/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

NHÀ VĂN MINH CHUYÊN ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG LAO ĐỘNG

Ngày 9.10.2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Minh Chuyên...

NHÀ VĂN MINH CHUYÊN ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG LAO ĐỘNG

vanvn

 

 

Nhà văn Minh Chuyên

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Ngày 9.10.2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Minh Chuyên bởi những đóng góp đặc biệt của ông cho văn học viết về chiến tranh trong thời hậu chiến.

Hội Nhà văn Việt Nam xin chúc mừng nhà văn Minh Chuyên, xin cảm ơn những gì ông đã dâng hiến cho văn học, đặc biệt là văn học hậu chiến. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe và tràn ngập cảm hứng sáng tạo”.
 



Nhà văn Minh Chuyên, sinh ngày 10.12.1948 tại Thái Bình, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Là một chiến sĩ quân y cầm súng, 10 năm tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, ông đã chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh và sự hi sinh, mất mát lớn lao. Ông trực tiếp tham gia cứu chữa thương binh, chôn cất đồng đội và tỉ mỉ ghi chép lại mọi sự việc.

Năm 1974 – 1975, Minh Chuyên được cử tham gia trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị quân đội: Viết kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ cứu nước. Năm 1976, ông chuyển ngành làm phóng viên báo Thái Bình, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học & Nghệ thuật Thái Bình nhiều khóa. Từ 1997 đến 2007, ông là Biên tập viên chính – Đạo diễn Phim Tài liệu Đài truyền hình Việt Nam.

Ông đã chủ biên và sáng tác 97 cuốn sách với hơn 300 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và hơn 200 bộ phim tài liệu về thời kỳ hậu chiến như: Miền quê anh đến (tập truyện ngắn, 1985); Làm tiếp Surenco (tập truyện ngắn, 1986); Người gặp trong mơ (tập truyện ngắn, 1990); Thử thách (tập ký, 1994); Người lạc về đâu (tiểu thuyết, 1995); Người không cô đơn (tập truyện ký, 1995); Bút ký Minh Chuyên (tuyển tập, 1996); Điểm tựa cuộc đời (tập truyện ký, 1997); Di họa chiến tranh (tập bút ký, 1998); Nỗi kinh hoàng (tập ký, 2004); Hậu chiến Việt Nam (tập ký, 2004, 2005); Cha con người lính (tập kịch bản, 2006); Những linh hồn da cam (tập ký 2008); Linh hồn Việt Cộng (tập ký 2009)… và 115 kịch bản sân khấu, điện ảnh, truyền hình đã dàn dựng, công diễn, phát sóng truyền hình 1990 – 2010.

Nhà văn Minh Chuyên còn biên kịch, đạo diễn nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình như phim tài liệu Ông cố vấn, Huyền thoại tàu không số, Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía, Bức thông điệp lịch sử, Bất khuất Côn Đảo…

Nhiều tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên đã được trao tặng những giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập bút ký Di họa chiến tranh – 1998; Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ LĐTBXH cho tập ký Người không cô đơn – 2017; Giải Cúp vàng quốc tế, LHP quốc tế lần thứ 10 tại Triều Tiên cho phim tài liệu Cha con người lính – 2006; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017… và 10 huy chương vàng biên kịch, đạo diễn các phim tài liệu tại liên hoan điện ảnh và truyền hình.
 

Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh của nhà văn Minh Chuyên

Các tướng lĩnh, cựu chiến binh trong cả nước tham quan, nghiên cứu bảo tàng văn hoc của nhà văn Minh Chuyên

Đặc biệt, Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh – Minh Chuyên ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được xây dựng khánh thành năm 2018, đã trở thành một địa chỉ đặc biệt về văn chương – báo chí – điện ảnh và tái hiện hình ảnh một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi thương của dân tộc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan.

Việc nhà văn Minh Chuyên vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là hoàn toàn xứng đáng. Đó cũng là niềm vui chung của giới nhà văn nước ta, nhất là thế hệ cầm bút bước ra từ chiến tranh.

Nguon theo vanvn