/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Điều chưa biết về thầy Văn Như Cương qua lời kể của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

Thầy làm nhiều bài thơ tặng cho bà với một tình cảm rất “thanh niên”.

Điều chưa biết về thầy Văn Như Cương qua lời kể của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

 

       Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo với PGS Văn Như Cương chơi với nhau khá nhiều năm. Cả hai còn là những bạn văn chương khá “tâm đầu ý hợp”. Trong cuộc trò chuyện mới đây, nhạc sỹ “Khúc hát sông quê” đã chia sẻ khá nhiều điều thú vị về người thầy giáo đáng kính này.

Ông với PGS Văn Như Cương quen biết nhau như thế nào, thưa nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo?

Tôi chơi với thầy Văn Như Cương lâu lắm rồi. Chúng tôi rất quý nhau vì chơi với thầy Văn Như Cương thú vị lắm. Thầy Cương rất thích đánh cờ, uống rượu và nói chuyện văn chương. Đặc biệt, thầy uống rượu cũng được lắm. Thầy thích uống rượu volka Nga và Pháp nên mỗi khi tôi có loại rượu này tôi lại mang biếu cho thầy.

Thầy cũng thích uống rượu này với cá Astrakhan của Nga. Có lần, có anh bạn ở Nga về biếu tôi mấy kilogam cá Astrakhan tôi cũng mang biếu thầy hết.

Thời tôi còn ở chung cư 6 tầng không có thang máy, mời thầy đến chơi mà thầy vẫn leo lên tận nhà. Anh em ngồi uống rượu đến khuya, thầy vẫn ra về bình thường.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và thầy giáo Văn Như Cương cùng các cháu ngoại của ông.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và thầy giáo Văn Như Cương cùng các cháu ngoại của ông.

Sở thích này bắt nguồn từ câu chuyện đó là thời các thầy sang tu học bên Nga khá gian khổ và thiếu thốn. Mỗi khi buồn, chỉ có mấy ly rượu nhắm với con cá ướp mặn Astrakhan chứ không có gì khác. Sau này, dù đời sống đã khá hơn nhưng thầy vẫn giữ sở thích đó như một cách nhớ về một thời kỷ niệm, như chúng ta hay nhớ những món ăn tuổi thơ. Việc ăn đó không đơn thuần là ăn mà như một cách để nhớ về một thời gian khổ đã qua.

Một con người đã kinh qua những giai đoạn như thế nên họ có cả một quá trình để rèn luyện và phấn đấu. Để dù có đi tới một cái đỉnh cao nào cũng luôn thấy mình là người bình thường.

Là một người bạn văn chương lại là đồng hương xứ Nghệ, trong mắt ông, PGS Văn Như Cương là một người như thế nào, thưa ông?

Trước hết, với tôi, thầy Văn Như Cương là một người rất Nghệ. Cái chất đồ Nghệ thể hiện rất rõ ở sự thông minh, sắc sảo, hóm hỉnh và rất giàu tâm hồn thi ca - thơ phú. Ngoài ra, thầy Cương còn là một người rất thông minh và mẫu mực vì thầy xuất thân trong gia đình có truyền thống về Nho học của Quỳnh Lưu - Nghệ An. Nhiều năm gắn bó với nghiệp sư phạm nên tính gương mẫu của thầy Cương rất cao. Phải nói, thầy Văn Như Cương là một nhà sư phạm lỗi lạc vì ông có đóng góp rất lớn cho sư phạm Việt Nam.

Ông không chỉ có công lớn trong việc biên soạn các bộ sách giáo khoa, trong giảng dạy các cấp học mà còn đóng góp nhiều ý kiến cho công cuộc cải cách giáo dục với chính kiến rõ ràng, độc đáo và tân tiến. Những cải cách của thầy được cả xã hội thấy thích thú và ủng hộ.

Ngay cả việc thầy mở trường dân lập đầu tiên sau đổi mới cũng là một tư tưởng cải cách rất mới mẻ. Từ ngôi trường này, thầy đã xây dựng một phong cách giáo dục rất riêng mà sau này được rất nhiều trường dân lập khác học tập theo. Gần 30 năm tồn tại, trường đã đào tạo ra những lứa học sinh có kết quả học tập rất cao. Chất lượng đào tạo luôn đi kèm với triết lý: “Học làm người tử tế”.

Triết lý giáo dục này tác động rất mạnh, không chỉ trong trường Lương Thế Vinh mà còn tác động ra ngoài xã hội. Triết lý này làm cho người ta không quá tự ti mà cũng không quá kiêu ngạo. Triết lý này mang tới sự kỷ luật tự giác ở nhà trường.

Nói trường đó hà khắc là không đúng vì trường của thầy Văn Như Cương luôn dạy trò nghiêm khắc, không chỉ nghiêm khắc với người mà phải nghiêm khắc với chính mình. Có như thế chất lượng giáo dục mới tốt lên. Vì thế, học sinh của trường Lương Thế Vinh chất lượng rất đồng đều và kết quả đỗ đại học hàng năm 100%.

PGS Văn Như Cương đánh trống khai giảng năm học mới.
PGS Văn Như Cương đánh trống khai giảng năm học mới.

Mặc dù vậy, thầy Văn Như Cương vẫn đưa ra quan điểm là cả nước vào đại học cả thì không nên, phải có người làm cái này, người làm cái kia. Phải có người học giỏi để tiếp tục dìu dắt các thế hệ trẻ nhưng bên cạnh đó cũng phải có những người làm thợ để cân bằng xã hội. Quan điểm của thầy không chỉ cho thấy thầy nhà sư phạm lỗi lạc mà còn rất mẫu mực trong công cuộc giáo dục của mình.

Vậy còn dưới gốc độ thơ phú, ông nhìn nhận như thế nào về “nhà thơ” Văn Như Cương?

Quê của thầy Văn Như Cương cũng là quê của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, thuộc xóm Điếm, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Xóm Điếm, nơi có cái điếm canh từ thời trước, quả là một "xóm thơ". Nói là xóm thơ, vì xóm này không chỉ có bà Hồ Xuân Hương làm thơ mà có hàng chục hàng trăm người làm thơ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Chỉ tính từ cụ Hồ Phi Diễn đến nay cũng không đếm hết những tên tuổi thành danh từ cái xóm nhỏ này.

Xóm Điếm ở trong một cái làng có đến 531 sinh đồ (Tú tài), 203 hương cống (Cử nhân) với 958 lượt người đỗ 116 khoa thi hương trong đó có đến 13 giải nguyên như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Dương Dực, Phan Đình Phát… đỗ đại khoa thì có 4 phó bảng: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai; có 6 tiến sĩ: Hồ Sĩ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sĩ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Thúc Hạp; 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống; một thám hoa: Dương Cát Phủ; một bảng nhãn: Hồ Sĩ Dương.

Sau này có đến mấy nhà thơ, nhà văn hội viên hội Nhà Văn Việt Nam và nhiều nhà thơ khác là hội viên tỉnh này, thành phố nọ, rải rác khắp nơi. Nói thế để thấy truyền thống văn chương chữ nghĩa ở đây thật là giàu có. Thầy Văn Như Cương cũng là một "nhà thơ" rất hóm chữ nghĩa.

Thầy nổi tiếng dạy toán, từng soạn nhiều tập sách giáo khoa cho ngành giáo dục nhưng thầy cũng là người yêu văn chương, chữ nghĩa. Thầy có nhiều bài thơ tự trào và câu đối được bạn bè truyền tụng. Và đôi khi cao hứng, thầy cũng tếu táo cho vui đời: “Văn Như Cương, toán cũng Như Cương”.

Thầy làm thơ không nhiều và cũng chỉ để đọc chơi trong các cuộc bạn bè vui vẻ hoặc để tặng người thân. Đọc thơ thầy Cương lại thấy thật nhẹ nhàng và thanh thoát: “Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng Toán học bớt khô khan/Em ơi, trong Toán nhiều công thức/Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn (Toán và hoa).

Có lần tôi nghe thầy nói say sưa về con số trong thơ. Với thầy, trong thơ con số cũng là con chữ, nó chứa đựng cả tâm hồn của con người. Có lẽ vì thế mà trong thơ thầy hay giật mình về con số tuổi tác. Nhưng sau cái giật mình bản năng ấy, lại hiện ra một trí tuệ giàu hài hước: “Năm chục như ta cũng khối người/Hơn nhau chỉ mỗi bộ râu thôi”; “Sáu mươi chưa chịu về đâu nhé/Khối cụ tám mươi vẫn cố ngồi!”, “Em sáu mươi và anh sáu ba/Đố ai dám bảo chúng ta già?”.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

Đôi khi ta thấy trong thơ ông một sự sắp đặt khá tài tình: “Bà quá sáu lăm, tôi bảy mươi/Sống thêm mấy chục nữa cho đời!... Tuổi già cứ đến không sao hết/ Bà vẫn như xưa trong mắt tôi”.

Thầy có 2 bài thơ cấu tứ thật bất ngờ đó là bài “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn” và bài “Ông và cháu”. Bài thơ “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn” này khiến tôi nhớ lại 15 năm trước bắt gặp tấm ảnh thầy Văn Như Cương râu tóc bạc phơ cõng mẹ già mà ai đó chộp được đem đăng lên báo. Nhìn tấm ảnh, xúc động vô cùng. Khi đọc bài thơ “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn” của thầy, mới thấm thía cái tình mẫu tử lúc tuổi già. Có lẽ vì thế mà ông có một tình yêu con cháu đến phát thèm: “Ông yêu cháu nhất nhà/Yêu hơn yêu mẹ cháu/Yêu hơn cả yêu bà/Vì cháu chưa biết nói/Chẳng cãi ông bao giờ”.

Thơ thầy Văn Như Cương thấm đẫm chất “nói trạng” của những ông đồ xứ Nghệ xưa. Thông minh, hóm hỉnh, thân gần… Giờ Thầy Cương đã ra đi về cõi vĩnh hằng, đọc lại những câu thơ của thầy để lại, tôi như thấy "Ông Tiên tóc trắng" vẫn ngồi bên mình, cũng với triết lý sống trong thơ ông đó là hãy sống tin yêu và sâu sắc với mọi người.

Trong đời sống thường nhật, ông có thường qua lại thăm gia đình thầy giáo Văn Như Cương và ông cảm nhận như thế nào về đời sống của thầy?

Có chứ, thỉnh thoảng tôi có qua nhà thầy chơi. Nhiều khi thầy rảnh rỗi được một chút lại rủ mấy anh em thân tình lên trang trại của thầy chơi cả ngày, uống rượu, đàm đạo văn thơ.

Thầy Cương cũng yêu vợ lắm và vợ thầy cũng là một người phụ nữ rất tuyệt vời. Bà ngày xưa là một cô giáo rất xinh đẹp. Hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Thầy làm nhiều bài thơ tặng cho bà với một tình cảm rất “thanh niên”.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long
Theo dantri