/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

TẢN MẠN CHUYỆN NGHỆ DANH CỦA CÁC “SAO” VIỆT

Với những nghệ danh rất Ố là là ấy, các ca sỹ nhà ta (hy vọng sẽ nổi danh một sớm một chiều) đã bắt khán giả phải toát mồ hôi đi tìm câu trả lời...

TẢN MẠN CHUYỆN NGHỆ DANH CỦA CÁC “SAO” VIỆT

(In ở phần ĐỌC THÊM trong cuốn PHÍA SAU SỰ THÀNH ĐẠT của Phạm Thị Tuyết ; Nhà xuất bản Thanh Hóa 2009

*

       Khi bước chân vào làng giải trí, các nghệ sỹ rất cẩn trọng trong việc chọn nghệ danh bởi nghệ danh không chỉ đơn thuần là dùng để phân biệt giữa nghệ sỹ này với nghệ sỹ kia, mà nghệ danh còn khẳng định tên tuổi, đẳng cấp và ảnh hưởng sâu sắc tới tiền đồ... của nghệ sỹ đó. Nghệ danh được chọn lựa phải hội đủ một số yêu cầu: hay, lạ, dễ nhớ, không trùng lặp với tên của các nghệ sĩ khác và điều quan trọng là phải có ý nghĩa may mắn, tốt đẹp.

     Trong làng giải trí Việt Nam, khi nhắc đến ca sỹ Đan Trường là người ta nhắc đến tài năng của “phù thủy” Tuấn Thaso trong công nghệ lăng xê một ca sỹ “thợ tiện” thành “ngôi sao” ca nhạc chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Gác lại mọi ì xèo về mối quan hệ tình cảm mà dư luận cho là không “bình thường” giữa ông bầu và ca sỹ thì lời tâm sự của Đan Trường rất thật khi anh nói về tài năng “phù phép” của Lê Hoàng Tuấn: "Sự nổi tiếng đến với tôi quá nhanh, đến mức nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được. Chỉ sau một đêm, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi, được mọi người biết đến nhiều hơn" (vnexpress - Thứ hai, 7/8/2006).

     Trước hiện tượng Đan Trường, người ta đổ xô vào phân tích, mổ xẻ để tìm ra những “chiêu thức” mà gã “phù thủy” Lê Hoàng Tuấn (sinh năm 1961) đã sử dụng để tạo nên một thương hiệu Đan Trường sâu chắc, bền vững trong sự ái mộ của giới trẻ. Trong số những “chiêu thức” được dư luận gạch đầu dòng, người ta cố nhắc đến nghệ danh Đan Trường, và cho rằng cặp đôi Hoàng Tuấn - Đan Trường  đã chủ ý lấy nghệ danh Đan Trường (cũng là tên thật) để “ăn theo” nghệ danh của một ca sỹ đàn anh đang nổi đình nổi đám lúc bấy giờ. Cho dù nghệ danh Đan Trường (tên thật là Phạm Đan Trường, sinh ngày 29/11/1976) không phải là cố ý ăn theo nhưng sự tồn tại một nghệ danh (Lam Trường) đang nổi như cồn lúc bấy giờ (1997) cũng là điểm thuận lợi, may mắn để ca sỹ Đan Trường nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả.

     Sau hiện tượng qua “một đêm” trở thành người nổi tiếng của ca sỹ Đan Trường, đã khiến thị trường nhạc Việt náo loạn bởi một loạt nghệ danh (của các ca sỹ) có đuôi Trường xuất hiện: Xuân Trường, Vân Trường, Đoan Trường, Đoạn Trường, Đam Trường, Phi Trường, Tấn Trường... Khiến không ít khán giả bật cười với ý nghĩ: Bây giờ, chẳng cần phải hát hay, chẳng cần phải hát có kỹ thuật, muốn nổi danh chỉ cần mẽ đẹp trai, tên có đuôi Trường là đủ.

     Hay như chuyện về cố nhạc sỹ Đỗ Quang (tên thật là Đỗ Quang Trùng Dương, sinh ngày 15/12/1971, tốt nghiệp loại giỏi khoa Thanh nhạc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh năm 1994, mất ngày 27/12/2004 tại thành phố Hồ Chí Minh) được mọi người nhắc đến không chỉ đơn thuần về tài năng “biến” những ca sỹ phong trào (không ít người trong số họ được dư luận “tôn vinh” là “ngôi sao” mà thực chất giọng hát của họ thuộc kiểu “băm bèo thái khoai”) thành ca sỹ, nhóm nhạc ... có tên tuổi, mà anh còn được mọi người ca ngợi sự kỳ công, cẩn trọng trong việc đặt tên cho nhóm nhạc và nghệ danh cho các học trò của mình.

     Để đặt nghệ danh cho các thành viên nhóm nhạc 1088, ông bầu Đỗ Quang đã ra tận Huế, đến gặp sư thầy nổi tiếng đất cố đô để nhờ bà chọn tên và làm lễ xưng danh cho các ca sỹ với những nghệ danh đậm đặc chất điện ảnh Hồng Kông: Vân Quang Long (Lê Quang Hiển), Điền Thái Toàn (Nguyễn Văn Toàn), Ưng Hoàng Phúc (Nguyễn Quốc Thanh), Nhất Thiên Bảo (Lâm Quang Vũ), Nhật Tinh Anh (Nguyễn Quốc Phương) ... Không hiểu có phải vì những nghệ danh nghe rất mới lạ ấy, hay vì tài năng của Đỗ Quang trong việc chọn bài, xử lý (che lấp) những yếu kém về chất giọng, kỹ năng hát của từng ca sỹ trong từng bài hát... mà chỉ trong thời gian rất ngắn, những chàng trai “được cái đẹp mẽ” ấy bỗng vụt sáng, chói lóa hơn cả những ca sỹ thực thụ, chuyên nghiệp.

     Sau này, khi nhóm 1088 rã đám, nhạc sỹ Đỗ Quang vẫn rất cẩn trọng trong việc chọn lựa nghệ danh cho các học trò của mình như: Trí Hải (Cấn Hải Triều), Triệu Hoàng (Trần Quốc Việt), Việt Văn (Nguyễn Thanh Tân), Tuyết Sơn (Nguyễn Hồ Khánh Sơn)... vì anh mong, những nghệ danh ấy sẽ đem lại may mắn, vinh quang cho các trò yêu của mình. Nhưng thật tiếc, chính những cái tên (nghệ danh) mà anh kỳ vọng sẽ đem lại tốt đẹp cho học trò của mình lại đem đến những đắng cay nghiệt ngã, những bất hạnh tột cùng... cho người nhạc sỹ tài hoa mà xấu số này.

     Từ thành công hết sức ngoạn mục của “hiện tượng Đan Trường”, của nhóm nhạc 1088, các ca sỹ phong trào lại rầm rộ chọn tên nghệ danh rất “đinh”, rất “kêu”, rất điện ảnh Hồng Kông, Hàn Quốc như: Ưng Đại Vệ, Lâm Chí Khanh, Châu Gia Kiệt, Lưu Gia Bảo, Lưu Chí Vỹ, Hàn Thái Tú, Khổng Tú Quỳnh... Thậm chí, nhiều ca sỹ còn chọn nghệ danh kiểu hầm bà zằng, chẳng ta cũng chẳng tây mà cũng chẳng Hồng Kông, Hàn Quốc gì, chỉ cần nghe “mới lạ mà không đụng hàng” là được, chẳng hạn như: Thiên Trường, Địa Hải, Dương 565, Akira Phan... Với những nghệ danh rất Ố là là ấy, các ca sỹ nhà ta (hy vọng sẽ nổi danh một sớm một chiều) đã bắt khán giả phải toát mồ hôi đi tìm câu trả lời: trong rừng ca sỹ này có ca sỹ nào là người Việt Nam?.

*.

Hà Nội, tháng 05-2009

ĐẶNG XUÂN