/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tiếng nói Nhà văn

BAN ĐẦU ĐI HỌC, TÔI ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN BỊ ĐỂ SAU NÀY THÀNH MỘT NHÀ THƠ?

Hỏi người ở nhà cũ của thày thì người ấy bảo mua lại của một người khác, không biết chủ nhà cũ là ai, ở đâu…

BAN ĐẦU ĐI HỌC, TÔI ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN BỊ ĐỂ SAU NÀY THÀNH MỘT NHÀ THƠ NHƯ THẾ NÀO?

TRẦN NHUẬN MINH

.

        Năm nay tôi đã 76 tuổi, nghĩ lại thủa ban đầu đi học,  tôi thấy thời ấy thật trong sáng và hồn nhiên, rất đáng yêu, nhưng cũng rất buồn cười và tôi nghĩ chính từ những ngày ấy đã dẫn tôi chọn lựa để đến với văn chương.

        Năm 1952,  lên 8 tuổi, tôi bắt đầu học chữ A ở một trường cách mạng trong một làng tề 2 mang. Ông hương chủ là người của ta cử ra làm trưởng thôn cho địch. Lớp học ở đình làng. Thày giáo đầu tiên của tôi tên là Bến, chúng tôi gọi bằng anh, xưng tôi. Anh nói bây giờ là thời mới, thời cách mạng vô sản, tất cả đều phải khác trước. Anh đi chân đất như tất cả mọi người làng. Thời bấy giờ, ở các làng xã quê tôi, thường chỉ có địa chủ cường hào, hoặc địa chủ cường hào gian ác, mới có guốc mộc đi mùa hè và giầy vải rất đơn sơ đi vào ngày thật giá rét mùa đông. Anh Bến lên lớp dạy chúng tôi học, thường  mặc quần đùi, chỉ có ngày nào giá lạnh  mới mặc quần dài, loại quần mà ta thường gọi là quần âm lịch bằng vải riềm bâu nhuộm vỏ só. Anh vừa dạy học vừa cắn hạt dưa. Chúng tôi khoảng hai chục người, giải chiếu ngồi trên nền đất ở trong đình. Lớp trưởng là cô Ong, năm ấy đã khoảng 17 – 18 tuổi, là đội trưởng đội văn nghệ của làng tề kháng chiến.  Cô có bài hát tủ là Làng cháy, đến đâu cô cũng hát, không biết ai sáng tác: “ Ngày mười bảy tháng mươi hai, hôm làng cháy / Đau lòng nhìn theo bóng lũ quân tham tàn / Lửa cháy gió đưa theo hơi mù khét / Bao người bị ca tiết thui thành than” Tôi thuộc bài đó, sau này mới biết không phải ca tiết mà là cắt tiết. Chúng tôi đang cúi cắm viết, bỗng cô cất tiếng hò luôn, thế là chúng tôi cùng bỏ bút xuống, hò theo. Tôi vẫn nhớ như in câu hò của cô như sau: “Anh Bến đứng cắn hạt dưa ( chúng tôi hò theo “ Á lơ hò lơ”)  Cắn rồi lại nhổ ( Á lơ hò lờ)  ra ngoài xung quanh…” Thế là cả lớp hò tiếp một đoạn dài :“ Hò lơ hó lơ/ Hò lơ hó lơ/  Lắng tai nghe tiếng ai hó lơ, ta đây hò lờ”. Xin các bạn, các em đừng cho là tôi bịa, tôi nói là tuyệt  đối chính xác.  Anh Bến cười rất hiền lành, vẫn cắn hạt dưa tiếp. Và cô Ong lại hò tiếp : “ Anh Bến cắn nhổ ra ngoài ( á lơ hò lơ ) “Anh Bến cắn nhổ ( á lơ hò lờ) ra ngoài xung quanh…” Chúng tôi lại hò tiếp đồng loạt như trên. Vì thế lớp học rất vui. Khi có tin giặc Pháp về càn, anh Bến bảo chúng tôi giấu sách ra cái hố sau đình, anh cầm súng trường chạy ra ngoài đồng làng cùng với đội du kích…

        Khi biết đọc biết viết, anh Bến chỉ dạy chúng tôi các câu ca dao hò vè địch vận. Tôi vẫn nhớ các câu: “Anh dõng ( lính dõng) cầm khẩu súng dài / Hỏi anh cầm súng bắn ai bây giờ / Có bắn thì bắn thằng Tây / Là thằng gian ác bắn ngay tức thì”… đấy, đại loại thế. Ngoài những câu ấy ra, tuyệt đối anh không dạy chúng tôi bất cứ cái gì khác.  Năm 1953, chúng tôi đã để tang Stalin bằng cách cắt miếng vải đen rồi lấy kim băng cài lên vai áo bên trái. Anh phụ trách nói ông Stalin chết rồi và  đứng khóc luôn.  Nước mắt rất dễ lây, thế là lũ nhóc chúng tôi, chả ai biết gì về ông Stalin đều cùng khóc theo. Khoảng giữa tháng 5/ 1954, anh phụ trách đội Nhi đồng cứu quốc đưa cho tôi tờ báo Nhân Dân, khổ nhỏ giấy xám, in bài thơ “ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, bảo  tôi phải học thuộc lòng trong đêm, sáng sau trả báo anh, rồi dạy truyền khẩu cho cả đội thuộc lòng. Đấy là bài thơ đầu tiên tôi đọc bằng mắt. Tôi nhớ các câu chữ đến tận bây giờ, dù bây giờ một số câu chữ đã được sửa lại.  Suốt 2 năm đi học Trung học Sư Phạm Kẻ Sặt, tuần nào cũng 2 lần đi và về qua thị trấn Cẩm Giàng mà không hề biết ở đấy có các nhà văn Tự lực văn đoàn đã từng để lại một vệt sáng trong văn học Việt Nam. Đầu năm 1976, tôi gặp Trịnh Công Sơn ở Huế. Lúc bắt tay anh, tôi hoàn toàn không biết Trịnh Công Sơn là ai, trong tôi chưa hề có bất cứ một nốt nhạc, một câu ca từ nào của một nhạc sĩ mà sau này tôi rất cảm mến.

        Các bài gọi là thơ trong sách giáo khoa đều na ná giống nhau. Tôi vẫn thuộc lòng đến tận bây giờ bài thơ  Lời mẹ dặn  của Trần Hữu Thung ở sách giáo khoa cấp I, sau này mới biết đã được giải Nhì văn học Việt Nam kháng chiến: “ Hôm nay mùng 3 tháng 3 / Là ngày kỉ niệm Đảng ta ra đời / Con ơi, mẹ dặn mấy nhời / Công ơn của Đảng con thời chớ quên/ Mẹ cha sống nhục sóng hèn / Vì chưa có Đảng cho nên nỗi này/ Đầu cha con nghẹn tay thằng Pháp/ Vai mẹ con nặng ách thằng vua / Quanh năm vất vả cày bừa / Quanh năm ăn bát cơm thừa quanh năm / Có làm mà chẳng có ăn / Có ngày mà sống tối tăm mịt mù / Từ ngày cách mạng mùa thu / Cái chân con thẳng, cái đầu mẹ ngay / Con ơi có Đảng cầm tay / Sớm hôm bưng bát cơm đầy chớ quên” Đến cấp 2, học các bài thơ như sau : “ Lợi quyền ta cố ta đòi / Dần xương đế quốc, xẻo môi quan trường” và “ Gọi đến lính không thằng nào chịu / Bắt một người ta kéo muôn người / Bấy giờ có lẽ giết ai…” Rồi : Thuế chó cũi , thuế lợn lò/ Thuế đường thuế chợ thuế xe / Thuế xí kia mới thiệt lạ lùng / Làm cho cửu thập nhất không / Làm cho đau đớn không cùng không nguôi”…  Chỉ có 1 bài có khí hậu văn chương là bài của Lưu Trùng Dương  về anh bộ đội biên phòng: “Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi / Ngày mờ sương tơ tưởng một chuyến đò / Đêm năm canh thao thức một vần thơ.”  Đến năm lớp 7 thì học thêm bài Thư gửi cha, thày giáo dạy bảo  là của đồng chí… ( mà tôi không dám nêu tên) “ Đọc mấy lời trong thơ cha dụ dỗ / Dòng lệ con lã chã lưu li / Nhớ ngày nào con dứt  áo ra đi / Trong quá khứ còn ghi nhiều kiêu hãnh/ Kià lưỡi kiếm máu quân thù còn dính…” Vị cha này đã theo địch, nên : “ Cha cũng chỉ là cha trong dĩ vãng… / Lưỡi gươm thần tuốt sẵn để chờ khi…” Bài thơ kết ở đó.

      Có lúc tôi nghĩ, lòng căm thù là cần thiết để một thế hệ thanh niên vào trận. Nhưng để làm một nhà thơ có thể đồng hành được với Nhân Dân  thì phải biết yêu người, phải biết thương người. Tôi vẫn luôn nghĩ đến 2 câu trong lời một ca khúc bất hủ của Văn Cao viết sau chiến tranh: “Từ đây người biết yêu người / Từ đây người biết thương người…” Những câu thơ không bao giờ nguôi ngoai suốt cuộc đời tôi chính là lòng yêu người, lòng thương người đó. Rất may mắn là tôi đã học được điều đó từ trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà tôi đã  được bà cô tôi ( mù bẩm sinh làm nghề bói toán) và mẹ tôi – một người không biết viết chữ) dạy truyền khẩu cho và tôi đã thuộc lòng cả quyển từ năm lên 10 tuổi. Khi tôi đi học Sư phạm, tôi nói điều đó không mấy ai tin. Đành phải tắt đèn, trước khi ngủ, đọc lần lựơt cho bạn học nghe.  Chỉ có 2 người tin là tôi sẽ đến với văn chương, đó là thày Vũ Châu Quán dạy  lớp Văn B. bên cạnh và thày  Minh Hoài Nguyễn Gia Trọng trực tiếp dạy tôi ở lớp Văn C. Chính thày Trọng đã  động viên tôi làm thơ theo con đường của cụ Nguyễn Du, nhưng thày  bảo tôi viết về hiện thực thì chỉ được 2 phần xấu, còn 8 phần phải tốt, nếu thấy không đủ tốt thì đắp thêm cái tốt vào, nếu không sẽ thành Nhân văn giai phẩm, rất nguy… Suốt đời tôi biết ơn thày Minh Hoài Nguyễn Gia Trọng, Thày làm thơ và đã được giải Ba cuộc thi thơ của Báo Người Giáo viên nhân dân

       Thày ở  nhà số 163 phố Bà Triệu, Hà Nội. Vài chục năm trước, thi thoảng tôi đến thăm thày, mỗi lần về Hà Nội. Từ khi gia đình thày chuyển đi thì tôi mất liên lạc. Hỏi người ở nhà cũ của thày thì người ấy bảo mua lại của một người khác, không biết chủ nhà cũ là ai, ở đâu…