/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

MỘT VÙNG HƯƠNG VÀ GIÓ XẠC XÀO

Cảm giác Trần Đức Trí đang manh nha tìm ra “con đường không lối” trong thơ của riêng ông bằng cách hướng vào mình mà viết, là rất rõ.

MỘT VÙNG HƯƠNG VÀ GIÓ XẠC XÀO

                     (Đọc tập thơ “Hoa vườn ngoại” của Trần Đức Trí)

                                                                                           *  Đặng Huy Giang

     “Hoa vườn ngoại” là tập thơ đầu tay của Trần Đức Trí, gồm 54 bài thơ ngắn, sáng tác trong khoảng thời gian từ 1974 đến 2014. Làm thơ từ những năm 70 của thế kỷ trước, vậy mà phải chờ đến 40 năm sau, đứa con tinh thần thứ nhất của Trần Đức Trí mới ra đời, đó là một sự cẩn trọng và bình tĩnh đến hiếm hoi. Có cảm giác: Trong thơ, Trần Trí Đức chậm rãi đi từng bước một và đấy là những bước đi có nhận biết.
.

Chân dung Trần Đức Trí

   .
       Đọc “Hoa vườn ngoại”, người đọc nhận ra xuất phát điểm nào đã truyền cảm hứng cho Trần Đức Trí làm thơ và có thơ:

Trong giấc mơ trốn tìm dưới ánh trăng thanh

Ai khúc khích cười sau gốc cây hoa ấy

Tôi chạy vòng quanh mà chỉ thấy

Một vùng hương và gió xạc xào.

   Vậy là Trần Đức Trí đã đi tìm ngày xưa với những kỷ niệm trong vắt mộng mơ và nên thơ, đã một đi không trở lại! Chính sự  Chạy vòng quanh mà chỉ thấy: Một vùng hương và gió xạc xào đã sinh thành ra thơ. Rồi chính trong cái vùng đầy hương lan tỏa theo tiếng gọi của mùa và tiếng xạc xào của gió ấy, đã đánh thức hoặc làm thức dậy một hồn thơ. Tất nhiên, không chỉ có thế, “Hoa vườn ngoại” còn gắn bó rất sâu sắc với hình ảnh một người bà, mà ở đây là bà ngoại, cụ thể hơn là tấm lòng của bà ngoại – một chỗ dựa tinh thần trong những tháng năm đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, trong những tháng năm rất cần chia ngọt sẻ bùi:

Nhớ nồi khoai luộc ngày xưa

Lòng bà thương cháu đến giờ còn thơm.

                               (“Bà ơi”)

    Với Trần Đức Trí, được làm con của mẹ Việt Nam đã là hạnh ngộ: Con hạnh phúc được làm con của mẹ (“Mẹ”); tình yêu đôi lứa luôn có hai mặt của nó: Ngọt bùi, cay đắng cũng là duyên em (“Vườn nhà”); dạy và học đều có gian nan, thử thách và bổn phận như nhau: Sông sâu thầy vượt, đò đầy em qua (“Nợ thầy”)…

     Đọc “Quê hương”, “Diều đứt dây rồi”, “Giăng mắc”, “Tiễn xuân”, độc giả dễ dàng tìm ra được những câu đáng chú ý. Đây là một lời nhớ đồng thời cũng là một lời than thở, luyến tiếc: Qua bến đò xưa, ai cố nhân? Đây là lời tâm sự đồng thời cũng là lời giãi bầy của một người không bao giờ quên gốc rễ: Diều bay về cuối trời tây/ Dây tơ còn cuốn gốc cây buộc diều. Đây là nghịch lý mà có thể chưa hẳn là nghịch chiều trong vô vàn oái oăn, trắc trở vốn tồn tại trong đời sống: Ai đem nước nguội hãm trà/ Ai gieo hạt cải mà ra hoa hồng? Còn đây là tâm trạng của một người sau cuộc vui, sau mùa vui, được truyền tải qua tám câu lục bát tài hoa tạo ra dư ba day dứt không yên:

Ai ngồi đếm tiếng chuông rơi

Vẳng nghe tiếng nhạn lạc trời mà đau

Xa xôi đứt mấy nhịp cầu

Vườn xưa còn ngát hương cau quê nhà

 

Áo em mờ tím hoa cà

Mẹ già ngả bóng như là hoàng hôn

Xuân đi lành lạnh trong hồn

Mưa phùn gió bấc về chôn hoa đào.
.

     .
       Nhưng “Hoa vườn ngoại” đâu chỉ có thế và không chỉ có thế. Một “Non nước” với Sông buông dòng lạnh lẽo/ Núi đứng trơ một hòn; một “Về đi em” với Một mình tôi lại tiễn tôi; một “Khóc” (trích từ “Chùm thơ ngắn”) với Khóc người, khóc mẹ, khóc cha/ Khóc khô nước mắt hóa ra khóc mình…cũng vừa đủ làm nên một Trần Đức Trí mang một chiều kích đáng kể của cái tôi nguyên bản, của cái tôi khác biệt. Riêng câu Một mình tôi lại tiễn tôi làm tôi nhớ đến một câu thơ mà tôi coi là gia tài thơ lớn nhất của Nguyễn Bính để lại cho hậu thế qua bài thơ “Những bóng người trên sân ga”: Một mình làm cả cuộc phân ly. Và ngỡ không có cái tôi ấy sẽ không còn thơ của một cá thể mang tên Trần Đức Trí nữa. Trong chùm thơ này, có thể coi “Non nước” là một tứ thơ hoàn chỉnh. Chỉ có một người không giữ trọn được lời thề trước người mình yêu trước núi sông như là chứng nhân, mà viết được một bài thơ giản dị lại sâu sắc như thế này, xem ra chẳng phải là chuyện dễ dàng gì:

Ngày đi em vẫn còn

Tình như nước như non

Sông ôm hòn núi dựng

Như lời thề sắt son

 

Hôm nay ta trở lại

Em đã có chồng con

Sông buông dòng lạnh lẽo

Núi đứng trơ một hòn.

      Cả bài thơ dồn lại ở hai câu cuối với hai chi tiết đắt, khiến những cái ngỡ ở ngoài người cũng cùng chung cảnh ngộ với người.

      Với tôi, văn chương nói chung và thơ nói riêng, là con đường không lối.  Cảm giác Trần Đức Trí đang manh nha tìm ra “con đường không lối” trong thơ của riêng ông bằng cách hướng vào mình mà viết, là rất rõ.

                                                                                                   Đ.H.G