạm Thị Điệp Giang, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy. Bên cạnh hai dòng chảy đó là sự hợp lưu của các nhà văn nữ hải ngoại xuất sắc: Mai Ninh, Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà, Thuận... 


Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay là tiếng nói của phái nữ viết về/vì chính mình

Đọc Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay bạn có thể chới với trong cảm giác đầy “Mơ hồ quyến rũ” của Trần Thanh Hà, đau đớn với những trớ trêu trong số phận khác nhau của một “Nhà có ba chị em”(Võ Thị Xuân Hà), thổn thức với những xúc cảm có thật trong cuộc sống hôn nhân với “Cơn mưa cuối mùa” và tự thắp sáng hi vọng về một ngày mai với sự khởi đầu mới cùng “Sông Hậu xuôi về” (Nguyễn Lập Em),“Chim trời day dứt” (Dương Thụy) hay “Nào ta cùng lãng quên” (Nguyễn Thị Thu Huệ).

Say mê với “không gian văn học Việt Nam đương đại”, nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương đã kì công tuyển chọn những họa tiết độc đáo, mới lạ, giàu có năng lượng sáng tạo nhất trong bức khảm văn chương nữ Việt Nam sinh động, là tiếng nói của phái nữ viết về/vì chính mình.

Đọc, cảm nhận Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay để thấy rằng phụ nữ mãi và luôn luôn là những người cần yêu thương, chở che nhưng chính họ cũng tràn đầy sức mạnh, là nơi trở về sau tất cả để bao dung, vỗ về và tha thứ: “Văn học nữ giai đoạn này đẹp một cách vừa vặn nhỏ xinh, cho một khoảnh khắc bất ngờ được lịch sử trao tặng vị thế và tự do vừa đủ cho sự thổ lộ, bộc bạch, về một hình ảnh đàn bà được tưởng tượng, cái ốc đảo của người nữ giữa sa mạc đàn ông, mà ngay cả trên bầu trời vẫn vẩn lên đám mây mang hình bóng của người nữ xưa cũ, của truyền thống nam quyền xưa cũ”. (Đoàn Ánh Dương).

Mai Kiều
Thể thao & Văn hóa