/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

THẦY THÌN

Cầu mong thầy vui nơi vĩnh hằng cực lạc. Thầy Thìn!

Trung Trung Đỉnh 

THẦY THÌN

 

          Tôi là lứa học trò sơ tán đầu của trường cấp 3 Ngô Quyền Hải Phòng về trú dưới những bụi tre đằng ngà và những căn nhà hầm của xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Thầy trò thời ấy đều đội mũ rơm, đeo lá ngụy trang, ai có quần áo kiểu gì thì mặc nấy, không phải như bây giờ đồng phục. Thầy Thìn dạy văn nổi tiếng của trường. Thầy thường mặc quần nâu áo vải, đi dép cao su. Cũng có hôm thầy mặc áo sơ my màu vàng nhạt với dáng vẻ hiền lành và thân thiện. Tôi là cậu học trò "còi dí còi dị" được thầy quan tâm hơn các bạn với hai lý do. Thứ nhất là từ hôm được thầy dẫn vô phòng trong nhà hầm của thầy, tôi và mấy thằng bạn được xem một hòm sách truyện mà thầy có. Thầy có ý nửa khoe, nửa khuyến khích học trò đọc truyện. Thứ hai là ở quê tôi đang có phong trào lập tủ sách, mà tủ sách của tôi là một trong những tủ sách tiên tiến của huyện. Sau cái hôm được xem hòm sách ấy của thầy, tôi thực sự mê. Mê vì thầy cởi mở cho xem những cuốn truyện mà loại nhà quê như tôi không thể kiếm đâu ra. Thầy bảo thầy thân với chú Tỷ cửa hàng trưởng hiệu sách nhân dân huyện nên thầy thường xuyên có sách quý. Có tháng thầy dành hết cả tiền lương mua sách. Tôi nghĩ kế làm thân với thầy để thầy dẫn dắt vào con đường khám phá sách truyện. Một hôm vào thứ 5 được học ngoại khóa gì đó tôi đến trường. (Đường đi học của tôi qua cánh đồng giữa hai ngôi làng) tình cờ vớ được cái giạy đơm cá rô của ai, trong giạy có tới bốn, năm con toàn cá rô to, liền mắt trước mắt sau thấy yên tĩnh thế là lên bờ bóc bẹ cây chuối xiên cá rô giấu vào. Tôi liền hướng tới dẫy nhà thầy cô, ghé vào phòng thầy Thìn với bộ dạng lấm lem, ướt nhèm và một xóc cá rô. Thấy vậy thầy ngạc nhiên hỏi: "Em sao lấm lem thế này?". Tôi bảo thưa thầy em bắt được mấy con rô to trong ruộng hợp tác xã, tiện thể thấy thầy có nhà em đến định biếu thầy ạ. Thầy Thìn vội lấy nước vào chậu thau cho tôi rửa mặt mũi lau chân tay rồi bảo, em tranh thủ làm cá đi, thầy lên lớp hết tiết này về đây,  thầy trò mình cùng ăn, cơm thầy nấu rồi.

          Ôi, tôi sướng rơn không thể nào tả nổi. Hồi ấy hình như tôi đang học lớp 9Đ và là học sinh kha khá văn của thầy. Tôi nhớ mãi có lần tôi được điểm 4 (ta theo thang điểm 5 của Liên Xô cũ). Tôi  phải ngoặc đơn chỗ này là, trong tất cả các môn học tôi chỉ chú tâm học môn văn và sử còn các môn tự nhiên toán lý hóa tôi học cầm chừng.

Tôi mở nồi cơm độn khoai lang và liễn dưa cải muối của thầy… xem. Bữa nay thầy trò tôi được ăn cơm với cá rô kho. Tôi cho cá vào cái niêu đất nằm chỏng chơ dưới gầm giường ra, rửa sạch, cho cá cho muối với ít dưa cải chua và ba củ hành khô, đun lên, thơm lừng. Thầy về, xuýt xoa từ ngoài cửa nhà hầm "thơm quá, ngon quá!". Thầy bày các món lên nóc hòm hai thầy trò "đánh chén". Thầy bảo thầy vừa dự họp về, lớp mình  bọn con trai đi bộ đội vãn, buồn quá. Rồi thầy đọc thơ của thầy cho tôi nghe. Tôi thì ú ớ nhà quê nào đâu có biết gì thơ phú. Nhưng thầy cứ đọc. Tôi ngồi gác đũa nghe. Hình như giữa bữa ăn có kẻng báo động. Thầy trò tôi ra ngoài nghe ngóng. Rồi lại vào nhà hầm, nhưng không ăn nữa.

          Sau đó, nhiều lần tôi đến phòng thầy chơi tự nhiên. Có lần tôi mời được thầy về nhà chơi. Bố tôi vốn là một ông giáo làng, thời trước dạy chữ nho và vẽ tranh dân gian. Ở quê tôi gọi bố là thầy. Thầy tôi và thầy Thìn  ăn bữa cơm cũng nghèo chả kém gì bữa cơm thầy trò tôi ăn hôm trước, có hơn chăng là có nậm rượu. Cả hai thầy đều chỉ nhấm nháp chứ không ai uống. Bố tôi thì chỉ thích thơ cổ chữ nho, đọc cho thầy Thìn nghe. Thầy Thìn đọc thơ mới của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thế Lữ rồi có cả thơ của thầy mới làm cho bố tôi nghe. Một bữa cơm chả thấy ẩm thực đâu, chỉ  còn đọng mãi trong lòng tôi cho tận tới bây giờ, ấy là giọng đọc thơ của hai người thầy yêu quý nhất của đời tôi, giữa làng quê sâu hun hút, xa vời vợi của cái năm nảo năm nào...

          Rồi tôi cũng  như các bạn cùng lứa: Xa thầy, xa trường, xa lớp, xa bố mẹ, xa làng quê đi bộ đội.  Tôi nhớ cái thời gian đầu trên núi rừng Yên Tử, còn ở đơn vị huấn luyện, tôi thường viết thư về thăm thầy, được thầy "ra đề văn" cho tôi làm bài, sau đó gửi bưu điện về cho thầy chấm. Qua bao thăng trầm của đời lính trận, tôi không khi nào không nhớ thầy Thìn với bữa cơm độn khoai cá rô "kho" và bữa "rượu" với hai người thầy của đời tôi mà tôi được ngồi  hầu chuyện. Sau khi thống nhất đất nước, hình như mãi cuối năm 1976 tôi được về quê, tới thăm thầy Thìn. Tôi nhớ trong căn nhà lá ở khu tập thể giáo viên sau Trường cấp 3 Vĩnh Bảo, thầy Thìn tôi đã có vợ con nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Thầy tôi nghe tin tôi về thăm, đã ra cửa ôm tôi thật lâu. Hai thầy trò ôm nhau ngã lăn ra nền đất của ngôi nhà chật chội. Cũng chả nói chuyện với thầy được bao lâu, tôi lại phải ra đi. Thầy tôi đã khuất bóng mà tôi cũng chả về được…

          Giờ đây tôi đã thành một lão già U bảy mươi. Ngoái lại thấy mọi chuyện đã qua như trong chốc lát. Cô Thúy Ngoan, vợ thầy, không ngờ lại là "cái Ngoan" học sau em, nay đã thành nhà thơ và đã bước tiếp niềm đam mê của thầy. Cầu mong thầy vui nơi vĩnh hằng cực lạc. Thầy Thìn!

                                                             Một ngày cuối năm 2016

                                                                    T.T.Đ